Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thêm một bộ sách giáo khoa nhằm cải thiện chất lượng dạy và học

Phan Anh
20:54 - 26/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 trong năm 2025. Việc này được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thêm một bộ sách giáo khoa nhằm cải thiện chất lượng dạy và học- Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa có chất lượng giúp giáo viên, học sinh có thêm một nguồn tài liệu tham khảo trong việc dạy và học. Ảnh: NXBGD

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu phải biên soạn một bộ sách giáo khoa theo đúng như Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đề ra.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/1/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29-NQ/TW đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai bước đầu mang lại chuyển biến tích cực; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được củng cố, tăng cường; hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư; chất lượng giáo dục phổ thông được duy trì và nâng cao.

Tuy nhiên, một số văn bản triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất; việc biên soạn, thực nghiệm và thẩm định sách giáo khoa còn hạn chế; tình trạng thừa, thiếu giáo viên chậm được khắc phục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chính phủ trong tháng 12/2023; hoàn thiện Đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.

Tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, trình Thủ tướng Chính phủ cũng trong tháng 12/2023.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025; ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành sách giáo khoa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa là phù hợp với Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 88/2014/QH13

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mục quan điểm chỉ đạo có nội dung:

"Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo".

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ, "Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác".

Như thế, Đảng, Nhà nước ta xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu thì học sinh phải là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Vậy nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội nhằm cạnh tranh về giá cả giúp người dân - nhất là dân nghèo được hưởng lợi.

Hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa là thể hiện rõ trách nhiệm với Nhân dân trước tình trạng giá sách giáo khoa chương trình mới mới "nhảy múa" thiếu kiểm soát như hiện nay.

Ngày 14/8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đoàn giám sát cho biết, việc triển khai thực hiện chủ trương "xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa" có một số nội dung chưa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước", báo cáo Đoàn giám sát nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng, tuy nhiên cần hiểu đúng về Nghị quyết 88/2014/QH13. Nghị quyết này nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ.

Xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Ngoài ra, kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các phương tiện truyền thông thường xuyên phản ánh sách giáo khoa có "sạn". Đó là lí do Bộ Giáo dục và Đào tạo cần biên soạn một bộ sách giáo khoa có chất lượng giúp giáo viên, học sinh có thêm một nguồn tài liệu tham khảo trong việc dạy và học.

Bình luận của bạn

Bình luận