An Giang: Hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín toàn tỉnh
Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, tỉnh An Giang đã đạt một số kết quả nổi bật như: hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đến nay đã phủ kín toàn tỉnh với 11 hội cấp huyện, 156 hội cơ sở cấp xã; gần 2.500 chi hội khuyến học ở khóm, ấp, trường học, tôn giáo.
Theo Tỉnh ủy An Giang, sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt một số kết quả nổi bật như: hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đến nay đã phủ kín toàn tỉnh với 11 hội cấp huyện, 156 hội cơ sở cấp xã; gần 2.500 chi hội khuyến học ở khóm, ấp, trường học, tôn giáo. Toàn tỉnh có 762 ban khuyến học với gần 415.000 hội viên, trên 337.100 gia đình học tập, 367 dòng họ học tập, 592 đơn vị học tập, 572 cộng đồng học tập…
Trong quá trình triển khai xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hay trong tổ chức triển khai thực hiện như: mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, công dân học tập…
Tính đến đầu tháng 8/2024, An Giang đã công nhận gần 9.800 người đạt danh hiệu “công dân học tập”, chuẩn bị công nhận các đơn vị học tập trong toàn tỉnh.
Phong trào “nuôi heo đất khuyến học” tiếp tục được các trường học phát động và học sinh tích cực hưởng ứng. Số tiền thu được để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường, hạn chế đáng kể tình trạng học sinh bỏ học, bỏ học giữa chừng.
Chỉ trong giai đoạn 2007 - 2016, toàn tỉnh An Giang đã vận động đóng góp, ủng hộ cho quỹ khuyến học - khuyến tài gần 230 tỷ đồng; tổ chức cấp phát học bổng, hỗ trợ học tập cho trên 437.000 lượt học sinh, sinh viên giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó.
Sau nhiều năm phấn đấu, năm 2022 toàn tỉnh An Giang đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; Năm 2023, nhiều huyện, thị xã, thành phố tích cực phấn đấu nâng mức chuẩn lên mức độ 3. Kết quả này là nhờ các Phong trào khuyến học của tỉnh bám sát được các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đào tạo, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo của tỉnh An Giang.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh giá cao tỉnh An Giang chủ động, tích cực trong việc triển khai, quán triệt Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII, nhờ đó đã nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, nâng cao vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học các cấp của tỉnh trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, phát huy truyền thống hiếu học, tương thân tương ái của người dân An Giang, thời gian tới, An Giang tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 49-KL/TW, từ đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài.
Cùng với đó, tỉnh An Giang cũng tập trung triển khai các giải pháp xây dựng Quỹ khuyến học cấp huyện, xã; từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài ở tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Tỉnh ủy An Giang tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tiếp tục bổ sung những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, xác định mục tiêu của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.
Đoàn công tác tiếp thu và sẽ có báo cáo tham mưu cho Trung ương các kiến nghị, đề xuất của tỉnh An Giang, sớm điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phù hợp với tình hình mới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google