Apple với "cơn đau đầu” từ Trung Quốc

Hồng Ngọc
12:34 - 05/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong gần hai thập kỷ qua, Apple và Trung Quốc luôn gắn kết chặt chẽ trên thị trường. Quốc gia đông dân nhất thế giới đóng vai trò then chốt trong cả chuỗi cung ứng lẫn doanh số bán hàng của Apple. Tuy nhiên, trong năm nay, mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này bắt đầu xuất hiện rạn nứt.

Apple với "cơn đau đầu” từ Trung Quốc- Ảnh 1.

Hầu hết các sản phẩm của Apple đều được lắp ráp tại Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Chuỗi cung ứng là vấn đề mấu chốt của sự rạn nứt

Trong gần hai thập kỷ qua, Apple và Trung Quốc luôn có sự gắn kết chặt chẽ. Quốc gia đông dân nhất thế giới này đóng vai trò then chốt trong cả chuỗi cung ứng lẫn doanh số bán hàng của Apple.

Tuy nhiên, trong năm nay, mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này bắt đầu xuất hiện rạn nứt khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược "zero-COVID". Nhiều khu vực sản xuất bị phong toả, trong đó có những nơi đặt nhà máy của Apple như Foxconn, Pegatron,… dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điểm nghẽn thực sự trong sản xuất là quy trình lắp ráp (FATP, viết tắt của việc lắp ráp, kiểm tra và đóng gói cuối cùng). Phần lớn các thiết bị của Apple, bao gồm MacBook, iPad, iPhone, đều trải qua quá trình này ở Trung Quốc. Đây là mô hình mà CEO Tim Cook đi tiên phong để tập trung hóa hoạt động lắp ráp ở Trung Quốc khi các linh kiện được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều thập niên, phương pháp này cho phép Apple hưởng lợi từ lao động chi phí thấp hơn và các chính sách hỗ trợ của chính phủ, đặc biệt là khả năng tiếp cận với người tiêu dùng Trung Quốc.

Thực tế, Apple đã đau đầu vì sự phụ thuộc vào Trung Quốc từ lâu. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Apple đã cảnh báo doanh số bán iPhone đang chậm lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Khi đó, Apple đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về điều kiện làm việc tại một số cơ sở sản xuất của đối tác.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Apple khó lòng rời khỏi Trung Quốc trong tương lai gần. Thậm chí, có ý kiến cho rằng kịch bản này không thể xảy ra, dù tình hình có tồi tệ thế nào.

Lisa Anderson, Giám đốc điều hành của Công ty chuỗi cung ứng Tập đoàn tư vấn LMA nhận định: "Dù muốn giảm phụ thuộc đến đâu, Apple sẽ khó có thể chịu được rủi ro do gián đoạn nguồn cung. Quy mô như ở Trung Quốc sẽ không dễ nhân rộng, và do đó, quá trình chuyển đổi sẽ mất thời gian và đòi hỏi đầu tư".

Thiết bị cấu hình cao nhất của công ty là iPhone, iPad và Apple Watch vẫn được sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc. Apple đã cố gắng mở rộng một số hoạt động lắp ráp iPhone, với việc sản xuất một số đơn vị ở Ấn Độ trong vài năm qua. Nhưng số lượng iPhone được sản xuất bên ngoài Trung Quốc vẫn chưa thực sự đáng kể. Cụ thể, Apple chỉ sản xuất được 1 triệu iPhone tại Ấn Độ trong quý 1/2022, khoảng thời gian mà hãng này được ước tính bán khoảng 60 triệu chiếc.


Apple với "cơn đau đầu” từ Trung Quốc- Ảnh 2.

Tim Cook - người đặt nền móng cho Apple tại Trung Quốc. Ảnh: CNN

Nhiệm kỳ của Tim Cook tại Apple đánh dấu giai đoạn mối quan hệ của công ty với Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Trước đây, với tư cách là Giám đốc vận hành (COO), ông đã giúp xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ khi lên nắm quyền điều hành Apple vào năm 2011, Tim Cook đã có một số chuyến công du đến Trung Quốc, minh chứng cho việc ông luôn xem quốc gia này là ưu tiên hàng đầu của Công ty.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng một hệ sinh thái chuỗi cung ứng gắn kết mà Apple khó có thể tái tạo ở những nơi khác. Bryan Ma, Phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị của công ty tình báo thị trường IDC, nhận xét: "Apple sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng trong việc đa dạng hóa việc lắp ráp sản phẩm tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Nhưng rất khó để từ bỏ được Trung Quốc, bởi mối quan hệ mật thiết với các nhà cung cấp linh kiện chính yếu".

Tuy nhiên, Apple có vẻ như đang tính toán để từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo tờ Wall Street Journal, Apple đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng bằng cách đặt thêm các nhà máy ở Việt Nam và Ấn Độ.

Apple đã từ chối bình luận về vấn đề này, nhưng Tim Cook nhấn mạnh: "Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự mang tính toàn cầu, vì vậy, các sản phẩm được sản xuất ở khắp mọi nơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét việc tối ưu hóa, học hỏi những điều mới và thể nghiệm các thay đổi".

"Miếng bánh ngon" đi kèm rủi ro rình rập

Nhìn từ góc độ doanh số, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn thứ 2 của Apple, chỉ sau Mỹ. Theo Công ty nghiên cứu công nghệ Canalys, Trung Quốc chiếm gần một phần tư doanh số bán hàng toàn cầu của Apple. Chỉ tính riêng điện thoại thông minh, có đến 18% người Trung Quốc hiện sử dụng Iphone.  

Gad Allon, Giám đốc chương trình quản lý và công nghệ tại Đại học Pennsylvania nhận định, "Trung Quốc có đóng góp rất lớn trong sự tăng trưởng của Apple. Gã khổng lồ công nghệ có quá nhiều lý do để không nhảy khỏi thị trường nước này."

Gần đây, Apple cũng có nhiều ưu ái hơn cho thị trường Trung Quốc khi đã giảm đến 600 nhân dân tệ (khoảng 2 triệu đồng) đối với các mẫu iPhone 13 mới nhất. Theo CNN, "Thật hiếm khi Apple đưa ra các chương trình khuyến mãi như vậy".

Khó khăn lớn nhất của Apple tại thời điểm này là các thành phố mà hãng đặt các nhà máy gia công sản phẩm tại Trung Quốc vẫn có khả năng tiếp tục bị phong tỏa. Tuy nhiên, đó không phải là rủi ro duy nhất.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) leo thang đáng kể trong thời gian gần đây mới thực sự đáng quan tâm, vì Đài Loan (Trung Quốc) chính là nơi đặt trụ sở chính của Foxconn, Pegatron, Wistron - những nhà cung cấp hàng đầu của Apple.

Paul Triolo, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty cố vấn chiến lược Dentons Global, nói với CNN Business: "Bất kỳ sự gián đoạn nào của chuỗi cung ứng Đài Loan do đối đầu quân sự cũng sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động của Apple."

Gad Allon cho biết: "Phải nói rằng, trong giai đoạn này, chưa thể tìm được nơi nào có đủ kỹ năng và năng lực để có thể cung cấp những gì Apple cần."

Vì vậy, Apple hiện tại dường như chưa tìm được sự lựa chọn nào khác ngoài việc kiên trì với Trung Quốc.  

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc yêu cầu Apple tiếp tục kinh doanh tại đất nước này

Sau hai năm phong toả do COVID-19, năm 2024 dường như đánh dấu mối quan hệ "ấm áp" trở lại giữa Trung Quốc và Apple. Hôm 21/3 vừa rồi, Giám đốc Tim Cook đã đến dự lễ khai trương cửa hàng Apple Jing'an Thượng Hải và gặp gỡ Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao. Ông Wang đã phát biểu theo thông cáo báo chí rằng đất nước của ông nắm giữ cơ hội cho Apple cũng như các công ty khác, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất iPhone tiếp tục xây dựng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc để "phát triển chung".

Trung Quốc hiện nay vẫn là một thị trường đầy thách thức với Apple, tuy nhiên theo báo cáo doanh số bán Iphone tại Trung Quốc, Apple vẫn nổi lên như một nhà sản xuất điện thoại "vượt trội" với mục tiêu giá chỉ từ 250 USD. Hãng này cũng kỳ vọng, doanh số bán điện thoại sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024 tại Trung Quốc.


Nguồn: CNN