Bè mảng mùa bão
Tháng 6 – 10 hàng năm là mùa mưa bão, cũng đồng nghĩa với mùa bè mảng bắt đầu hoạt động.
Những ngư dân xã Hải Lý (Hải Hậu – Nam Định) có một nghề bám biển kỳ lạ, đó là họ dùng những chiếc bè mảng rẽ sóng ra khơi để đánh bắt thủy sản. Mùa dùng bè mảng cũng trái ngược với mùa đánh bắt thủy sản bằng thuyền có công suất lớn.
Trọng lượng của bè mảng có thể tới gần 3 tấn
Trải qua hàng trăm năm, nghề bè mảng ở Hải Lý đã dần chuyên môn hóa, làng chài chọn những người có kinh nghiệm, kỹ thuật đóng bè tốt lập thành một tổ chuyên đóng bè cho cả xã. Đối với nguyên liệu, 2 yêu cầu bắt buộc mà thợ đóng bè mảng ở Hải Lý đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất là chọn những cây bương già, to, dài trên 10m, khai thác từ rừng tự nhiên khu vực các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa để kết bè bởi loại bương già mới chịu được sức ép của sóng to, gió lớn, hạn chế tối đa sự bám dính, làm tổ của các vi sinh vật biển. Thứ hai là kỹ thuật ghép bương, cân chỉnh tời, chão cho bè cân, để bè lướt nhẹ, êm khi xuống biển.
Nhờ cầu kỳ như vậy nên bè mảng do ngư dân xã Hải Triều đóng luôn chắc chắn, bền đẹp. Tiếng lành đồn xa, nhiều ngư dân ở các địa phương lân cận như: Hải Chính, thị trấn Thịnh Long, Hải Triều đều tìm đến xã Hải Lý đặt hàng đóng bè giúp. Trung bình mỗi năm, người dân Hải Triều đóng hàng trăm chiếc bè phục vụ ngư dân trong xã và bán cho các xã lân cận.
Anh Vũ Văn Minh, người có hơn 20 năm tham gia đóng bè mảng cùng các thế hệ cha anh, cho biết: "Nghề này tôi được cha truyền lại. Đến nay, tôi vẫn áp dụng những kỹ thuật đó, chỉ thêm vào sử dụng động cơ 24 mã lực gắn ở đáy bè.
Trọng lượng của mỗi chiếc bè như vậy tới gần 3 tấn và có thể đạt tốc độ từ 3-4 hải lý/giờ nên có khả năng khai thác thủy sản những ngày gió to, sóng lớn. Chi phí cho mỗi chiếc bè và ngư lưới cụ cũng lên tới 70-80 triệu đồng; hộ nào khó khăn thì liên kết hai, ba hộ góp vốn đóng bè cùng nhau bám biển mưu sinh".
Nghề biển đã vất vả, đi bè mảng càng vất vả gấp bội
Ngư dân Nguyễn Đình Tuân, người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm bám biển bằng bè mảng cho biết, mỗi chuyến ra khơi, 3 - 4 bè đi thành từng nhóm, sẵn sàng giúp nhau mỗi khi gặp khó khăn, bất trắc trên biển. Một bè phát hiện luồng cá hay tìm ra khu vực có nhiều tôm, ghẹ, tép moi, cả nhóm cùng được hưởng "lộc" biển.
Tuân cũng cho biết thêm, để đảm bảo an toàn, các bè chỉ hoạt động cách bờ khoảng 20 hải lý và đi về trong ngày. Chi phí mỗi chuyến ra khơi chỉ tốn khoảng 200.000 đồng, chủ yếu là tiền xăng dầu.
Nghề biển đã vất vả, đi bè mảng càng vất vả gấp bội. Bè chở nặng, nửa chìm, nửa nổi, nước ngập lấp xấp, không còn chỗ nào khô ráo. Thỉnh thoảng, những con sóng lớn ập đến trùm lên tất cả. Thường xuyên dầm nước, không ít người bị bệnh ngoài da, xương khớp… Tuy nhiên, ngư dân Hải Lý vẫn bám bè, mưu sinh trên từng con sóng lớn.
Ở xã Hải Lý có khoảng 400 bè mảng rẽ sóng ra khơi mỗi sáng. Tất nhiên, bè mảng chỉ hoạt động gần bờ, đánh bắt những loài cá bé như cá mai, sứa, ghẹ, bề bề, tôm, tép, moi, cá trích, cá cơm… nhưng cũng là "chum gạo" nuôi sống ngư dân qua mùa mưa bão.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google