Bắt giữ đối tượng có hành vi tham ô tài sản

PV
11:07 - 09/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Luân - viên chức Trung tâm quản lý đất đai huyện Mường Nhé về tội "Tham ô tài sản".

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Điện Biên cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt để tạm giam đối với Nguyễn Đức Luân (sinh nhật 1987, trú tại thôn Mỹ Hưng, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) về tội "Tham ô tài sản" theo Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Bắt giữ đối tượng có hành vi tham ô tài sản - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Đức Luân (giữa). Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Đối tượng là viên chức Trung tâm quản lý đất đai huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, tháng 4/2018, Nguyễn Đức Luân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao khi thực hiện nhiệm vụ, đã lập ủy nhiệm chi rút số tiền hơn 467 triệu đồng của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé, chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Điện Biên đang thực hiện biện pháp để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tội tham ô tài sản

Theo Điều 353, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội tham ô tài sản như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

- Có tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

- Phạm tội 2 lần trở lên;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

- Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.