Bộ Công Thương: Nếu bỏ Quỹ bình ổn, giá xăng, dầu có thể tăng sốc

Trà Li
08:17 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước những đề xuất giảm thuế để "kìm" đà tăng của giá xăng, dầu, bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Bộ Công Thương cho rằng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Bộ Công Thương: Nếu bỏ Quỹ bình ổn, giá xăng, dầu có thể tăng sốc - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời về giá xăng, dầu tại họp báo ngày 16/6. Ảnh: VGP/PT

Liên quan đến đề xuất giảm thuế để "kìm" giá xăng, dầu, tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 16/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Tài chính đã có đề xuất và sẽ cố gắng triển khai nhanh nhất. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, chỉ giảm thuế là chưa đủ, cần phải thực hiện thêm các biện pháp khác như hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người yếu thế, tăng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động...

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nguồn cung xăng, dầu trong nước cũng là vấn đề cần bàn tới. "Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn còn "chập chờn" với mức sản xuất họ có thể tạo ra. Vì thế, tháng 2 năm nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu", bà Nga nói.

Đánh giá vấn đề nguồn cung là quan trọng nhất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ ưu tiên sử dụng nguồn trong nước, nhưng cần có cam kết rõ ràng. Nếu doanh nghiệp không rõ ràng về mức sản xuất thì bắt buộc phải nhập để đảm bảo nguồn cung.

Phiên điều hành giá vừa rồi nếu không sử dụng Quỹ BOG thì giá xăng, dầu có thể tăng tới 4.000-5.000 đồng
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Trả lời câu hỏi về đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu (Quỹ BOG), bà Nga cho biết Bộ Công Thương vẫn đang nghiên cứu và sẽ đưa ra ý kiến sau.

Trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành luật. Bộ Tài chính có điều chỉnh theo nội dung chính sách bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.

Hiện nay, chỉ tồn tại Quỹ BOG, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ để giá xăng, dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nên bỏ Quỹ BOG, bởi thực tế vừa qua giá xăng tăng sốc, quỹ không có tác động nhiều.

"Nếu nói bỏ thì đơn giản lắm, nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét. Nếu bỏ thì giá xăng, dầu có thể tăng sốc. Phiên điều hành giá vừa rồi nếu không sử dụng Quỹ BOG thì giá xăng, dầu có thể tăng tới 4.000-5.000 đồng", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, Quỹ BOG như "hồ điều hòa", phần "tiết kiệm" để lúc cần thì bỏ ra. Tuy nhiên, quỹ có mức độ, không thể lạm dụng quỹ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do đó, nếu bàn đến vấn đề bỏ Quỹ BOG cũng cần đưa ra biện pháp để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá xăng, dầu tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương: Nếu bỏ Quỹ bình ổn, giá xăng, dầu có thể tăng sốc - Ảnh 4.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 13/6 vừa qua, giá xăng, dầu Việt Nam tại thời điểm đó đứng thứ 85 trên bảng xếp hạng 170 quốc gia. Ảnh: Báo Công Thương

Tại buổi họp báo, một lần nữa thông tin Malaysia sẽ bán 300.000 tấn xăng RON 95 cho Việt Nam được đề cập đến, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu hiện nay đều tiếp cận với mức giá như nhau trên thị trường quốc tế, và thị trường xăng dầu Malaysia "không có khác biệt".

Sau kỳ điều chỉnh ngày 13/6 vừa qua, giá xăng, dầu Việt Nam tại thời điểm đó đứng thứ 85 trên bảng xếp hạng 170 quốc gia. Theo đánh giá của ông Đỗ Thắng Hải, giá này chỉ ở mức trung bình.

Nguồn: VGP