Bỏ nhân điểm hệ số 2 trong thi tuyển sinh trung học phổ thông để minh bạch chất lượng giáo dục

Nguyễn Khanh
23:36 - 05/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ qua một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều trường trung học cơ sở đã bộc lộ rõ căn bệnh thành tích cố hữu. Trong khi trước đó vài tuần, những học sinh được thầy cô tổng kết điểm khá, điểm giỏi nhưng lại chỉ đạt được điểm trung bình trong kỳ thi tuyển sinh.

Nguyên nhân vì đâu mà lại có sự chênh lệch giữa điểm học, điểm thi nhiều đến vậy? Vì sao phần lớn các địa phương trên cả nước đang phải dùng hình thức nhân điểm hệ số 2 môn Ngữ văn và Toán để cho điểm thi tuyển sinh vào lớp 10… đẹp long lanh hơn?

Nhìn lại điểm chuẩn kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông 2022

Đến thời điểm này, phần lớn các địa phương trên cả nước đã hoàn tất việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh và công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập đến các thí sinh dự thi. Nhìn chung, chỉ có những trường trung học phổ thông chuyên là lấy điểm đầu vào tương đối cao. Các trường không chuyên thì không nhiều trường lấy điểm chuẩn trên 6,0 điểm/1 môn thi. Thậm chí, nhiều trường trung học phổ thông chỉ lấy điểm đầu vào dao động ở mức 1,5 đến 2,0 điểm (chưa nhân hệ số).

Theo dõi kỳ thi tuyển sinh trong nhiều năm qua, cũng như kỳ thi năm nay, có thể thấy chưa nhiều địa phương dám mạnh dạn tính điểm hệ số 1 đối với tất cả các môn thi. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập (không chuyên) năm học 2022-2023 có tới 60/63 tỉnh thành tổ chức thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nhưng đa số đều tính điểm Văn, Toán bằng hệ số 2. 

Chỉ có một số ít địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, Ninh Bình… là  tính điểm hệ số 1 đối với tất cả các môn thi. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế điểm thi trên trung bình, điểm chuẩn vào các trường trung học phổ thông không chuyên thì sẽ đặt ra nhiều câu hỏi lớn về chất lượng dạy và học hiện nay.

Bên cạnh một bộ phận thí sinh đạt được số điểm khá cao thì gần như tất cả các địa phương đều phải chứng kiến một thực trạng đáng buồn là có quá nhiều thí sinh không đạt được điểm thi trung bình 5,0 điểm/1 môn thi. Ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn nhất cả nước, nơi có điều kiện gần như là tốt nhất để phát huy hiệu quả dạy và học. Thế nhưng, sau kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua thì theo dữ liệu điểm thi và phổ điểm 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mà Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố thì chúng ta thấy có hơn 92.000 bài thi có điểm dưới trung bình. 

Bỏ nhân điểm hệ số 2 trong thi tuyển sinh trung học phổ thông để minh bạch chất lượng giáo dục- Ảnh 2.

Thống kê điểm bài chấm môn thi thường kì thi vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Số lượng bài thi dưới điểm trung bình nhiều nhất rơi vào môn Toán, với hơn 41.774 bài (chiếm 45,37%), môn Tiếng Anh với 41.566 bài (chiếm 45,27%). 

Cũng theo dữ liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có hơn 32.000 bài thi có tổng điểm 3 môn dưới 15 điểm (chiếm 1/3 tổng số thí sinh dự thi), trong đó, hơn 7.000 em đạt tổng điểm 3 môn từ 10 trở xuống. Trong khi, những thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì điều kiện bắt buộc là các em phải có học lực trung bình mới đủ điều kiện tham gia kỳ thi này. Như vậy, chúng ta thấy sự chênh lệch khá lớn giữa điểm học trên lớp và điểm thi tuyển sinh.

Nhiều địa phương công bố điểm thi có điểm chuẩn khá thấp, thấp đến mức không thể nào tin được. Chẳng hạn như điểm chuẩn vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023 đối với khối trường không chuyên ở thành phố Cần Thơ có đến 21/27 trường lấy điểm đầu vào dưới 5,0 điểm/1 môn thi. Thậm chí, có những trường chỉ cần trên dưới 1,5 điểm/môn thi là thí sinh nghiễm nhiên trở thành học sinh lớp 10 công lập. 

Đó là: Trường Trung học phổ thông Giai Xuân có điểm chuẩn là 7,40 điểm; Thạnh Thắng có điểm chuẩn là 7,50 điểm; Thới Thạnh lấy điểm chuẩn là 7,60 điểm… Trong khi đó, theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố Cần Thơ năm nay thi 3 môn, trong đó môn Ngữ văn và Toán nhân điểm hệ số 2.

Điểm chuẩn thấp không chỉ xảy ra đối với khối trường trung học phổ thông không chuyên mà ngay cả những trường chuyên cũng có những môn chuyên lấy điểm chuẩn thấp hơn ngưỡng điểm trung bình như trường Trung học Phổ thông Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) có đến 6/9 môn chuyên lấy điểm chuẩn dưới 5,0 điểm/1 môn thi.

Tình trạng điểm chuẩn vào lớp 10 công lập thấp không phải chỉ xảy ra ở năm nay trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát, học sinh phải học trực tuyến suốt một thời gian dài mà ngay cả những năm trước đây cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đó là trong kỳ thi năm 2020,  trường hợp trường Trung học phổ thông Lang Chánh (Thanh Hóa) lấy điểm chuẩn là 2,9 điểm nên thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn đã trúng tuyển. 

Chỉ vì Văn, Toán được nhân hệ số 2!

Vì sao điểm chuẩn vào lớp 10 công lập nhiều trường thấp chạm đáy?

Để đi tìm nguyên nhân của sự việc này thì có rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất hiện nay là việc giao chỉ tiêu tỉ lệ khá, giỏi ở các trường trung học cơ sở và bệnh thành tích đã trở thành căn bệnh khó chữa của ngành giáo dục. Đầu năm học, nhà trường giao chỉ tiêu cho tổ chuyên môn, tổ chuyên môn giao cho từng giáo viên với phương châm "năm sau phải cao hơn năm trước" nên giáo viên phải "tính toán" để cuối năm những lớp của mình dạy phải có thành tích bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung chỉ tiêu được giao.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là những môn thi tuyển sinh vào lớp 10 là những môn gần như bắt buộc học sinh phải học thêm ở nhà trường và ở nhà thầy cô giáo. Một khi học sinh đi học thêm với thầy cô bộ môn thì tất nhiên thầy cô cũng phải có "trách nhiệm" để học sinh đạt được điểm cao. Chính vì thế, trước khi kiểm tra thường xuyên, định kỳ thì thầy cô phải dạy các dạng bài tương tự như đề kiểm tra để học sinh "nắm kĩ". Ngày kiểm tra, gần như học sinh chỉ cần tái hiện lại những gì thầy cô đã hướng dẫn nên đa phần điểm số của học sinh khá "đẹp".

Chính vì thế, dẫn đến sự ngộ nhận về học lực của học trò, nhiều em cứ ngỡ mình có học lực khá, giỏi nên thiếu đi động lực học tập và không nắm được kiến thức cơ bản. Ngày thi tuyển sinh gặp phải đề thi mới, coi thi nghiêm túc nên dẫn đến tình trạng nhiều học sinh đã từng đạt được danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trong quá trình học tập ở trường nhưng không đạt được điểm trung bình (điểm 5).

Muốn cho việc dạy thật, học thật, thi thật đi vào thực chất thì tất nhiên là phải thay đổi trong chỉ đạo và trong tư duy mỗi thầy cô giáo. Cấp trên, nhà trường không giao chỉ tiêu theo kiểu "năm sau phải cao hơn năm trước" hoặc lấy điểm trung bình của huyện để làm số liệu giao cho giáo viên trường mình. 

Bên cạnh đó, các cấp phải quản lý chặt tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay đối với giáo viên bộ môn. Chỉ khi không giao chỉ tiêu cao ngất ngưởng cho giáo viên, giáo viên không dạy thêm tràn lan cho học sinh của mình thì đánh giá sẽ thật hơn. Học sinh sẽ nhìn rõ lực học của mình để phấn đấu. Nếu không, vòng tròn luẩn quẩn này vẫn cứ lặp lại từ năm này sang năm khác và các địa phương vẫn phải duy trì hình thức nhân điểm hệ số 2 đối với 2/3 môn thi để trưng ra con số "ảo" trong bảng điểm của kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông.