Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thời vua Minh Mạng tiếp tục được hoãn đấu giá
Hãng Million thông báo quyết định hoãn phiên đấu giá Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" thời vua Minh Mạng đến trưa ngày 18/11, thay vì ngày 10/11 theo dự kiến cũ.
Theo thông tin từ nhà đấu giá Million, hãng này đã quyết định hoãn phiên đấu giá Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng đến trưa ngày 18/11, thay vì ngày 10/11 theo dự kiến cũ.
Đây là lần thứ hai hãng Million thông báo thay đổi thời gian diễn ra sự kiện quan trọng này, với cùng lý do là "có sự quan tâm mạnh mẽ từ phía Nhà nước Việt Nam".
Bảo vật Kim ấn được dự kiến đưa ra đấu giá lần đầu tiên vào ngày 31/10 với ký hiệu lô số 101 cùng hơn 300 hiện vật khác trong khối tài sản mà vua Bảo Đại để lại cho người vợ sau, bà Monique Baudot. Sau khi bà qua đời năm 2021, các tài sản này được chia cho những người thừa kế.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan đang rất tích cực vận động để có thể hồi hương ấn vàng.
Hãng đấu giá Millon hiện là kênh duy nhất để tiến hành các biện pháp thương lượng, vì những người thừa kế tại Pháp đã ủy quyền cho hãng đại diện quyền lợi. Một đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có mặt tại Pháp từ mấy ngày qua để tiến hành các công tác này.
Cả đại diện Việt Nam và hãng đấu giá đều từ chối tiết lộ nội dung các cuộc thảo luận với lý do thương vụ vẫn đang diễn biến và chưa có kết quả cụ thể.
Trong phiên đấu giá ngày 31/10 vừa qua, chiếc bát vàng của vua Khải Định, khối lượng 456,6 gram, có giá khởi điểm từ 20.000 đến 25.000 euro, đã được bán với giá cao gấp 44 lần, lên mức 680.000 euro, tương đương 16,7 tỷ đồng.
Giới sưu tầm cổ vật tại Pháp nhận định chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng chắc chắn sẽ đắt hơn nhiều so với giá khởi điểm, thậm chí lên đến hàng chục triệu euro.
Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin ấn Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn được hãng Milion (Pháp) đem ra đấu giá, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đấu giá để tạm dừng cuộc đấu giá.
Ngày 31/10 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết phiên đấu giá được dời lại tới ngày 10/11/2022. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm kiếm các khả năng và triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước.
Trước đó, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc.
Điều này góp phần khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng, Nhà nước về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, kim bảo, ngọc tỷ là những báu vật của Quốc gia. Trong 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (kim bảo) hoặc chế tác từ ngọc quý (ngọc tỷ). Cụ thể, thời Gia Long (1802-1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820-1840) có 15 chiếc, thời Thiệu Trị (1841-1847) có 10 chiếc, thời Tự Đức (1848-1883) có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều có 1 chiếc, thời Đồng Khánh (1885-1888) có 5 chiếc, thời Thành Thái (1889-1907) có 10 chiếc, thời Khải Định (1916-1924) có 12 chiếc và thời Bảo Đại (1925-1945) có 8 chiếc. Điều đáng tiếc là một số chiếc ấn đã bị đánh cắp hoặc tiêu hủy. Số còn lại gồm 85 chiếc ấn (với các chất liệu vàng, ngọc, bạc) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google