Một ngày học 14 tiết - hiệu quả hay hành xác?
Học sinh lớp 12 một số trường phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh phải học 14 tiết từ sáng đến tối. Học sinh có thể đạt điểm cao sau kì kiểm tra, kì thi nhưng việc học kéo dài để lại nhiều hệ lụy khôn lường.
Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy định cụ thể thời gian học của học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học vào học không sớm hơn 7 giờ 30 phút; trung học cơ sở không sớm hơn 7 giờ 15 phút và trung học phổ thông không sớm hơn 7 giờ. Thế nhưng, thực tế thì học sinh lớp 12 một số trường phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh dang phải học 14 tiết từ sáng đến tối.
Học theo kiểu… hành xác
Thầy Phan Anh, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, học sinh lớp 12 (nội trú) một số trường phổ thông tư thục ở Thành phố có tình trạng phải học cả chính khóa lẫn tăng tiết lên đến 14 tiết (thay vì tối đa 7 tiết), kéo dài từ 6 giờ 30 sáng đến 22 giờ đêm.
Buổi sáng: Tiết 0 từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 15 phút: giáo viên quản nhiệm (quản lí ngày và chủ nhiệm) truy bài (hướng dẫn giải bài tập hoặc dò bài) cho học sinh, dò công thức các môn khoa học tự nhiên, dò từ vựng tiếng Anh, kể cả dò văn mẫu. Tiết 1 đến tiết 4: từ 7 giờ 15 phút 10 giờ đến 10 giờ 45 phút. Từ 10 giờ 45 phút đến 11 giờ 15 phút: giáo viên quản nhiệm tiếp tục truy bài.
Từ 11 giờ 15 đến 13 giờ 20: học sinh ăn trưa, nghỉ trưa. Buổi chiều: Tiết 1 đến tiết 4 từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 50 phút. Học sinh ăn tối và nghỉ ngơi từ 16 giờ 50 phút đến 19 giờ. Từ 19 giờ đến 22 giờ học sinh tự học theo đơn vị lớp dưới sự giám sát của giáo viên quản nhiệm (quản lí đêm). Riêng học sinh bán trú, các em cũng phải học thêm từ 17 giờ 30 đến 19 giờ mới được về nhà, tổng cộng 11 tiết.
Về nhà, học sinh tiếp tục làm cả "núi" bài tập, có khi đến 23 giờ đêm vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí nhiều học sinh còn đi học thêm luôn cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, gần như không còn thời gian vui chơi, giải trí. Ngoài ra, cả học sinh nội trú lẫn bán trú thường phải làm bài thi thử luân phiên các môn xét đại học vào mỗi sáng thứ Bảy. Môn nào chưa đạt, các em còn bị thầy cô quản nhiệm, cha mẹ la rầy, rất áp lực.
"Một số trường tư thục nổi tiếng, học sinh chủ yếu học theo khối thi đại học – ban A: Toán, Vật lí, Hóa học. Mỗi môn học sinh phải học hàng chục tiết một tuần, bao gồm chính khóa, tăng tiết và có giáo viên quản nhiệm kèm thêm ở trường. Những môn không thi tốt nghiệp, không xét vào đại học, học sinh hầu như chỉ học cho có.
Học sinh tư thục bắt đầu năm học từ giữa tháng 6 (lấy danh nghĩa học thêm vì theo quy định trường tư thục chỉ được phép học sớm hơn 1 tháng so với trường công lập), các em chỉ được nghỉ hè 2 tuần lễ. Nhiều giáo viên bộ môn cho biết, chỉ cần dạy khoảng 3 tháng là hoàn tất chương trình lớp 12, sau đó thầy cô luyện thi cho các em theo khối thi đại học", thầy Phan Anh chia sẻ thêm.
Học sinh học ngày, học đêm sẽ có hệ lụy nào?
Thầy Phan Anh cho biết, đa số học sinh một số trường tư thục nổi tiếng đều có kết quả cao sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em được xét vào các trường đại học tốp trên đúng theo kì vọng của cha mẹ. Tuy vậy, việc học hành suốt ngày suốt đêm cũng khiến nhiều em có tâm lí chán nản.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, mỗi khi học sinh chỉ biết học và học trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến các bệnh về tâm lý, có thể khiến các em hung bạo hoặc co mình với người khác. Học sinh có thể trở thành đối tượng đi gây bạo lực trong lớp học, ngoài xã hội hoặc ngược lại, chính các em bị bạo hành.
"Một điều dễ nhận thấy là học sinh thừa kiến thức chuyên môn nhưng lại thiếu và rất yếu kĩ năng sống. Có em không thể phân biệt được các loại rau mà mình đang ăn hàng ngày, hay một số học sinh không phân biệt đâu là con trâu, con bò. Các em cãi nhau con trâu thì có sừng còn con bò thì không… là những chuyện có thật với học sinh chỉ biết ăn và học", thầy Phan Anh kể chuyện.
Theo thầy Phan Anh, học sinh không nhất thiết phải lao đầu vào học theo kiểu hành xác. Và hơn ai hết, phụ huynh học sinh phải ý thức được điều này để không tạo áp lực phải đỗ đạt trường này trường kia với con em. Học sinh chỉ cần học những những kiến thức cơ bản, những thứ cần cho cuộc sống, em nào học chuyên sâu thì có thể tự học, tự tìm tài liệu nghiên cứu thêm.
Học sinh cần trang bị thật kĩ về kĩ năng sống, đó là các kỹ năng về tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp cho các em có một cuộc sống lành mạnh và tích cực.
Và một điều thầy Phan Anh cảm thấy trăn trở đó là, mới đây thông tin trên một tờ báo cho biết, sau 10 năm, học sinh thừa cân béo phì tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 21,9% (năm 2009) lên 43,7% (năm 2019). Tỉ lệ học sinh thành phố này thừa cân béo phì cao hơn hai lần so với cả nước.
Các chuyên gia sức khỏe học đường cảnh báo, học sinh thừa cân tăng lên có thêm một nguyên nhân vì các em phải ngồi tại chỗ, học cả ngày đêm mà quá ít vận động, luyện tập thể dục thể thao. Học nhiều còn dẫn tới căng thẳng và ăn nhiều lên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google