Đề thi thử tốt nghiệp Ngữ văn bàn về phong cách sống của giới trẻ
Liên trường trung học phổ thông ở Nghệ An tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 3 môn Ngữ văn. Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn về phong cách sống của giới trẻ, câu nghị luận văn học phân tích hình tượng người lái đò trích trong tác phẩm "Người lái đò Sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân.
Gợi ý đọc hiểu đoạn thơ "Thanh Niên" của nhà thơ Xuân Diệu
Câu 1. Từ "Thanh Niên" trong đoạn thơ được dùng để chỉ tuổi trẻ/ tuổi thanh xuân - quãng đời đẹp nhất của nhân vật trữ tình.
Câu 2. Những từ ngữ biểu đạt hành động của nhân vật trữ tình trong đoạn (1): "ôm choàng", "ôm riết" "ôm bó", "quấn quít", "hoá rễ", "hút mùa dưới đất"…
Câu 3. Phép điệp cú pháp (hoặc liệt kê, ẩn dụ…). Tạo nhạc điệu, nhịp điệu nhanh, sôi nổi cho đoạn thơ. Tăng tính sinh động, hấp dẫn cho đoạn thơ; tạo cách nói ẩn ý mà sâu sắc thông qua thế giới hình ảnh phong phú. Bộc lộ thái độ trân trọng tuổi trẻ và lòng ham sống đến cuồng nhiệt của nhà thơ Xuân Diệu.
Câu 4. Học sinh có thể chọn một trong các thông điệp sau: Tuổi trẻ vô cùng quý giá, cần phải biết trân trọng tuổi trẻ. Sống phải có đam mê, có lí tưởng; sống hết mình cho lí tưởng. Sống là phải biết dâng hiến…
Suy nghĩ về phong cách sống của giới trẻ hiện nay
Phong cách sống là lối sống, cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử,… tạo ra những giá trị quan trọng và góp phần tạo nên tính cách riêng, dấu ấn riêng ở mỗi người hay ở một tầng lớp người nào đó.
Phong cách sống của đại đa số giới trẻ hiện nay đều rất đẹp, đáng trân trọng: Sống có lý tưởng, ham học hỏi, năng động sáng tạo. Sống nề nếp, yêu thương, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người. Sống bản lĩnh, dám trải nghiệm, dám khẳng định.
Tuy nhiên cũng có không ít các bạn trẻ có lối sống chưa đẹp: Buông thả, không chịu học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, không có ý chí cầu tiến, lười biếng, không dám trải nghiệm, tự ti… Một số bạn trẻ nhận thức lệch lạc trong việc khẳng định nét riêng.
Việc tạo cho mình một phong cách sống là cần thiết, tuy mỗi người có cách sống riêng nhưng phong cách sống đẹp là phải có lý tưởng hoài bão, có bản lĩnh, tôn trọng những giá trị truyền thống của dân tộc.
Phân tích hình tượng người lái đò trong tuỳ bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân
Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tùy bút "Người lái đò Sông Đà" và đoạn trích.
Nội dung của đoạn trích: Miêu tả cuộc chiến giữa ông lái đò với trùng vây thứ hai và thứ ba của thạch trận Sông Đà. Cuộc chiến này thể hiện rõ tương quan lực lượng, chiến lược, chiến thuật của cả hai bên. Đặc biệt, đối diện với dòng sông Đà như một con thủy quái vô cùng hung dữ, nhiều âm mưu thâm hiểm, vẻ đẹp của người lái đò đã được tôn vinh.
Vẻ đẹp của người lái đò trong đoạn trích: Mưu trí, đầy kinh nghiệm trước sự đe dọa của Sông Đà. Hiểu rõ từng đặc điểm của sông Đà: "Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này"; "Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn". Nắm chắc và vận dụng chiến thuật linh hoạt: "Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá".
Dũng cảm, kiên cường khi chiến đấu với Sông Đà: "Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ"; "Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó"…
Tài hoa, điêu luyện khi điều khiển con thuyền vượt qua thác, đá sông Đà để giành chiến thắng ngoạn mục: "Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy"; "Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được…"
Nhận xét về hình tượng ông lái đò trong đoạn trích: Đặt nhân vật trên một phông nền thiên nhiên kì vĩ, trong một tình huống đầy thử thách để nhân vật tự bộc lộ vẻ đẹp của mình. Nghệ thuật miêu tả tài hoa uyên bác, kết hợp nhiều kiến thức liên ngành; hình ảnh sống động giàu tính tạo hình, liên tưởng tưởng tượng độc đáo; ngôn ngữ sắc cạnh, lối so sánh bất ngờ; nhịp điệu câu văn ngắn, chắc khỏe...
Cuộc chiến đấu giữa ông lái đò và con Sông Đà không cân sức. Một bên là thiên nhiên (sông Đà) dữ dội, hiểm độc, với sức mạnh được nâng lên hàng thần thánh, một bên là con người (ông lái đò) bé nhỏ. Trong tương quan ấy, ông lái đò đã hiện lên vừa như một anh hùng, một dũng tướng tài ba trên chiến trường sông nước vừa như một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh. Vẻ đẹp của ông lái đò tiêu biểu cho vẻ đẹp của người lao động Tây Bắc.
Phong cách văn chương rất tài hoa, độc đáo của Nguyễn Tuân, tình cảm Nguyễn Tuân dành cho người lao động Tây Bắc
Liên hệ: Trong cuộc chiến đấu với Sông Đà hung bạo, ông lái đò hiện lên vừa như một anh hùng, một dũng tướng trí dũng, mưu lược, giàu kinh nghiệm sông nước vừa như một nghệ sỹ tài hoa với những màn trình diễn đẹp mắt. Thế nhưng, khi quay về với cuộc sống bình thường, ông cùng những người bạn của mình lại sống khiêm nhường, bình dị với những thú vui đời thường như đốt lửa, nướng cơm lam, bàn về các loại cá, không một lời nhắc đến cuộc chiến đấu vừa trải qua…
Nhận xét: Vẻ đẹp tài hoa, trí dũng song toàn của người lái đò trong cuộc chiến đấu với Sông Đà kết hợp với vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường, an nhiên, tự tại sau cuộc chiến đã tạo sự hài hòa, trọn vẹn cho bức chân dung người lái đò nói riêng, người dân lao động Tây Bắc nói chung.
Đó là vẻ đẹp toát ra từ phẩm cách và tâm hồn của những con người đã từng anh dũng, quên mình trong cuộc chiến chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước và bây giờ vẫn đang kiên cường, âm thầm lao động, chống lại thiên nhiên hung dữ để mưu sinh, để xây dựng Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa - những vẻ đẹp đã được tôi luyện qua những thử thách khốc liệt nhất.
Đây chính là "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của người lao động Tây Bắc mà Nguyễn Tuân hết lời ngợi ca. Qua cách nhìn nhân vật ông lái đò, nhà văn bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng, tự hào về người lao động Tây Bắc. Đó cũng là tình cảm Nguyễn Tuân dành cho người lao động Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google