NSND Nguyễn Hữu Tuấn: Nghĩ chậm cùng "Tiếng gọi đò"
Sau rất nhiều năm góp nhặt, NSND Nguyễn Hữu Tuấn gói gọn vào trong cuốn sách "Tiếng gọi đò" những con sông, những bến đò cũ nơi ông từng ghé qua.
NSND Nguyễn Hữu Tuấn đã rong ruổi tới nhiều nơi trên dải đất Việt Nam. Tài sản 40 năm chụp ảnh là hàng chồng hộp ảnh xếp đầy trong các căn phòng của ông. Mấy chục năm đi chụp ảnh nông thôn, ông đặc biệt rất yêu thích chụp ảnh những bến đò. Bến đò trong ảnh của ông không chỉ là phong cảnh mà đằng sau nó là những chuyện đời, chuyện người.
Để rồi sau rất nhiều năm góp nhặt, ông đã gói gọn những hình ảnh ấy vào cuốn sách "Tiếng gọi đò" – một tiêu đề gợi nhiều ý nghĩa và cảm xúc về những con sông, những bến đò cũ nơi ông từng ghé qua.
Gói gọn trong 147 trang, cuốn sách bao gồm 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức mà ông đã chụp trong hơn ba mươi năm, từ 1987 đến 2018. Nội dung sách được chính tác giả phiên dịch sang cả tiếng Anh với hi vọng bạn bè quốc tế cũng có thể đón nhận. Toàn bộ ảnh được in với hai sắc đen - trắng, gợi không khí hoài cổ.
Lật giở cuốn sách, bạn đọc như được lên một chuyến đò trở về với những miền ký ức đẹp trong các bức ảnh của ông. Chú thích trong sách hầu như là chữ viết tay của tác giả; chỉ cho ta thấy ảnh ấy chụp ở đâu, khi nào. Ông đã tìm đến những bến đò truyền thống quen thuộc của dân cư Bắc bộ, như bến đò Đông Trù (Hà Nội), bến đò Nương (Hiệp Hòa, Bắc Giang), bến đò Vân (Bắc Ninh)...
Hơn 80% những bức ảnh trong những bến đò của ông chụp về người phụ nữ ở nông thôn. "Tôi luôn thấy họ đẹp, và tôi yêu những con người đó, yêu đất nước đã sinh ra những con người như vậy. Cũng như tôi đã đi qua nhiều vùng quê Việt Nam, chụp ảnh về những con người, những ngôi làng… Tôi thấy, không có nơi nào đẹp hơn đất nước chúng ta bởi chính những con người bình dị đó" - NSND Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Mặc dù sách ảnh là chủ yếu nhưng cuốn sách lại cuốn hút từ đầu đến cuối trang sách bởi lối viết dung dị, dí dỏm và sâu sắc của ông.
Đến một ngày, những bến đò, bãi sông sẽ chỉ còn trong ảnh. Cuộc sống đi lên và những bến đò sẽ được thay thế bằng những chiếc cầu, dần thiếu vắng tiếng ai gọi "đò ơi, chờ với…
Những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn rất giá trị, cùng thời gian nó sẽ là nhân chứng cho mai sau…
Những lúc đợi đò thường không biết làm gì.
Đó là lúc hay nghĩ lại quãng đường đã qua.
Nghĩ đến những bước đường sắp tới.
Qua cầu, tốc độ rất nhanh, quá nhanh, không kịp nghĩ. Những bức ảnh này ghi lại cái thời sống chậm.
"Trên đò không chỉ có nắng, có gió, có vị ngọt của dòng sông mà còn có vị mặn của dòng đời" - ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn
"Mấy mươi năm đi chụp ảnh nông thôn, mọi người hay hỏi tôi: "Chụp cái gì thế" chưa kịp trả lời lại bồi thêm câu nữa "Để làm gì thế?". Lúc ấy tôi thường ú ớ, nói dối quanh. Chẳng nhẽ lại bảo "Chụp cái tôi nhìn thấy". Thực ra tôi còn muốn chụp cả những gì nghe thấy, ngửi thấy nữa" - NSND Nguyễn Hữu Tuấn.
"Những cánh đồng, con người, tiếng nước chảy, mùa rơm rạ… tất thảy đều gây cảm xúc cho tôi. Tôi chỉ chụp theo tiếng gọi của nó. Không vì cái gì khác, không theo kỳ vọng của ai.
Bây giờ đường xá đã thênh thang, từ núi cao, chớp mắt đã thấy đồng bằng. Chạy hơn tiếng đồng hồ dưới xuôi, biển đã hiện ra trước mặt. Cảnh vật vùn vụt trôi qua, nhanh quá, nhiều khi người chụp ảnh còn chưa nhận rõ vùng miền" - NSND Nguyễn Hữu Tuấn.
"Tập sách ảnh "Tiếng gọi đò" của nhà nhiếp ảnh Hữu Tuấn tập hợp những bức ảnh chụp bến đò, con đò, sinh hoạt sông nước ngoài Bắc, trong Nam trong ba thập kỷ 1980, 1990 và 2000. Đây là thời kỳ giáp ranh, chuyển đổi giữa nếp sống và kỹ thuật truyền thống với xã hội hiện đại, có sự xuất hiện của cơ giới hóa, và bến phà, cầu đường mới. Tùy từng nơi mà con đò cổ được bảo lưu, nhưng có thể nói đến những năm 1990, thì đò chèo tay đã dần vắng bóng, thay vì đò chạy máy, nhưng làng quê, bến nước, con đò vẫn còn nhiều hình ảnh gợi nhớ quá khứ xa xưa của người Việt.
Nhiếp ảnh Hiện thực là phần chính của Nhiếp ảnh Thế giới, khi ở đó, bằng những bức ảnh đen trắng ngưng đọng được thời gian và những khoảng khắc điển hình của cuộc sống. Khi cuộc sống thay đổi, nhiều sinh hoạt, cảnh vật không còn nữa thì bức ảnh chính là một nhân chứng lịch sử. Bến đò, tiếng gọi đò, người dân đi lại qua sông là phần hiện hữu của văn minh lúa nước Việt Nam trong quá khứ, còn kéo dài đến bây giờ, dù tính chất của con đò và bến đò bây giờ cũng đã rất khác, ngay cả canh tác nông nghiệp cũng thay đổi hoàn toàn, làng xã cố truyền cũng tan vỡ theo nhiều nghĩa. Chính những bức ảnh này làm người ta nhớ nhung, đôi khi lưu luyến một quá khứ không lặp lại – một kỷ niệm của bất kỳ ai từng đi đò, chờ đò và sống trong sự yên bình của làng xã sông nước Việt" - Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng
"Với căn cơ của một nhà quay phim điện ảnh xuất sắc, cả đời ở vị trí của một "đạo diễn hình ảnh" (Director of Photography), ông đã tự nhiên chọn cách can thiệp của Henry Cartier Bresson – lựa chọn những "khoảnh khắc quyết định" của hiện thực. Và nó hiển hiện thật tự nhiên ở những "khoảnh khắc quyết định" mà ông đã nhận ra và chụp được ở những bến đò, bến phà quê hương mình.
Thật ngạc nhiên khi biết rằng đây là cuốn sách đầu tiên Nguyễn Hữu Tuấn tự soạn về ảnh chụp của mình. Nhưng cái ngạc nhiên này cũng làm nhẹ bớt những ngạc nhiên khác về kinh nghiệm làm sách ảnh của ông, khiến mọi thứ thành ra rất đáng yêu, đáng trọng. Chẳng khác gì gặp một người đẹp mà không biết là mình đẹp, chưa biết làm đỏm.
Giữa thời buổi du lịch và quảng cáo đang chi phối môn nhiếp ảnh, ảnh chụp của Nguyễn Hữu Tuấn quả thực là một hiếm hoi quý báu và đẹp đẽ" - Họa sĩ Trịnh Lữ.
Ông đạt giải dành cho quay phim tại LHP Việt Nam lần VI năm 1983 với hai tác phẩm, Hy Vọng Cuối Cùng (1981) và Thị Xã Trong Tầm Tay (1983).
Một số bộ phim tiêu biểu ông phụ trách hình ảnh: Duyên Nợ (1987), Anh Và Em (1988), Chuyện Tình Trong Ngõ Hẹp (1992), Trở Về (1994), Thương Nhớ Đồng Quê (1995), Bến Không Chồng (2000), Lạc Lối (2013).
Bên cạnh đó, ông còn được mời tham gia nhiều dự án phim hợp tác với nước ngoài thực hiện tại Việt Nam như Đông Dương (1992), Người Tình (1992), Người Mỹ Trầm Lặng (2002), Hai Con Gái Ông Chủ Vườn Thuốc Trung Hoa (2006).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google