Ba trường đại học lớn của Trung Quốc ngừng tham gia các bảng xếp hạng đại học toàn cầu

15:11 - 03/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau nhiều năm được nhận tài trợ của Chính phủ để đẩy các trường đại học hàng đầu lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng đại học quốc tế, ba trường đại học lớn của Trung Quốc sẽ không còn tham gia vào các bảng xếp hạng ở nước ngoài.

Điều này khiến cho nhiều nhà học giả nghĩ rằng, các bảng xếp hạng trường đại học sẽ mang tính đại diện ít hơn khi mà các trường đại học Trung Quốc theo đuổi một con đường khác.

Theo một nguồn tin chính thức, ba trường đại học danh tiếng gồm: Đại học Nhân dân của Trung Quốc (Renmin University of China - Đại học Renmin), Đại học Nam Kinh (Nanjing University) và Đại học Lan Châu (Lanzhou University) đã rút khỏi "tất cả các bảng xếp hạng đại học quốc tế".

Xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới của riêng mình

Theo Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) và China Daily đưa tin vào đầu tuần này, Đại học Renmin, một trong 10 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, là trường đầu tiên thông báo sẽ không tham gia vào bảng xếp hạng quốc tế.

Ba trường đại học lớn tại Trung Quốc ngừng tham gia các bảng xếp hạng đại học toàn cầu - Ảnh 1.

Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: laizhongliuxue.com

Báo cáo của CNR cho biết: "Ban giám hiệu của trường đã đạt được đồng thuận và đưa ra quyết định rút trường khỏi bảng xếp hạng, điều này phù hợp với định hướng phát triển giáo dục chung của Trung Quốc và sẽ trở thành xu hướng trong tương lai".

Theo một thông cáo gần đây trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia, Đại học Nam Kinh đã cho biết, trong kế hoạch 2021-2025 của mình rằng, việc cải thiện thứ hạng quốc tế không phải là một mục tiêu phát triển quan trọng của nhà trường.

Trong Bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2022, Quacquarelli Symonds (QS), Đại học Nam Kinh đứng ở vị trí thứ bảy ở Trung Quốc và 131 trên toàn cầu, Renmin ở vị trí 38 ở Trung Quốc và trong nhóm 600-650 quốc tế, trong khi Lan Châu ở vị trí 44 ở Trung Quốc và trong khoảng 750-800 quốc tế. Bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education (THE) cũng xếp Nam Kinh đạt thứ hạng cao nhất trong ba trường, đứng ở vị trí 111 toàn cầu.

Gerard Postiglione, giáo sư danh dự tại Đại học Hồng Kông cho rằng, nếu ba trường đại học hàng đầu của Trung Quốc - Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, nằm trong top 20 của bảng xếp hạng QS thế giới và Đại học Phúc Đán của Thượng Hải, nằm trong số 50 trường hàng đầu – cũng rút khỏi bảng xếp hạng, "sẽ là một điều nghiêm trọng".

Ở Trung Quốc, Đại học Renmin được coi là cơ sở đào tạo hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn cũng như giảng dạy và nghiên cứu chủ nghĩa Mác, đồng thời được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn làm địa điểm cho bài phát biểu về chính sách với thanh niên vào tháng 4 vừa qua.

Trong bài phát biểu vào ngày 26 tháng 4 tại trường đại học này, ông Tập Cận Bình đã chỉ ra "lịch sử độc đáo, nền văn hóa đặc biệt và bối cảnh quốc gia đặc biệt" của Trung Quốc. "Chúng ta không thể làm theo người khác một cách mù quáng hoặc đơn giản là sao chép các tiêu chuẩn và mô hình của nước ngoài khi đang xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới của riêng mình. Thay vào đó, chúng ta phải tiến hành từ thực tế của đất nước mình và mở ra một con đường mới để xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới dựa trên các điều kiện của Trung Quốc và các đặc điểm của Trung Quốc, phục vụ cho "Đảng và nhân dân".

Ông Tập Cận Bình cũng nói về việc xây dựng một "hệ thống tri thức độc lập", sử dụng bối cảnh Trung Quốc như một trường hợp tham khảo và nhằm giải quyết các vấn đề của Trung Quốc.

Gần đây, trong khi mở rộng danh sách các học viện "đẳng cấp thế giới" lên 140 cơ sở được nhận tài trợ đặc biệt, Trung Quốc cho rằng những nghiên cứu do các trường đại học thực hiện nên phù hợp hơn với nhu cầu chiến lược của chính Trung Quốc, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghệ. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh trong những năm gần đây rằng, các trường đại học không nên theo đuổi các thứ hạng quốc tế một cách mù quáng và gây áp lực không đáng có cho các nhà nghiên cứu trong việc xuất bản các tác phẩm, nghiên cứu khoa học,…

Ngừng tham gia các bảng xếp hạng đại học toàn cầu không có nghĩa là sẽ kết thúc việc xếp hạng đại học

Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, điều này không đồng nghĩ với việc các trường Đại học Trung Quốc sẽ không còn xuất hiện trên các bảng xếp hạng quốc tế nữa.

Động thái của ba trường đại học này phản ánh niềm tin của Trung Quốc vào các trường đại học ưu tú của họ. "Trung Quốc ngày càng tin tưởng rằng, các trường đại học của mình đã đạt được mục tiêu "bắt kịp [với phương Tây]" và bước tiếp theo là "Chúng ta cần làm điều của riêng mình".

Ba trường đại học lớn tại Trung Quốc ngừng tham gia các bảng xếp hạng đại học toàn cầu - Ảnh 2.

Đại học Nam Kinh. Ảnh: qtedu.vn

Ryan Allen, trợ lý giáo sư tại Đại học Chapman, California, người đã nghiên cứu về xếp hạng của Trung Quốc, cho biết: Dịch COVID-19  đã chỉ rõ những gì vốn đang và sẽ xảy đến trong dài hạn, có thể là từ từ trong khoảng 1 thập kỷ". Allen cho biết đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng này, một phần là hướng nội nhiều hơn và nhu cầu giảm áp lực để đáp ứng các chỉ số/yêu cầu toàn cầu, "điều này có thể không phải là điều mà các trường đại học Trung Quốc nhất thiết phải tập trung vào".

"Điều đó không có nghĩa là họ sẽ từ bỏ mọi thứ ngay trong nay mai. Chỉ có điều rằng sự tập trung cao độ vào thứ hạng mà chúng ta đã thấy trong hai thập kỷ qua sẽ bắt đầu phát triển một chút. "

Allen cho biết thêm: "Trong nước, vẫn sẽ có nhiều xáo trộn và chúng ta sẽ thấy nhiều "nỗ lực" hướng nội hơn của các trường đại học mới hơn và đang cố gắng thể hiện bản thân ở Trung Quốc.  

Ba trường đại học lớn tại Trung Quốc ngừng tham gia các bảng xếp hạng đại học toàn cầu - Ảnh 3.

Đại học Lan Châu. Ảnh: duhocstudytrust

Ít tập trung vào việc xuất bản trên các tạp chí quốc tế

Một số chuyên gia khác cho rằng, căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, trọng tâm mới về an ninh nghiên cứu ở nhiều quốc gia, cùng với đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho việc cải thiện các chỉ số liên quan đến sinh viên và giảng viên quốc tế, đồng nghĩa với sự chuyển hướng trọng tâm ở Trung Quốc.

Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ XXI ở Bắc Kinh, cho biết trong khi các trường đại học và ngành học của Trung Quốc đã thăng hạng đều đặn trong các bảng xếp hạng ở nước ngoài trong những năm gần đây, ảnh hưởng toàn cầu và sức hấp dẫn của họ đối với sinh viên quốc tế xuất sắc lại không được cải thiện nhiều, vì việc đạt vị trí xếp hạng chủ yếu là do có nhiều nghiên cứu được xuất bản.

Trung Quốc hiện đang tập trung xây dựng các tạp chí học thuật của riêng mình, bao gồm các tạp chí bằng tiếng Anh. Các tạp chí này giảm sự chú trọng vào các tạp chí học thuật quốc tế và trích dẫn nghiên cứu, vốn là những chỉ số quan trọng để xếp hạng quốc tế. Việc quảng bá cho các tạp chí học thuật của Trung Quốc cũng là một phần trong nỗ lực nhằm tạo ra một "hệ thống tri thức" để cạnh tranh với phương Tây.

Zhou Guangli, giáo sư giáo dục, Giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu đánh giá tại Đại học Renmin, cho biết, từ lâu "tiêu chuẩn và xếp hạng nước ngoài" dựa trên các bài nghiên cứu được công bố đã gây áp lực dư luận rất lớn lên các trường đại học Trung Quốc.

"Những bảng xếp hạng này đánh giá cao quy mô, số lượng bài báo, nghiên cứu học thuật và sự phát triển của trường đại học trong khoa học tự nhiên, trong khi lại bỏ qua việc ươm mầm tài năng, chất lượng giáo dục và khoa học xã hội", ông được truyền thông chính thức trích dẫn.

Bảng xếp hạng ARWU (của Trường Giao thông Thượng Hải) có vẻ sẽ trở thành bảng xếp hạng chính để so sánh các học viện của Trung Quốc với các quốc gia khác nếu có nhiều học viện Trung Quốc rút khỏi bảng xếp hạng toàn cầu hơn.

Phản ứng từ các cơ quan xếp hạng đại học

Allen cho biết, nếu việc các trường đại học rút khỏi các bảng xếp hạng trở thành một làn sóng lớn, các cơ quan xếp hạng sẽ phải lo lắng, bởi các cơ quan xếp hạng hoạt động vì lợi nhuận thông thường sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn của họ cho các trường đại học Trung Quốc để hướng dẫn cho các trường này cách để đạt các chỉ số xếp hạng tốt hơn.

Tuần này THE tuyên bố rằng, họ đang đối thoại với Đại học Renmin, đồng thời cho biết Đại học Lan Châu chưa bao giờ được xếp hạng trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới của THE.

Tờ báo China Daily cho biết, Đại học Lan Châu mới chỉ gửi thông tin lên Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới QS 1 lần.

THE cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi Đại học Nam Kinh vẫn tham gia quá trình gửi dữ liệu xếp hạng năm nay như thường lệ và sẽ được xếp hạng trong Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2023 của chúng tôi, ra mắt vào tháng 10 này."

THE cho biết họ sẽ "tiếp tục cung cấp điểm chuẩn dữ liệu quốc tế, rõ ràng cho tất cả những trường đại học của Trung Quốc khi tham gia vào bảng xếp hạng", để đảm bảo thông tin của họ hiển thị đầy đủ với hàng triệu sinh viên và du học sinh quốc tế đang tham khảo bảng xếp hạng THE.

Bà Simona Bizzozero, Giám đốc truyền thông của QS, chia sẻ với University World News: "Chúng tôi đánh giá cao và muốn gìn giữ, phát triển sự gắn bó với tất cả các trường đại học được xếp hạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất hiếm xảy ra, thì có những trường đại học quyết định không cung cấp cho chúng tôi dữ liệu mà chúng tôi yêu cầu, do đó chúng tôi sử dụng các nguồn đáng tin cậy khác".

Đối với dữ liệu theo yêu cầu của Xếp hạng Đại học Thế giới QS, chỉ một số thông tin nhất định được cung cấp trực tiếp bởi các tổ chức, bao gồm tỷ lệ giảng viên trên sinh viên (20% tổng điểm QS), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5% tổng điểm) và tỷ lệ giảng viên quốc tế (5% tổng điểm).

"Thông thường, thông tin trên có sẵn trên trang web của các trường đại học hoặc từ các nguồn đáng tin cậy khác".

"Dữ liệu còn lại được rút ra từ Khảo sát học thuật toàn cầu của chúng tôi (130.000 phản hồi), cung cấp chỉ số danh tiếng trong học thuật (40% điểm số); khảo sát về nhà tuyển dụng toàn cầu của chúng tôi (75.000 câu phản hồi), cung cấp cho Khảo sát về danh tiếng nhà tuyển dụng của chúng tôi (10%), và từ phân tích trích dẫn trên mỗi khoa được cung cấp bởi cơ sở dữ liệu sinh trắc học Scopus / Elsevier, chiếm 20% tổng điểm. "

Renmin có 5,6% sinh viên quốc tế trong hai lần xếp hạng trước đây của Bảng xếp hạng đại học thế giới QS, và Nam Kinh có 7% trong lần xếp hạng gần đây nhất và 7,3% vào năm trước, Bà Simona Bizzozero lưu ý thêm rằng, trong khi sinh viên học trực tuyến hoặc học từ xa không được tính vào lượng học sinh quốc tế, nhưng khi cân nhắc tình hình dịch bệnh, họ vẫn chấp nhận số lượng đơn xin nhập học của các sinh viên quốc tế.

Nguồn: University World News