Bộ Công an trả lời về mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam: Nghiên cứu bổ sung mục nơi sinh

Quỳnh Giang
09:58 - 04/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, đại diện Bộ Công an mới đây đã có câu trả lời về mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam không có thông tin nơi sinh khiến một số nước từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam.

Bộ Công an trả lời về mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam: Nghiên cứu bổ sung mục nơi sinh  - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Nghiên cứu bổ sung mục nơi sinh ở hộ chiếu mới

Chiều 03/8/2022, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7/2022. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, đại diện Bộ Công an tham gia phiên họp và trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Báo chí đặt câu hỏi, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không quy định ghi nơi sinh trong hộ chiếu, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng cho phép ghi hoặc không, vậy trước các phản ứng của một số nước như Đức, Tây Ban Nha và Séc vừa qua, Bộ Công an đã có động thái gì?

Trả lời câu hỏi của báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, hộ chiếu mới của Việt Nam tuân thủ đúng các nội dung của Luật Xuất nhập cảnh năm 2019. Hộ chiếu này thoả mãn các điều kiện, tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO).

Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng không ghi mục nơi sinh trong hộ chiếu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ, Mông Cổ... Đây là điều bình thường. Hầu hết các quốc gia vẫn công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam. Chỉ có một số nước là Đức, Tây Ban Nha, Séc tạm thời chưa công nhận do vướng một số vấn đề mang tính kỹ thuật.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài học tập, du lịch, làm việc, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang phối hợp trao đổi với 3 nước trên để xử lý vấn đề này.

Bị chú trong hộ chiếu là nơi ghi các thông tin ghi chú, chú thích liên quan tới người mang thị thực.

Trước mắt, Bộ Công an sẽ bổ sung thông tin về nơi sinh của công dân vào ở phần bị chú trong hộ chiếu đối với các trường hợp cần thiết. Công dân có thể đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để bổ sung mục bị chú. Đồng thời, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề hộ chiếu để có thể bổ sung mục nơi sinh trong phần nhân thân của hộ chiếu.

Trước đó, ngày 2/8, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam thông báo dừng cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam. Như vậy, Cộng hoà Séc là quốc gia thứ ba không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam sau Đức và Tây Ban Nha. Trong khi đó, Anh và Pháp vẫn tiếp tục công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không quy định ghi nơi sinh trong hộ chiếu

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, ngày 22/11/2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật số 49/2019/QH14-Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Nội dung của Luật số 49/2019/QH14, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã luật hóa việc cấp giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh cho công dân, có nhiều điểm mới, đơn giản hóa thủ tục so với các quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh.

Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đặt ra tiêu chuẩn chung cho hộ chiếu và theo tổ chức này, việc ghi thông tin nơi sinh là không bắt buộc. Tuy nhiên, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho rằng khi lựa chọn ghi hoặc không ghi nơi sinh, quốc gia hoặc tổ chức cấp giấy thông hành phải xem xét mọi hoạt động nhạy cảm chính trị hiện tại liên quan đến các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác và liệu đó có phải là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được cơ quan cấp thị thực ở các quốc gia khác công nhận hay không.