Làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam: 4 bí kíp nâng cao hiệu quả
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của nhiều Tập đoàn lớn tại Việt Nam, sự lấn sân của các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp nội cần có một đội ngũ nhân sự thực sự vững chắc, chuyên nghiệp. Trong đó, từng cán bộ nhân viên phải biết làm việc nghiêm túc và tâm huyết.
Nhưng điều này dường như đã và đang là thách thức đối với nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong nước.
Trong một cuộc nói chuyện, chủ tịch một tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam từng nhấn mạnh: "Chúng ta mong muốn từ một tập đoàn tốt trở thành một tập đoàn vĩ đại. Nhưng nếu tiếp tục cố chấp giữ tư duy kiểu cũ, cho rằng những thành tựu hiện nay là đủ tốt, chắc chắn rất nhanh thôi, tổ chức sẽ từ tốt trở thành hơi tốt và kết thúc ở điểm diệt vong".
"Tư duy kiểu cũ" mà vị chủ tịch này đề cập, dường như là một lời cảnh báo mạnh mẽ về thái độ làm việc của nhiều người làm thuê hiện nay. Đó là sự thiếu tâm huyết và tử tế. Đó là yếu kém về năng lực mà không chịu học hỏi để vươn lên. Ý thức được điều này, nhiều doanh nghiệp đã phải nêu cao tinh thần học tập, sử dụng các kỳ thi sát hạch, kiểm tra chất lượng định kỳ, các khóa học bắt buộc và nâng cao để vừa giám sát, vừa tạo cơ hội cho cán bộ nhân viên của mình làm việc nghiêm túc và tâm huyết.
Để được như vậy, chúng ta có thể nhìn vào 4 điểm yếu kém mà người làm thuê thường mắc:
1. Kém kỉ luật
Một trong những nền tảng cơ bản để trở nên vĩ đại chính là tư tưởng và hành vi kỉ luật. Nhưng, khi quan sát ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt khi doanh nghiệp càng lớn, phát triển càng nhanh thì quá trình tuân thủ kỉ luật càng trở nên rất lỏng lẻo. Vậy nên, có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công tác thanh tra, quản trị rủi ro… để đánh giá nhân sự, tuy nhiên điều này cũng gây ra những đối phó khó lường.
Kém kỷ luật không chỉ trong các ngành thuộc khối xã hội như lao động nghệ thuật, sáng tác, dịch vụ, chăm sóc, giáo dục, thông tin… mà còn ở cả các ngành có tính chính xác cao như kinh tế, tài chính, sản xuất, y tế hay nghiên cứu khoa học. Một số biểu hiện rõ là các vi phạm hành chính, giờ giấc, trễ deadline, KPI đối phó hay những tờ trình sơ sài, thiếu tính logic, nội dung ngây ngô, "khó đỡ"… Điển hình như kết quả thanh tra của một Tập đoàn vận hành nghỉ dưỡng tại Phú Quốc và Nha Trang đã phát hiện tới hơn 500 lỗi/tuần vi phạm các quy định về tiêu chuẩn dịch vụ tại các resort; Ở một bệnh viện lớn trong nước, đã có 200 trường hợp nội bộ vi phạm nghiêm trọng về trách nhiệm phân cấp bác sỹ theo bậc.
Người Việt sống tình cảm, trọng nghĩa, nhưng tư duy "thương cho roi cho vọt" là cách xử lý đúng đắn nhất trong trường hợp này: Các sai phạm đều cần được xử lý kỉ luật, những cá nhân mắc lỗi cần chịu trách nhiệm. Sự sòng phẳng đó không chỉ giúp cho các cá nhân trưởng thành sau mỗi sai lầm mà còn làm cho đội ngũ cán bộ tốt hơn, hệ thống tiến lên.
2. Kém học
Nhiều trang tin gần đây vô tình "rao bán" hàng loạt tấm gương bỏ học trở thành tỷ phú. Không khó để tìm được link dẫn về những tên tuổi huyền thoại như Bill Gates, Mark Zuckerberg đã bỏ học và trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, thế giới như vậy được mấy người? Tiếc thay, ở Việt Nam, một tấm bằng đại học, hoặc hơn nữa mới có thể giúp bạn cơ bản bước vào cánh cửa các tập đoàn lớn hoặc các công ty hàng đầu. Và câu chuyện không dừng lại ở đó…
Khép lại cánh cửa đại học, rất nhiều người đi làm đã khép luôn cánh cửa học tập của mình. Trong khi đó, học tập là suốt đời. Vậy, cần chỉ ra rằng, mỗi người có thể tự học theo cách của mình. Ngay cả khi bạn đi làm, thì cơ hội học tập càng rộng mở. Đọc, tìm hiểu các tài liệu, họp hành, đàm phán, lắng nghe, hội thoại trao đổi, giới thiệu, chuẩn bị tài liệu, tờ trình, đề xuất với tất cả tâm huyết… đều là những cơ hội trước mắt. Dài hơn là những khóa học ngoài chuyên môn, những chuyến công tác nước ngoài, gặp gỡ những chuyên gia đầu ngành, nghiên cứu những lĩnh vực, đề tài mới đánh dấu bằng những bằng cấp mới… Đó là những đòi hỏi gắt gao mà các doanh nghiệp cần đưa ra cho cán bộ nhân viên của mình.
Ở tất cả các cấp, việc học hành, thi cử không chỉ mang tính chất hình thức, đối phó mà còn phải thực sự chất lượng, bậc sau cao hơn bậc trước. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm được điều này, đặc biệt là các doanh nghiệp về Công nghệ như FPT, CMC, Viettel với các yêu cầu về chứng chỉ quốc tế về các lĩnh vực mạng viễn thông, bảo mật, nghiên cứu, ứng dụng.
3. Kém tự chủ
Điều hạn chế còn tồn tại ở đội ngũ làm thuê là tư duy hời hợt, dẫn tới việc kém tự chủ trong công việc và thói quen dựa vào cấp trên. Tư duy ấy thể hiện qua việc không tìm hiểu và sử dụng các thông tin (thông tin thị trường, nghiên cứu, phân tích) một cách hiệu quả. Thay vào đó, thường giải quyết công việc bằng cảm tính mà thiếu đi sự tìm hiểu rõ về gốc gác, tính toán cụ thể vấn đề. Vậy nên, mỗi cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp cần được yêu cầu nhất thiết phải rèn luyện bằng được thói quen phân tích tổng quan toàn diện tốt/xấu, được/mất, hiệu quả/bất lợi trước khi đưa ra quyết định.
Rõ ràng, lý thuyết về các bước phân tích thì bất cứ ai cũng đã từng được học, nhưng không nhiều trong số đó áp dụng được vào công việc thực tế để có những quyết định hiệu quả. Trong guồng quay thần tốc của doanh nghiệp, việc nhỏ phải nghĩ nhanh, việc lớn phải làm kĩ; nhưng quan trọng nhất là cần tư duy để giải quyết vấn đề một cách sâu sắc, để đỡ mất nhiều thời gian và công sức sửa sai, làm lại.
Không chỉ vậy, tư duy thường xuyên tham nhỏ bỏ lớn đã khiến hiệu quả làm việc của đội ngũ lao động giảm sút trầm trọng. Một số người đã ở cấp quản lý thì bị chi phối quá nhiều bởi việc vặt vãnh không đúng tầm, đúng phạm vi công việc, ảnh hưởng bởi tình cảm dẫn tới những quyết định không chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn và sai quy định.
Một điều quan trọng khác là: Nếu muốn làm việc lớn, buộc phải biết hi sinh những điều nhỏ nhặt. Điều này đã được khái quát trong nguyên tắc 80:20 khi làm việc: Dành ưu tiên cho 20% khối lượng công việc quan trọng để đạt được 80% hiệu quả công việc. 80% còn lại chỉ chiếm 20% hiệu quả thì sẽ từ từ xử lý để hoàn thiện. Sự chuyên nghiệp, có tầm nhìn của người lao động thể hiện ở chỗ dành ưu tiên phần việc nhỏ nhưng rất quan trọng và chiếm hiệu quả lớn.
4. So sánh và ganh tị
Kinh Thánh (Matthêu; 20; 1-16) đã ghi lại đoạn dụ ngôn về những người thợ vào làm việc trong vườn nho cho ông chủ. Sau khi đã thoả thuận tiền công với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Vào các khoảng giờ thứ ba, thứ sáu và cả gần cuối ngày, ông vẫn tiếp tục mời thêm những người còn đứng ngoài chờ việc vào làm và đều trả công cho họ mỗi người một quan tiền, dù là vào làm ở giờ nào.
Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ đã cằn nhằn ông chủ: "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt". Ông chủ trả lời: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"
Câu chuyện ấy cho chúng ta hiểu rằng, là người làm thuê ở cương vị nào ông chủ cũng đã đối xử công bằng như đã cam kết. Không có lý do gì chúng ta phải so bì với những người khác cùng làm thuê như chúng ta. Vì chúng ta đâu biết rằng, họ đã phải vất vả, cực khổ thế nào để có được trả công như vậy? Tâm lý so bì, tị nạnh sẽ khiến chính chúng ta bị mất phương hướng, tự dằn vặt và thậm chí rơi vào bi kịch tinh thần, ảnh hưởng tới thu nhập của mỗi người, mỗi gia đình.
Trong khi đó, sau những giờ làm việc nghiêm túc và tâm huyết thực sự, chúng ta xứng đáng được hưởng tất cả những thành quả tuyệt vời mà "ông chủ" đã hứa và tặng thưởng. Hãy luôn ghi nhớ và thực hành.
Cần lắm bản lĩnh, kinh nghiệm, sự tuân thủ kỷ luật, học hỏi không ngừng để đội ngũ những người làm thuê chính là những viên ngọc quý, càng được mài dũa qua lao động càng tỏa sáng trong các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến vào kỷ nguyên mới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google