Tại hội nghị, các đại biểu đã có những chia sẻ các xu hướng nổi trội của nguồn nhân lực Việt Nam cùng những chiến lược và phương thức cấp tiến để doanh nghiệp và người đi làm cùng vững vàng trước những thay đổi của thị trường.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe cho biết, khảo sát của Anphabe ghi nhận, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên.
Trong đó, ở nhóm quản lý cấp trung, nhóm nhân viên có thâm niên từ 2 đến 5 năm đang thấy áp lực nhất. Đối với ngành nghề, ngành sản xuất, vật liệu xây dựng và ngành ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên bị stress đông nhất, kế đó là các ngành sản xuất, hóa chất; dược, chăm sóc sức khỏe; xây dựng, kiến trúc.
Ở góc độ phòng ban, người lao động (nhân viên, quản lý) làm việc tại phòng quản lý chất lượng có tỷ lệ stress khá cao.
Các nguyên nhân khiến người đi làm bị stress được thống kê theo khảo sát gồm các yếu tố liên quan đến tài chính và gia đình; tính chất công việc; môi trường và điều kiện làm việc; quan hệ công sở;…
Theo bà Thanh Nguyễn, stress cũng chính là “sát thủ vô hình” khiến động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cụ thể, kết quả khảo sát của Anphabe ghi nhận, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress.
Để cải thiện vấn đề này, đại diện Anphabe cho rằng doanh nghiệp cần đẩy mạnh các giải pháp về chăm lo các vấn đề về tinh thần, tài chính, sức khỏe thể chất,… cho nhân viên.
Đối với các xu hướng thay đổi thị trường lao động, môi trường làm việc từ năm 2021 đến nay, các khảo sát của Anphabe ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Cụ thể, so với 2021, mặc dù tình hình kinh doanh năm nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn khá nhiều. Tính tới 9/2022, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ có 6% (năm 2021, con số này là 15%) bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định.
Bên cạnh thu nhập từ lương, năm 2022 các doanh nghiệp đã cố gắng để 9/10 người lao động được nhận khoản thưởng cho thành tích của năm 2021, trong đó gần 70% được nhận mức thưởng như dự kiến hoặc cao hơn, trung bình là 1,4 tháng lương.
Ngoài ra, trào lưu nghỉ việc ồ ạt hậu COVID-19 đã “bớt ồ ạt” và có dấu hiệu chững lại trong năm 2022. Dự đoán trong 6 tháng đến 1 năm tới, tỷ lệ nghỉ việc sẽ còn khoảng 17%. Tuy đây chưa thể xem là con số lý tưởng nhưng đã giảm khá nhiều so với tỷ lệ 23% của giai đoạn ngay sau dịch.
Theo Anphabe, các khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, với sự tham gia bình chọn của 57.939 người đi làm, 515 công ty và các khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu với khoảng 150 lãnh đạo và quản lý nhân sự ở 20 ngành nghề chính.
Tại hội nghị, Anphabe đã công bố bảng xếp hạng 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022.
Trong đó, Abbott Laboratories GmbH lần đầu tiên đứng ở vị trí số 1 bên cạnh những doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu lâu năm như: Manulife Việt Nam (ngành bảo hiểm); PNJ Group (ngành bán lẻ/bán sỉ/thương mại); Viettel Group (ngành viễn thông/hạ tầng/công nghệ phần cứng)…
Năm nay, Công ty TNHH Pernod Ricard Việt Nam; Home Credit Việt Nam; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank);… là một trong số nhiều doanh nghiệp có sự bứt phá xuất sắc khi lần đầu vào danh sách top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022;…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google