Bàn về học ăn, học nói

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ
06:08 - 23/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ bé, tôi cứ băn khoăn học gì trong đời sống hàng ngày cho phải. Sau nhiều năm lênh đênh trong dòng đời, đến gần 80 tuổi, tôi mới ngộ được rằng cần "học ăn, học nói" kỹ lưỡng trong đời, không có trường đại học nào dạy nghệ thuật ăn, nói cho thật hiệu quả.

Học ăn

Bàn về học ăn, học nói - Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ. Ảnh: NVCC

Từ hồi bé, tôi vẫn có thắc mắc vì sao 4 nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo, lấy tri thức làm thầy, mà vẫn kém phát triển. Đọc kỹ tứ thư, ngũ kinh thì thấy sự học là bao la, một người nông dân bình thường cũng là thầy ta được vì trong muôn sự, thể nào cũng có sự người kia biết mà ta không biết. Thế là tôi cứ loay hoay với ý tưởng học gì trong đời bây giờ, học làm sao cho hết và phải học điều gì trước.

Tôi có một cô bạn vong niên, dễ thường biết nhau cũng đến trên 20 năm rồi, nhưng điều đáng nói là bố, mẹ của cô ấy rất quý tôi. Mỗi lần có niềm vui, nỗi buồn là lại mời tôi qua nhà ăn cơm rồi đàm đạo muôn sự trên đời. Hôm giáp Tết ta vừa rồi, tôi cũng được mời qua nhà cô bạn ăn cơm gia đình để giã từ năm cũ. Hôm đó, trời mưa phùn mùa đông lạnh như cắt, tôi cũng hơi mệt, nhưng đã đến để hưởng không khí ấm áp kiểu gia đình.

Ông bố của cô bạn tôi mở đầu bằng câu chuyện kể rằng một lần về quê thăm bà con, có người họ hàng gặp nạn chỉ vì tình cờ nhìn thấy trong vườn nhà có cây giống như sâm, nhổ lên nhấm thử thấy vị ngọt, thơm, nhưng ngay sau cái ngọt ấy thì người đàn ông to cao khỏe mạnh bỗng dưng đổ sập xuống vì… trúng độc. Cây giống sâm thôi, nhưng hóa ra lại là cây độc. May mà đưa kịp đi bệnh viện rửa ruột nên thoát nạn. Đúng là ăn cũng phải học cẩn thận, nhầm lẫn khi đưa đồ ăn vào mồm có khi hối không kịp.

Bàn về học ăn, học nói - Ảnh 1.

"Ăn" đã trở thành văn hóa, thậm chí nghệ thuật. Ảnh minh họa: vanhoaamthuc

Các cụ ta từ xưa đã nói "bệnh từ miệng đi vào, họa từ miệng đi ra" là vậy. Từ góc nhìn khác, cũng các cụ lại bàn về con người ở đời có "tứ khoái" cần thụ hưởng, trong đó khoái đầu tiên là ăn. Vì vậy mà "ăn uống" được hầu hết các dân tộc quan tâm, đã trở thành "văn hóa ẩm thực". Nhiều quốc gia đã đưa "văn hóa ẩm thực" của mình lên mức thượng thừa. Tôi còn nhớ trong cuốn sách "1.000 nơi phải đến trước khi chết", Việt Nam chỉ có một nơi là quán chả cá Lã Vọng. Đây là cuốn sách của một tác giả có mục tiêu quảng bá du lịch, viết thiếu sót cũng là dễ hiểu, nhưng cũng thấy vui vì món chả cá của ta cũng ngon đến mức cần phải ăn trước khi chết.

May mắn, tôi cũng là người được đi nhiều nơi trên thế giới, và cũng tâm niệm khi xuất hành là học ăn ở nơi mình sẽ đến. Ấn tượng mạnh nhất về "văn hóa ẩm thực" trong tôi là Pháp ở châu Âu và Trung Quốc ở châu Á. Ở mỗi nơi, ăn uống đã trở thành kiểu cách mang tính ước lệ. Nước ta có nhiều món ăn dân gian độc đáo, lại bị ảnh hưởng mạnh của "văn hóa ẩm thực" từ cả Trung Quốc và Pháp, nên tính đa dạng và phong phú trong sắc thái ẩm thực cũng tạo nên văn hóa ẩm thực Việt không thua kém.

Tôi đã có thời gian ở Pháp khá dài khi được giao nhiệm vụ triển khai dự án ODA của Pháp trợ giúp Việt Nam xây dựng Trạm thu ảnh vệ tinh Spot. Tôi cũng biết ở Pháp có nhiều món ăn độc đáo như gan ngỗng, pate, bít tết, phomai, bơ, cafe phin, rượu champagne, vang, cognac, brandy,... Tôi cũng được các bạn Pháp mời thưởng thức đủ thứ ăn uống ở nơi này, từ quán vỉa hè tới những bữa tiệc ở tầm quốc gia. Nhiều khi ngồi vào bàn tiệc mà hoang mang với hơn một chục dao, thìa, dĩa trước mặt, không biết dùng thứ gì để ăn món nào, lại phải ghé mắt sang bên để làm theo cho khỏi bị coi là "quê mùa".

Có một lần ở thành phố khoa học Toulouse, trong một bữa ăn nhiều món, tôi có hỏi một bạn Pháp ngồi kế bên rằng tôi nghe nói vang Pháp có sắc thái rất riêng, vậy vùng nào làm ra vang ngon nhất? Anh bạn Pháp cười rồi nói rằng: "Anh đừng hỏi câu này về vang, hay phomai, hay gan ngỗng,... rộng hơn ở bàn tiệc này nhé. Ngồi đây có đủ người từ các vùng khác nhau, có thể dẫn đến đấu khẩu, thậm chí ẩu đả chỉ vì vùng nào cũng cho rằng sản vật của mình là ngon nhất."

Tôi ở Trung Quốc không nhiều, cũng chỉ sang thăm vài lần do các hãng sản xuất máy định vị vệ tinh còn non trẻ ở đây muốn phổ cập sản phẩm công nghệ của mình ở các nước láng giềng. Tất nhiên, mình cũng nên đi để đánh giá sự thực về công nghệ, nhưng cái chính là cũng muốn mở rộng hiểu biết về ẩm thực. Quả là danh bất hư truyền, vùng nào ở Trung Quốc cũng có những món ăn độc lạ khó quên. Ngay tại Bắc Kinh, tôi được ăn món vịt quay trong chảo dầu khi đã đổ vào trước một rổ ớt tươi. Quả là vị ngon thật đặc biệt, khi tinh dầu ớt thấm đẫm vào thịt vịt tạo nên hương vị khó quên. Về Hà Nội, tôi học làm thử, mọi người ăn cũng tấm tắc khen ngon.

Ở Trung Quốc, tôi cũng nghe kể chuyện rằng có nhóm du lịch đến thăm nơi có những quả đào tiên rất ngon. Chủ quán mang đào tới và một đĩa xôi, các du khách ăn xôi ngay vì nghĩ rằng xôi là món tráng miệng. Thấy vậy, chủ quán lại mang ra đĩa xôi nữa, du khách lại ăn hết. Một người ngồi bàn bên biết tình cảnh đành nói nhỏ với nhóm du khách rằng xôi là dùng để lau quả đào cho sạch lông rồi ăn đào. Đúng là "nghề (ăn) chơi cũng lắm công phu", quả không sai.

Trên đây mới bàn về học ăn. Ăn đã trở thành văn hóa, thậm chí nghệ thuật. Nhưng ăn phải đồ độc, hay phàm ăn cũng lại mang bệnh vào thân. Dù sao, học ăn cũng chỉ là mình học cho mình, không ảnh hưởng gì đến người khác.

Học nói

Nói tiếp về học nói, là việc hệ trọng hơn vì nói là việc giao tiếp với người khác. Nhiều người chỉ vì khéo nói nịnh bợ người trên mà công thành, danh toại. Cũng nhiều người nói không khéo làm mất lòng người trên là họa làm cho sự nghiệp tan tành, thậm chí thân xác cũng không yên.

Chuyện xưa có kể rằng Demosthenes đã trở thành nhà hùng biện vĩ đại nhất của Hy Lạp, nhưng khi còn trẻ ông lại bị tật nói lắp. Thế mà ông đã tự khổ luyện để vượt qua tật nói lắp để trở thành nhà hùng biện số 1 thời Hy Lạp cổ đại, tức là nói gì ra ai cũng cho là phải.

Bên Trung Quốc ngày xưa, Quỷ Cốc Tử thời Chiến quốc cũng chuyên dạy học trò các thuật ở chốn quan trường, trong đó du thuyết là con đường lên quan nhanh khi nói vua cho là phải. Trương Nghi là học trò học môn du thuyết, học xong thì xuống núi tìm công danh. Ông tạm ẩn mình là môn khách cho quan Lệnh doãn Chiêu Dương nước Sở. Rồi ông bị nghi ăn cắp ngọc bích mà bị đánh cho tàn tạ.

Có người quen đến cứu mang về nhà, Trương Nghi há mồm rồi hỏi: "Nhìn xem lưỡi ta còn không?" Người quen đáp: "Vẫn còn". Trương Nghi nói: "Thế thì sợ gì". Thế rồi, chỉ bằng du thuyết, Trương Nghi đã được vua nước Tấn tin dùng và phong đến chức Thừa tướng. Do mới học xong du thuyết, chưa học đến binh thư; nên nói thì hay, nhưng dùng binh thì kém. Vậy là Trương Nghi sau này cũng thất bại hoàn toàn.

Các triều đại phong kiến xưa ở cả bên Trung Hoa lẫn ở nước ta, các vụ án văn chương thường xảy ra để nhóm nắm quyền lực hạ sát các đấng văn tài không chịu hạ mình luồn cúi. Câu văn viết theo nghĩa này, nhưng lại được suy diễn theo nghĩa phản triều đình mà hạch tội. Nhiều áng văn hay, tứ thơ đẹp cũng một thời bị cấm, nhưng rồi lại được lưu hành khi được minh chứng rằng không phải như vậy.

Các nhà điện ảnh Trung Quốc đã dựng phim truyền hình "Tể tướng Lưu gù" để cười cợt nỗi niềm xưa. Một vụ án văn chương được dựng lên, rồi ai nói bất cứ điều gì cũng bị suy diễn là phản nghịch, đến nỗi tất cả các quan trong triều đều phải giả câm cho "lành".

Khi tôi còn bé, mẹ tôi toàn dạy tôi bằng ca dao, tục ngữ. Bà hay nói rằng miệng lưỡi thế gian thật đáng lưu tâm, làm được điều hay cũng được đồn xa, mà làm điều xấu còn bị đồn xa hơn. Vậy nên con liệu mà làm điều tốt. Mẹ tôi hay nói: "Tiếng lành đồn xa/Tiếng dữ đồn bảy, đồn ba ngày đường". Sâu sắc hơn, mẹ tôi lại nói: "Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".

Bố tôi hy sinh ở chiến trường từ khi tôi chưa đầy 1 tháng tuổi. Ông nội tôi vẫn thường dạy tôi cách học. Ông hay lấy các điển tích xưa mà răn dạy. Thường ông dạy rằng "người khôn uốn lưỡi bảy lần mới nói", nói gì đều phải thận trọng, hớ hênh mà bị xuyên tạc là nguy khốn. Người dám nói điều phải kiểu "trung ngôn nghịch nhĩ" rồi phải chết đã nhiều. Nhưng rồi kẻ nịnh bợ vua đến "tuyệt chiêu" như Hòa Thân bên Trung Hoa xưa đã lên ngôi vị rất cao, nhưng rồi cũng chết vì vị vua nối tiếp không ưa nịnh.

Tôi nghe mà thấy hoang mang, không biết làm gì sau này cho phải, đành chọn nghề nào ít phải nói. An toàn nhất là một nghề kỹ thuật nào đó. Ngay ở các lớp phổ thông trung học, tôi cũng vào vai ít nói, ngu ngơ. Nhưng rồi cũng không tránh được mệnh, cuộc sống cũng đưa đẩy mình vào nghề dạy học, đành phải nói cho hay; cũng đưa đẩy tiếp vào nghề viết sách, viết báo, cũng đành phải viết cho hay. Thế nhưng tôi luôn tâm niệm, nói phải uốn lưỡi vài lần mới nói, viết cũng xoay bút vài vòng mới viết.

Từ bé, tôi cứ băn khoăn học gì trong đời sống hàng ngày cho phải. Sau nhiều năm lênh đênh trong dòng đời, đến gần 80 tuổi mới ngộ được rằng cần "học ăn, học nói" kỹ lưỡng trong đời, không có trường đại học nào dạy nghệ thuật ăn, nói cho thật hiệu quả.

Ăn cho thích khẩu, nói cho sướng mồm thì quả là vô vị. Nhưng khép chặt mình lại, ít ăn và kiệm lời cho an toàn thì cuộc sống đâu còn gì là thi vị. "Ăn - nói" quả là một nghệ thuật cao siêu, không bao giờ học cho hết được!