Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã được chuyển giao cho Việt Nam

Minh Châu
14:13 - 18/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã được chuyển giao cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam và Pháp.

Đưa Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam

Chiều 16/11 (giờ địa phương), buổi lễ chuyển giao Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một báu vật hoàng cung của Triều Nguyễn Việt Nam cho Việt Nam đã diễn ra trang trọng tại Đại sứ quán Việt Nam, Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.

Buổi lễ chuyển giao Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" diễn ra dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền; Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa; đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã được chuyển giao cho Việt Nam- Ảnh 1.

Lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam. Ảnh: VGP

Sự kiện chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam cũng là kết quả theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến Ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; đồng thời sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của Ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam và Pháp. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý để có thể đưa ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai nước. Sau đúng 1 năm liên tục, tích cực, trách nhiệm phối hợp của các bên, các thủ tục pháp lý để đưa Ấn vàng trở về Việt Nam đã được hoàn thành.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng được đúc bằng vàng ròng nặng 10,78kg, kích thước 13,8x13,7kg, trên đúc nổi con rồng uốn khúc.

Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã được chuyển giao cho Việt Nam- Ảnh 2.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: VGP

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã được chuyển giao cho Việt Nam- Ảnh 3.

Hình ảnh Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng. Ảnh: millon.com

Thành công của việc hồi hương Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lần này phải kể đến sự tổng hợp của nhiều yếu tố góp phần bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.

Quyết tâm sưu tầm, hồi hương Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, đưa ra nước ngoài trái phép, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao lòng tự tôn dân tộc của trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đôi nét về hoàn cảnh lịch sử của Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc Ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được giao bán đấu giá tháng 11/2022.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, kim bảo, ngọc tỷ là những báu vật của Quốc gia. Trong 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (kim bảo) hoặc chế tác từ ngọc quý (ngọc tỷ). Cụ thể, thời Gia Long (1802-1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820-1840) có 15 chiếc, thời Thiệu Trị (1841-1847) có 10 chiếc, thời Tự Đức (1848-1883) có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều có 1 chiếc, thời Đồng Khánh (1885-1888) có 5 chiếc, thời Thành Thái (1889-1907) có 10 chiếc, thời Khải Định (1916-1924) có 12 chiếc và thời Bảo Đại (1925-1945) có 8 chiếc. Điều đáng tiếc là một số chiếc ấn đã bị đánh cắp hoặc tiêu hủy. Số còn lại gồm 85 chiếc ấn (với các chất liệu vàng, ngọc, bạc) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nguồn: Cục Di sản văn hóa, millon.com, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế