27.500 xe máy vi phạm đã được Thành phố Hồ Chí Minh đấu giá trong năm 2023

Trang Linh
16:59 - 19/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện vi phạm. Riêng đợt đấu giá lần 3 của Phòng Cảnh sát giao thông đã hoàn thành đấu giá 5.334 phương tiện và thu về hơn 4 tỉ đồng.

đấu giá xe máy 1

Năm 2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ 155.000 phương tiện giao thông. Ảnh: Độc Lập

Liên quan đến vấn đề đấu giá xe máy vi phạm, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin trong cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội mới đây, số phương tiện bị tạm giữ trong quá trình xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm năm 2023 là trên 155.000 phương tiện.

Trong đó bao gồm 1.537 ô tô, 153.493 mô tô, xe máy và 1.283 xe 3, 4 bánh. Phòng Cảnh sát giao thông đang tạm giữ khoảng 32.000 phương tiện tại các kho của Công an thành phố, còn Công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tạm giữ khoảng trên 20.000 phương tiện.

Về việc đấu giá xe vi phạm năm 2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện. Riêng đợt đấu giá lần 3, Phòng Cảnh sát giao thông đã hoàn thành đấu giá 5.334 phương tiện và thu về hơn 4 tỉ đồng.

đấu giá xe máy

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố Hồ Chí Minh thông tin về tình hình đấu giá xe vi phạm. Ảnh: Thành Nhân

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, quá trình đưa xe máy vi phạm ra đấu giá gặp khó khăn bởi quá trình tịch thu, xử lý, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ chặt chẽ, cần nhiều thời gian.

Đấu giá xe máy, phương tiện vi phạm cần thông qua nhiều quy trình

Để tịch thu, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện nhiều bước theo quy định như xác minh, giám định số khung, số máy phương tiện; đăng báo tìm chủ sở hữu; lập phương án xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu báo cáo về Bộ Công an, sau đó Công an thành phố ra quyết định phê duyệt phương án cho bán đấu giá. Cuối cùng là tổ chức các bước bán đấu giá tài sản theo quy định.

Hiện nay, có nhiều cách để giảm số lượng phương tiện giao thông bị tạm giữ như cho đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện; tạm giữ giấy tờ để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện; tăng cường xử lý tang vật, phương tiện (bằng hình thức tịch thu bán đấu giá)...

Tuy nhiên phương án đặt tiền để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện ít được cá nhân, doanh nghiệp áp dụng, mà chủ yếu lựa chọn biện pháp tạm giữ giấy tờ (đăng ký xe, đăng kiểm xe, bằng lái xe...) để đảm bảo thay cho việc tạm giữ phương tiện.