Áp lực công sở: Thước đo sức khỏe của bạn!

Tuyết Trinh
07:43 - 25/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong cuộc đời và sự nghiệp phát triển bản thân, nếu bạn đã trải qua những công việc văn phòng sẽ ít nhiều cảm nhận được áp lực nơi công sở. Đây là một thử thách không dễ dàng vượt qua, đặc biệt đối với các bạn trẻ ngày nay.

Áp lực từ đồng nghiệp

Đi làm, đương nhiên là để kiếm tiền. Nhưng một nghịch lý là tham vọng kiếm tiền càng lớn, bạn sẽ phải đối mặt với càng nhiều cạm bẫy và khi bước vào đó, áp lực sẽ dâng cao cho tới lúc có thể nhấn chìm bạn như trong một dòng nước chảy xiết. 

Môi trường công sở luôn có tính cạnh tranh cao, đặc biệt trong các doanh nghiệp lớn. Nếu chỉ tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, những điểm số khá chưa chắc bạn đã có thể vượt qua những áp lực ban đầu đòi hỏi những kỹ năng giao tiếp, phản hồi, trao đổi, bảo vệ, thảo luận hay làm việc nhóm... để lấy được thiện cảm ban đầu và sự ủng hộ vô cùng quý giá từ những người đồng nghiệp. 

Ở mỗi một doanh nghiệp, ngoài những đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn, những quy định, quy tắc ứng xử về văn hóa cũng là những điều yêu cầu bạn tuân thủ. 

Áp lực công sở: Thước đo sức khỏe của bạn! - Ảnh 1.

Đừng chạy theo những công việc "thời thượng", đừng biến mình trở thành những "zoombie" vật vờ chốn công sở. Ảnh minh họa: IT.

Trước tiên, bước ra từ những cánh cổng đại học, khi đi làm bạn phải làm quen trong một tập thể với những người bạn hoàn toàn mới, đầy kinh nghiệm đi trước. Bạn sẽ không dễ dàng "qua mặt" những người đồng nghiệp này! Soi mói, bới móc, nói xấu và "trừ khử" nhau là điều khó tránh khỏi, thậm chí cả khi bạn thực sự có năng lực giỏi. 

Nếu bạn muốn chứng tỏ năng lực, trước tiên, bạn phải vượt lên trên những phản biện, tranh đấu của lớp lớp đồng nghiệp "đàn anh, đàn chị" thích đàm tiếu, hay thù vặt ấy. Nếu chỉ có năng lực, trình độ thôi thì khả năng thành công của bạn mới dừng lại ở mức 50%, còn lại 50% cần bạn rất bản lĩnh và kiên trì để vượt qua những phản ứng "ghê gớm" của cộng sự - người tốt có, người xấu có. Tất cả sẽ giống một cánh rừng âm u mà bạn không biết đâu là đỉnh cao, đâu là vực sâu để đi tiếp. 

Lúc này, cần sự bình tĩnh, học hỏi, quan sát và làm việc thật kiên trì, chờ cơ hội khẳng định mình, bám sát mục tiêu đã đặt ra để đạt được.

Áp lực từ chính công việc

Không có công việc nào là dễ dàng, khi bước chân vào môi trường công sở. Khối lượng, tần suất, các mục tiêu, KPI, deadline... xuất hiện một cách dồn dập. Nếu bạn không giỏi sắp xếp và tính toán một cách khoa học sẽ dễ trở thành "stress" bởi trong núi công việc ấy, bạn sẽ không biết bắt đầu từ đâu. 

Ý nghĩ về việc công việc quá tải cứ len lỏi và ám ảnh trong đầu, khiến bạn luôn phải nhìn ngó xung quanh xem ai làm nhiều ai làm ít, rồi bắt đầu so sánh thiệt hơn. Đây chính là liều "thuốc độc" giết chết những đam mê và sáng tạo trong bạn. Nếu nghĩ mình luôn phải làm nhiều mà không nhận được đãi ngộ xứng đáng như bạn bên cạnh thì rất nhanh thôi, sự nghiệp của bạn sẽ dẫn tới... diệt vong! 

Ý nghĩ về sự thiếu công bằng khiến bạn trở nên "hằn học" với tất cả mọi người. Từ đó, bạn đánh mất đi giá trị của chính mình. Tâm trí bạn không còn minh mẫn và sáng suốt để tiếp tục công việc và hành trình phát triển bản thân vì một tương lai xa hơn. Bạn không hiểu rằng, đôi khi công việc không phải vì tiền, đầu tiên công việc cho bạn cơ hội được làm việc. Từ đó, bạn sẽ tiến lên, khẳng định được mình, nâng cấp bản thân và tiến xa hơn. Lúc đó, bạn sẽ có được những gì mình xứng đáng được nhận. Vì cuộc đời sẽ là công bằng nếu bạn nỗ lực, bạn sẽ có phần thưởng xứng đáng. 

Phấn đấu hết mình hay chưa? Câu này bạn nên luôn tự hỏi để có thể tìm điểm cân bằng trong công việc. Mỗi khi cảm thấy quá tải, bạn có thể tự hỏi mình: Liệu mình còn đủ sức tiến lên? Mình đã nỗ lực đủ để giải quyết núi công việc bộn bề này? 

Và một cách làm việc thông mình, bạn sẽ tìm được sự hỗ trợ từ chính người quản lý cấp trên. Những người sếp luôn thích giao việc thật nhiều, nhưng họ cũng biết lắng nghe và muốn thử phản ứng của bạn. Nếu bạn thấy quá tải, bạn có quyền phản ánh việc đó với sếp, để sếp có thể phân bổ và huy động thêm các đồng nghiệp xung quanh cùng hỗ trợ giúp bạn vượt qua những thử thách tức thì.

Vượt qua áp lực là thước đo sức khỏe 

Luôn phấn đấu hay hết mình với công việc và nhận được những thành quả xứng đáng khiến tinh thần bạn luôn phấn chấn. Điều đó rất tốt cho sức khỏe của bạn. Còn ở chiều ngược lại, việc không thể vượt qua những áp lực và thử thách? Bạn đang cảm thất mệt mỏi, thất vọng, chán nản vì tất cả công việc và cuộc sống. 

Áp lực công sở: Thước đo sức khỏe của bạn! - Ảnh 2.

Nếu nghĩ mình luôn phải làm nhiều mà không nhận được đãi ngộ xứng đáng như bạn bên cạnh thì rất nhanh thôi, sự nghiệp của bạn sẽ dẫn tới diệt vong. Ảnh minh họa: IT.

Chất lượng sống bị ảnh hưởng rất nhiều bởi công việc. Mặc dù công việc không phải là tất cả cuộc sống, nhưng mỗi ngày ít nhất 8 tiếng nơi công sở nên 1/3 cuộc sống bạn ở trong đó. Vì thế, những giây phút căng thẳng có thể đốt cháy năng lượng của bạn một cách nhanh chóng. 

Triền miên trong áp lực, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống giống như "địa ngục", và bạn không còn cảm thấy vui vẻ, hứng thú với bất kỳ điều gì. Kể cả gia đình và người thân của bạn cũng không nhận được năng lượng tích cực từ bạn. Họ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi và lo lắng cho bạn, vì trạng thái của bạn có vẻ không ổn trước những ánh mắt rất quan tâm của bố mẹ, anh chị, vợ chồng, con cái...

Vậy, hãy dành 8 tiếng ở nơi công sở của bạn biến nó trở thành những giờ làm việc hạnh phúc nhất. Bạn có quyền lựa chọn những công việc phù hợp với năng lực, trình độ của mình. Xác định rõ những khó khăn có thể gặp phải để quyết tâm đi tiếp. Điều quan trọng là bạn phải luôn giữ được niềm yêu thích công việc. Vì thế, cách bạn chọn việc làm là điều rất quan trọng. 

Đừng chạy theo những công việc "thời thượng", đừng biến mình trở thành những "zoombie" vật vờ chốn công sở hay chỉ là những con robot làm việc như máy. 

Hãy thay đổi cách suy nghĩ, cư xử điềm tĩnh và nhẹ nhàng với công việc, biến thù thành bạn nơi công sở để tận dụng được sự giúp đỡ của tất cả mọi người. Dù đấu tranh nhưng con người ai cũng có lòng trắc ẩn, một khi bạn đã cố gắng và cử xử tốt với tất cả mọi người, những phiền muộn sẽ trở thành niềm vui. Bạn cũng sẽ trở thành người hạnh phúc ở bất cứ nơi đâu. 

Chúc bạn may mắn!