Bộ Công an: Nạn nhân bị lừa đảo cần cảnh giác với dịch vụ "lấy lại tiền" để không mắc bẫy lần 2
Thời gian qua liên tiếp xuất hiện các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội khiến người dân mất tiền từ lần này đến lần khác. Nhiều người dân đã bị lừa lần 1 nhưng lại tiếp tục bị lừa lần 2 dù đã tố cáo với cơ quan bảo vệ pháp luật và đang trong thời gian chờ giải quyết.
Với mong muốn nhanh chóng lấy lại tiền, nhiều nạn nhân của lừa đảo trực tuyến tiếp tục mắc bẫy lần 2
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, nhiều trường hợp sau khi đã bị lừa lần 1, người dân lại tiếp tục bị các đối tượng khai thác tâm lý muốn nhanh chóng lấy lại tài sản để tiếp tục chuỗi hành vi lừa đảo. Chúng lợi dụng không gian mạng đưa ra các thông tin dịch vụ thông báo là số tiền của nạn nhân đang “bị treo trên mạng” hoặc có khả năng liên kết với các ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật để cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền”.
Các đối tượng này thường giới thiệu mình là luật sư, làm tại các văn phòng Luật sư nhưng không có thật, đồng thời, các đối tượng này yêu cầu người dân phải chuyển phí dịch vụ trước. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển tiền nữa. Sau khi biết mình lại bị lừa đảo, nhưng các nạn nhân cũng không làm được gì.
Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, quá trình đấu tranh, xử lý hành vi phạm tội này gặp nhiều khó khăn, vì đây là đường dây lừa đảo có hệ thống, chỗ làm việc và các đối tượng chủ yếu nằm ở nước ngoài. Nạn nhân và các đối tượng không quen biết nhau, không biết các đối tượng là ai, không có bất kỳ thông tin gì liên quan đến các đối tượng.
Đặc biệt, các tài khoản nhận tiền 100% là tài khoản ảo, chính chủ nhưng không phải người sử dụng (bán tài khoản) hoặc chúng làm tài khoản của những người bị mất căn cước công dân…
Bên cạnh đó, các đối tượng đánh đúng tâm lý nạn nhân mới mất tiền có xu hướng muốn lấy lại tiền nên sau khi nhận được thông tin có xu hướng muốn chuyển tiền ngay cho đối tượng. Chúng mạo danh các Văn phòng luật sư có thật và công khai trên mạng, nên nhiều người dân tin tưởng, thậm chí đứng trước cửa Văn phòng luật sư chuyển tiền.
“Sau khi chuyển tiền thì trong vòng vài phút tiền của nạn nhân đã bị các đối tượng chuyển đến hàng trăm tài khoản khác cũng là tài khoản ảo… địa điểm cuối thường là các dịch vụ đổi tiền hoặc các cửa hàng kinh doanh vàng bạc nên khó khăn trong công tác đấu tranh và thu hồi tiền cho người dân”, Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thông tin thêm.
Bộ Công an khuyến cáo người dân, nhất là người dân đã là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo cần chú ý:
Thường xuyên đọc và nắm bắt các thông tin trên các trang mạng chính thống của các Cơ quan bảo vệ pháp luật và báo đài để kịp thời nhận biết các thủ đoạn phạm tội của các đối tượng.
Đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu.
Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.
Người dân cần làm gì nếu đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến?
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu đã bị lừa đảo, người dân cần dừng ngay việc gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Đồng thời thu thập và lưu lại bằng chứng và làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
Người dân nên cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra; theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia.
Nếu thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân) đã bị rò rỉ do vi phạm dữ liệu, người dân cần báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính. Đồng thời tạo một mật khẩu mới mạnh hơn và đảm bảo rằng chưa từng sử dụng mật khẩu đó trước đây. Nếu đã sử dụng mật khẩu bị rò rỉ ở bất kỳ nơi nào khác, hãy thay đổi mật khẩu ở đó.
Người dân cần cảnh giác với liên lạc đáng ngờ, chặn hoặc không trả lời người lạ và không nhấp vào bất kỳ liên kết đáng nghi nào và theo dõi chặt chẽ tài khoản ngân hàng.
Nếu đã bị kẻ lừa đảo truy cập vào máy tính hoặc điện thoại, người dân cần cập nhật phần mềm bảo mật và quét virus. Xóa mọi thứ được xác định là có vấn đề và đặt lại mật khẩu các thiết bị. Đối với điện thoại đã bị xâm nhập, hãy báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, thay đổi mật khẩu hoặc mã pin, chặn các cuộc gọi lừa đảo và xem xét thay đổi số điện thoại.
Ngoài ra, người dân có thể nhờ chuyên gia công nghệ thông tin kiểm tra trực tiếp thiết bị của mình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google