Bậc tiểu học có thật sự cần sổ liên lạc điện tử không?
Nếu nói sổ liên lạc điện tử có cần không? Câu trả lời sẽ là rất cần. Tuy nhiên, cũng tùy vào từng bậc học sổ liên lạc điện tử mới phát huy tác dụng. Các nhà trường ứng dụng sổ liên lạc điện tử như thế nào cho phù hợp?
Sổ liên lạc điện tử là một ứng dụng dịch vụ truyền thông đa phương tiện, giúp nhà trường liên lạc, truyền tải mọi thông tin đến từng phụ huynh học sinh như kế hoạch học tập, sinh hoạt của trường, của lớp, kết quả học tập của từng em, những trao đổi, nhận xét về sự tiến bộ hay những lưu ý của giáo viên đối với học sinh để phụ huynh kịp thời nắm bắt.
Một năm từ 2 đến 4 kỳ kiểm tra có cần phải cần đến sổ liên lạc điện tử?
Ở bậc trung học, ngoài những lần kiểm tra định kỳ, học sinh còn có khá nhiều con điểm cần thông báo đến phụ huynh như điểm miệng, điểm kiểm tra 15 phút, điểm kiểm tra một tiết.
Vì thế, khi phụ huynh đăng ký sổ liên lạc điện tử sẽ được thông báo tin nhắn về kết quả học tập của các em thường xuyên hơn.
Riêng bậc tiểu học, khối 1, 2 và 3 một năm chỉ có 2 lần kiểm tra định kỳ là cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2. Lớp 4, lớp 5 có 4 lần kiểm tra định kỳ là giữa học kỳ 1, kỳ 2 và 2 lần kiểm tra vào cuối năm.
Ở bậc học này, khi đăng ký sổ liên lạc điện tử, cả năm học, phụ huynh cũng gần như chỉ nhận được vài tin nhắn thông báo kết quả rèn luyện học tập của học sinh.
Nhược điểm của sổ liên lạc điện tử là những thông báo một chiều từ phía giáo viên mà không thể tương tác cùng hai phía nhà trường và gia đình. Nếu muốn trao đổi, giáo viên và phụ huynh vẫn phải dùng hình thức liên lạc thường xuyên khác, như mạng xã hội chẳng hạn.
Thông thường, mỗi lớp học đều có một nhóm Zalo chung, mỗi phụ huynh cũng đều kết nối với giáo viên bằng các ứng dụng tin nhắn mạng xã hội như chát Zalo, messenger trên facebook. Khi cần trao đổi, phản ánh điều gì chung thì giáo viên nhắn vào nhóm chung của cả lớp. Khi cần liên hệ riêng, các thầy cô sẽ nhắn riêng cho từng phụ huynh.
Ngay lúc đó, phụ huynh sẽ kết nối với giáo viên để cùng trao đổi qua lại giúp việc giáo dục học sinh hiệu quả hơn. Ưu điểm của hình thức liên lạc này vừa nhanh gọn, hiệu quả lại không tốn phí.
Hiện nay, nhiều trường học chuẩn bị vào năm học mới đều quy định và yêu cầu giáo viên tuyên truyền, vận động phụ huynh đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử. Do giáo viên và phụ huynh đều đã quen dùng mạng xã hội liên lạc nên họ đều tỏ ra phản ứng với sổ liên lạc điện tử. Họ cho rằng hình thức liên lạc bằng sổ điện tử không có gì mới và ưu việt hơn so với hình thức cũ, tuy nhiên lại tốn phí và mất thời gian cho việc cài đặt, làm quen.
Giáo viên không muốn đăng ký sổ liên lạc điện tử và phụ huynh không thể chối từ
Triển khai sổ liên lạc điện tử cho phụ huynh phần lớn không phải chủ ý của các thầy cô giáo.
Bởi lẽ, gọi là sổ liên lạc nhưng thực chất đó là những tin nhắn SMS một chiều từ giáo viên đến phụ huynh học sinh mà hoàn toàn không có tương tác giữa phụ huynh và giáo viên.
Sử dụng sổ liên lạc điện tử hiện nay có khá nhiều bất cập nên đa phần giáo viên không ủng hộ. Ứng dụng còn thiếu, chưa ưu việt và không hấp dẫn, không có tương tác giữa giáo viên và phụ huynh.
Khi dùng sổ liên lạc điện tử, giáo viên phải thêm việc. Mỗi lần muốn liên lạc với phụ huynh, giáo viên phải mở máy tính vì sử dụng điện thoại chữ nhỏ, thao tác khó, phải đăng nhập vào phần mềm, rồi mật khẩu lúc quên lúc nhớ.
Trong khi đó, giáo viên chỉ cần vào nhóm Zalo hoặc messenger trên facebook trên điện thoại là chỉ trong vài giây là tin nhắn sẽ được gửi ngay lúc đó.
Nhưng, mấu chốt nằm ở chỗ, việc vận động sử dụng rất nhiêu khê. Trách nhiệm lại đổ lên đầu giáo viên. Thầy cô phải vận động phụ huynh trong lớp đăng ký mua, số lượng càng nhiều càng tốt. Nhiều trường học còn đưa chỉ tiêu phải vận động 100% học sinh trong lớp tham gia.
Không ít trường học, hiệu trưởng đã cam kết với bên cung cấp dịch vụ nên gần như buộc giáo viên phải triển khai trên cuộc họp đầu năm về việc sử dụng sổ liên lạc điện tử.
Lớp vận động được nhiều sẽ được tuyên dương, ghi nhận. Lớp vận động ít hơn sẽ bị nhắc nhở…
Một giáo viên chia sẻ: "Năm ngoái tôi vất vả lắm mới vận động được 70% phụ huynh đăng ký tham gia. Thế mà ban giám hiệu nhà trường gọi điện nói này nọ bắt vận động thêm, bảo là các lớp khác ai cũng vận động đông, lớp tôi sao vận động được ít thế?".
Nói là dịch vụ tự nguyện, phụ huynh nào có nhu cầu thì tham gia, không thì thôi. Tuy thế, giáo viên phải chịu áp lực từ phía nhà trường nên khi triển khai, thầy cô chỉ chú trọng phân tích những ưu điểm mà phụ huynh nhận được (đương nhiên những bất cập sẽ không được đề cập tới) thì gần như 100% phụ huynh của lớp cũng sẽ đồng ý tham gia.
Dù là đồng ý tham gia nhưng không phải ai cũng vui lòng, có không ít phụ huynh nói rằng không đăng ký ngại con bị để ý, hoặc vì nể lời thầy cô chủ nhiệm nên đành đồng ý trong miễn cưỡng thôi.
Loạn giá sổ liên lạc điện tử, có hay không "hoa hồng" từ sổ liên lạc điện tử?
Có người cho rằng, nguyên nhân tại "hoa hồng" nên thầy cô mới nhiệt tình tư vấn phụ huynh đăng ký số liên lạc điện tử.
Tuy nhiên, đa số các giáo viên ở nhiều địa phương phản ánh trên các diễn đàn cộng đồng nhà giáo, họ cần mẫn bao năm triển khai, thu tiền về sổ liên lạc điện tử nhưng có nhiều trường, giáo viên chưa bao giờ biết đến tiền "hoa hồng" thu được từ sổ liên lạc điện tử - một dạng chi phí triển khai dịch vụ.
Có trường, giáo viên được bồi dưỡng lại vài ngàn đồng mỗi học sinh đã đăng ký mua, lại có trường trích đến 15 ngàn đồng hoa hồng trên phí đóng sổ liên lạc điện tử dành cho giáo viên.
Sổ liên lạc điện tử ở mỗi địa phương lại có một mức giá khác nhau. Có trường thu 180 ngàn/học sinh/năm học. Có trường thu 150 ngàn đồng, trường thu 70 ngàn đồng, trường thu 60 ngàn đồng, trường thu thấp nhất cũng 50 ngàn đồng/học sinh/năm học.
Vì vậy, không biết giá trị thật của mỗi sổ liên lạc điện tử là bao nhiêu? và không thể tính mức hoa hồng nhận được như thế nào mới đúng. Chỉ biết rằng, có địa phương, giá tiền cho một sổ liên lạc điện tử là 50 ngàn đồng/học sinh/năm học. Và, giáo viên một số trường đã được trích lại 15 ngàn đồng/học sinh tham gia. Nghĩa là, chỉ mỗi giáo viên cũng đã nhận được 30% hoa hồng.
Để nhân viên của nhà mạng vào được từng lớp học phổ biến về sổ liên lạc điện tử, ít nhất phải được sự đồng ý của phòng giáo dục địa phương, sau đó hiệu trưởng chấp thuận rồi mới được bước vào lớp. Và sổ liên lạc điện tử mới được triển khai.
Nếu giáo viên đã nhận 30% hoa hồng thì hiệu trưởng, phòng giáo dục sẽ được nhận mức hoa hồng bao nhiêu?
Đối với những địa phương thu một sổ liên lạc điện tử từ 100 ngàn đồng đến 180 ngàn đồng/năm thì số tiền hoa hồng của toàn trường sẽ là con số rất lớn.
Theo phản ánh của nhiều giáo viên, không phải trường học nào hiệu trưởng cũng chi lại hoa hồng cho các thầy cô, hoặc chỉ bồi dưỡng lại một vài ngàn đồng/học sinh. Số tiền hoa hồng mà nhà mạng trích lại cho trường đương nhiên chỉ ban giám hiệu nhà trường nắm giữ.
Phải chăng vì món hoa hồng khủng như thế, nên không ít trường học tìm mọi cách để vận động phụ huynh tham gia sổ liên lạc điện tử?
Đặt giả thiết, nếu đăng ký sổ liên lạc điện tử nhưng nhà trường không được trích hoa hồng liệu có trường học nào sốt sắng triển khai? Liệu nhà trường có phải gây áp lực cho giáo viên đi vận động?
Số phần trăm hoa hồng càng nhiều nấc thì giá trị thật của sổ liên lạc điện tử càng nhỏ. Nếu đã rẻ rúng giá trị như vậy, thì thực sự sổ liên lạc điện tử có cần thiết cho phụ huynh và học sinh hay không?
Hiện ngành giáo dục không có quy định buộc các trường học phải sử dụng sổ liên lạc điện tử. Việc này vẫn hoàn toàn do cách làm của mỗi nhà trường. Các trường học cũng luôn khẳng định, không bắt buộc phụ huynh đăng ký tham gia, mà luôn tôn trọng tinh thần tự nguyện.
Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử trong nhà trường hiện nay đang vấp phải tình trạng, giá trị sử dụng ít ỏi với chi phí cao thuộc về phụ huynh học sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google