Bay nội địa đắt hơn bay nước ngoài

Li Lê
15:49 - 11/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Vào mùa du lịch cao điểm, giá vé máy bay nhiều chặng nội địa tăng cao vượt trội lên mức hơn 7 triệu đồng/vé/chiều. Mức này thậm chí còn cao hơn giá vé máy bay nước ngoài.

Giá vé máy bay nội địa tăng cao hơn bay nước ngoài

Bước vào mùa du lịch cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân cũng vì thế mà tăng cao, máy bay là lựa chọn di chuyển của nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay, giá vé máy bay các chặng nội địa tăng cao khiến nhiều hành khách "ngã ngửa". 

Chẳng hạn, với chuyến bay từ Hà Nội đi Sài Gòn khởi hành lúc 18 giờ 5 phút ngày 11/7 của hãng Vietnam Airline, giá cho ghế phổ thông tiêu chuẩn là 2.881.000 đồng/vé và giá vé cho ghế hạng thương gia là 8.669.000 đồng/vé .

Bay nội địa đắt hơn bay nước ngoài - Ảnh 1.

Bay nội địa đắt hơn bay nước ngoài - Ảnh 2.

Bay nội địa đắt hơn bay nước ngoài - Ảnh 3.

Giá vé máy bay các chặng nội địa "hot" tăng cao trong thời điểm cao điểm du lịch. Ảnh chụp màn hình

Cùng đường bay, giá vé của hãng Bamboo Airway khởi hành vào chiều ngày 11/7 cũng có giá từ 3.478.000 đồng - 7.998.000 đồng/vé tùy hạng vé.

Với chặng bay Hà Nội - Phú Quốc, giá vé Vietnam Airline có giá từ 2.729.000 đồng - 7.157.000 đồng/vé tùy hạng vé. 

Có thể thấy, mức giá trên đã tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước. Thậm chí, giá vé máy bay bay nội địa còn cao hơn cả bay đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... 

Cụ thể, vé máy bay từ Hà Nội đi Bangkok ngày 11/7 của hãng Airasia chỉ có già từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng/vé/chiều. 

Hay vé máy bay chặng Hà Nội - Singapore của hãng Vietjet Air cũng chỉ có giá từ 3.600.000 đồng/vé. Bay chặng tương tự, giá vé của hãng Bamboo Airway cũng chỉ dao động trong khoảng từ 2.000.000 đồng đến dưới 6.000.000 đồng/vé. 

Khắc phục chậm, hủy chuyến 

Từ đầu cao điểm Hè 2022 đến nay, các cảng hàng không không lúc nào vắng khách.

Giám đốc Cảng vụ Miền Bắc Trần Hoài Phương chia sẻ từ đầu tháng 7 đến nay, sản lượng vận chuyển qua sân bay Nội Bài vẫn luôn neo ở mức cao với trung bình 602 chuyến bay, trong đó 472 chuyến nội địa, với 80.300 khách và 130 chuyến quốc tế với 12.000 khách quốc tế.

Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất, trung bình mỗi ngày có từ 650 - 800 chuyến bay với lượng khách từ 110.000 - 120.000 khách/ngày, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam.

Sự tăng trưởng nóng này tiềm ẩn không ít bất cập và rủi ro. Điểm dễ nhận thấy nhất hiện nay chính là tình trạng quá tải tại các cảng hàng không khiến chất lượng dịch vụ, lẫn vấn đề an ninh trật tự khó kiểm soát. 

Thứ hai là tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra thường xuyên khiến khách hàng ngán ngẩm,  hãng hàng không thiệt hại. Với hành khách, tình trạng chậm, hủy chuyến bay sẽ gây thiệt hại cả về thời gian và tiền bạc. 

Nhằm giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang cố gắng hết sức thực hiện các giải pháp chủ động để hạn chế ảnh hưởng, như: Xây dựng phương án rút ngắn thời gian ground time (thời gian tính từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo), tập trung thực hiện công tác kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay vào ban đêm, hạn chế dừng tàu vào ngày khai thác trừ các trường hợp bắt buộc, đảm bảo đủ số lượng tàu dự bị tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, xếp hành trình bay phi công, tiếp viên hạn chế phải đổi tàu bay tại các sân bay địa phương…

Ngoài ra, Vietnam Airlines tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan về cấp slot bay theo cặp và về việc sử dụng nhà ga quốc tế trong khung giờ không sử dụng để phục vụ khai thác nội địa trong cao điểm hè 2022.

Với hãng hàng không, nếu mỗi ngày có vài chục chuyến rơi vào trường hợp bay lòng vòng chờ hạ cánh thì sẽ phải mất thêm tiền tỉ, đặc biệt là khi chi phí xăng dầu tăng cao như hiện nay.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp hàng không đề xuất các giải pháp liên quan đến việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; giảm thuế nhập khẩu; giảm giá giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không; cho phép phụ thu nhiên liệu hoặc điều chỉnh tăng trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Với lĩnh vực đường hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị, từ nay đến hết năm 2022, giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay. Đồng thời, giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.