Giá xăng RON95 vượt mốc 32.000 đồng/lít: Cung không đủ cầu
Từ 15 giờ chiều 13/6, giá xăng RON95 tăng lên mốc 32.370 đồng/lít, tiếp tục xác lập kỷ lục giá mới do nguồn cung hạn chế, mà nhu cầu lại tăng cao.
Giá xăng tăng vượt mốc 32.000 đồng/lít
Trong kỳ điều chỉnh ngày 13/6, liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vừa thay đổi giá bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, trong đợt điều chỉnh này, giá xăng tiếp tục lên mức giá kỷ lục mới. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít lên mức 32.370 đồng/lít; dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít; dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít lên mức 27.830 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng/ký, xuống còn 20.350 đồng/ký.
Tại kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ đã chi quỹ bình ổn với xăng E5RON92 là 100 đồng/lít, xăng RON95 là 200 đồng/lít, dầu diesel là 400 đồng/lít và dầu hỏa là 300 đồng/lít.
Với sự điều chỉnh trên, giá xăng đã tăng lần thứ 6 phiên liên tiếp, xô đổ kỷ lục đã lập trước đó.
Mức giá xăng trên sẽ được áp dụng bắt đầu từ 15h chiều 13/6.
Kiến nghị hạ thuế, ghìm giá xăng
Theo phân tích của Bộ Công Thương, giá dầu thế giới vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng và có thể thiết lập những con số kỷ lục mới. Nguyên nhân lớn đến từ nhu cầu xăng dầu tăng lên của các quốc gia hậu COVID-19, đặc biệt là Trung Quốc, khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, dần dần phục hồi các hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường đang gặp khó bởi nhiều lý do. Thứ nhất, việc Nga đổ bộ vào Ukraine khiến các nước phương Tây đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga. Trong đó, liên minh châu Âu tiếp tục gia tăng trừng phạt lên mức 90% sản lượng xăng dầu từ Nga.
Thứ hai, tồn kho dầu tại Mỹ vẫn ở mức thấp. Thứ ba, trong hai năm dịch vừa qua, nhiều nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đã giảm công suất. Cùng với đó, các hạn chế đi lại đã kéo nhu cầu nhiên liệu đi xuống. Hiện tại, mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã tăng sản lượng khai thác dầu, nhưng con số vẫn ở mức khiêm tốn, không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Nga. Sự thiếu hụt này đã đẩy giá xăng dầu lên cao.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua nhiều lần điều chỉnh. Đây là lần tăng giá xăng thứ 6 liên tiếp. Giá xăng tăng kéo theo giá các loại hàng hóa khác cũng "leo thang", làm tăng áp lực lên lạm phát.
Trước tình hình giá xăng tăng, không có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục hạ thuế xăng dầu để ghìm mức tăng của giá xăng.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tháng 6, trước những câu hỏi liên quan đến xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã cho biết, trước mắt, Bộ sẽ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội để có thể giảm thuế, giảm giá xăng dầu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google