Hộ chiếu phổ thông được cấp trước ngày 01/7/2022 có phải làm lại theo mẫu mới?

Quỳnh Giang
10:28 - 29/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới được thực hiện theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan. Công dân đã được cấp hộ chiếu mẫu cũ trước ngày 01/7/2022 sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.

Cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới từ ngày 1/7

Công dân Việt Nam ở trong nước và công dân Việt Nam đang ở nước ngoài sẽ bắt đầu được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử theo mẫu mới kể từ ngày 01/7/2022.

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới được thực hiện theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.

Công dân đã được cấp hộ chiếu mẫu cũ trước ngày 01/7/2022 sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu. Hộ chiếu mẫu cũ cấp sau ngày 01/7/2022 sẽ không có giá trị.

Bộ Công an đã chuyển các mẫu hộ chiếu ngoại giao, công vụ, phổ thông không gắn chíp điện tử theo mẫu mới cho Bộ Ngoại giao để thông báo đến Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan biết.

Hộ chiếu phổ thông được cấp trước ngày 01/7/2022 có phải làm lại theo mẫu mới? - Ảnh 1.

Hộ chiếu phổ thông mẫu mới (không gắn chíp điện tử). Ảnh: VGP

Khác biệt giữa hai mẫu hộ chiếu

So với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1/7 có nhiều khác biệt về màu sắc, chất liệu và thông tin thể hiện bên trong.

Theo Bộ Công an, so với mẫu hộ chiếu phổ thông cũ, mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến.

Mẫu hộ chiếu mới được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - Đảo Lý Sơn…, góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, mẫu hộ chiếu phổ thông mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả.

Bên cạnh đó, hộ chiếu mới có 50 trang, ở trang bìa có màu xanh tím than, còn với hộ chiếu mẫu cũ là màu xanh lá cây.

Về thông tin công dân, hộ chiếu mẫu mới bao gồm các thông tin: Hình ảnh chân dung; loại; mã số; ở dưới là họ và tên; ngày sinh; quốc tịch; số căn cước công dân... So với mẫu hộ chiếu mới, hộ chiếu cũ còn có thêm thông tin về "nơi sinh".

Hộ chiếu mới "đạt chuẩn quốc tế" nhưng còn vấn đề?

Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an khẳng định hộ chiếu phổ thông mẫu mới được cấp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đạt tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế. Ngoài ra, trên thực tế, hộ chiếu của nhiều nước trên thế giới cũng không có mục thông tin về "nơi sinh" nhưng vẫn đang được công nhận.

Đức không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam

Chiều 27/7, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam thông báo những người mang hộ chiếu phổ thông Việt Nam màu xanh tím than theo mẫu mới có số serial bắt đầu bằng chữ "P" sẽ không thể nộp hồ sơ xin thị thực loại C hoặc D để nhập cảnh Đức.

Visa loại C (còn gọi là visa Schengen) cho phép nhập cảnh vào một trong số 26 quốc gia thuộc khối Schengen và tự do di chuyển trong lãnh thổ của 25 quốc gia còn lại mà không phải tiến hành thêm bất cứ thủ tục nhập cảnh nào khác.

Visa loại D (visa quốc gia) được Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam cấp, cho phép tự do đi lại trong 25 quốc gia nội khối Schengen với thời gian lưu trú tối đa 90 ngày.

Đại sứ quán Đức cũng xác nhận đã gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề với hộ chiếu mẫu mới cấp từ ngày 1/7/2022. Trong đó, phía Đức thông báo mẫu hộ chiếu này "tạm thời không được công nhận ở Đức" vì thiếu thông tin về nơi sinh khiến việc xác định người đang mang hộ chiếu là ai trở nên khó khăn, nhất là các trường hợp trùng họ. 

Do vậy, Đức tạm thời không công nhận những hộ chiếu mới của Việt Nam cũng như không cấp thị thực vào những hộ chiếu này.

Chiều 28/7, Cục Lãnh sự đã giao thiệp với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đề nghị hai bên phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam nhập cảnh vào Đức, phù hợp với tinh thần quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng đã liên hệ để thu xếp trao đổi trực tiếp với các cơ quan chức năng Đức về việc này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại để thúc đẩy xử lý vấn đề.

Tối 28/7, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, sau khi nhận được công hàm từ phía Đức về việc ngừng cấp thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu mẫu mới, Cục Lãnh sự đã làm việc với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để trao đổi thông tin và phương án xử lý vướng mắc.

Hộ chiếu phổ thông được cấp trước ngày 01/7/2022 có phải làm lại theo mẫu mới? - Ảnh 2.

Hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam còn được gọi là hộ chiếu xanh tím than để phân biệt với hộ chiếu phổ thông mẫu cũ. Ảnh: VGP

Pháp vẫn tiếp tục công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam

Trong thời điểm hiện tại và cho đến khi có thông báo mới, các cơ quan chức năng của Pháp vẫn tiếp tục công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam và cấp thị thực bình thường.

Tuy nhiên, theo thông báo của nhà chức trách Đức và trong khuôn khổ khối Schengen, thị thực do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cấp trên hộ chiếu mới của Việt Nam không cho phép đi sang Đức. Do đó, người xin thị thực mang hộ chiếu Việt Nam mới phải điều chỉnh thời gian lưu trú để loại trừ thời gian lưu trú hoặc quá cảnh tại Đức. Người có hộ chiếu đã được cấp trước đó không bị ảnh hưởng.

Vì tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, những người nộp đơn xin thị thực được khuyến cáo nên cập nhật thông tin.

Nơi sinh có quan trọng trong hộ chiếu?

Ở một số quốc gia, nơi sinh là thông tin quan trọng để xác định từ chối hay chấp nhận cho các cá nhân nhập cảnh.

Theo Best Citizenship, nơi sinh (place of birth - POB) là một trong những thông tin quan trọng nhất có trong hộ chiếu của công dân ở hầu hết các nước hiện tại. Nếu không có thông tin này, một số quốc gia từ chối chấp nhận hộ chiếu hoặc từ chối cho nhập cảnh tại biên giới. Nhiều quốc gia thậm chí không cấp hộ chiếu cho công dân của họ đi du lịch quốc tế nếu mục này bị bỏ trống.

Lý do là thiếu thông tin về nơi sinh bị xem là mối đe dọa an ninh vì khi đó các cá nhân dễ dàng che giấu danh tính của họ. Ví dụ, một người có thể sinh ra ở nước này, nhưng đã nhập quốc tịch nước khác.

Nơi sinh, cùng với Tên, Họ, Ngày sinh (date of birth - DOB), thông tin sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm khuôn mặt) được kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quốc tế và có thể được so sánh với thông tin của những kẻ tình nghi và khủng bố đã được biết đến.

Đặc biệt, thông tin về nơi sinh thường không bao giờ thay đổi, bất kể bạn có bao nhiêu hộ chiếu, được bao nhiêu quốc gia khác nhau cấp. Giá trị Ngày sinh và Nơi sinh giúp xác định duy nhất một cá nhân.

Trong trường hợp sinh ở vùng biển quốc tế hoặc đường hàng không thì thông tin nơi sinh trong hộ chiếu được ghi phụ thuộc vào luật của các quốc gia liên quan, bao gồm quốc tịch của máy bay hoặc tàu biển, quốc tịch của cha mẹ và/hoặc vị trí của máy bay hoặc tàu (nếu nơi sinh xảy ra trong lãnh hải hoặc vùng trời của một quốc gia).

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đặt ra tiêu chuẩn chung cho hộ chiếu và theo tổ chức này, việc ghi thông tin nơi sinh là không bắt buộc. Tuy nhiên, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho rằng khi lựa chọn ghi hoặc không ghi nơi sinh, quốc gia hoặc tổ chức cấp giấy thông hành phải xem xét mọi hoạt động nhạy cảm chính trị hiện tại liên quan đến các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác và liệu đó có phải là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được cơ quan cấp thị thực ở các quốc gia khác công nhận hay không.
Nguồn: (Tổng hợp)
Bình luận của bạn

Bình luận