23 dự án vi phạm bị thu hồi tại Hà Nội
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã công bố 23 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn bị thu hồi trong đợt này.
Theo thông tin từ Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 24/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8053/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố, trong đó có 23 dự án đã bị công khai danh tính trong đợt này.
Huyện Thạch Thất có nhiều dự án bị thu hồi đất nhất
Với 23 dự án mà Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, địa bàn huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất, gồm:
Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty Cổ phần An Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Như Thành.
Dự án xây dựng xưởng sơ chế và lắp giáp giới thiệu sản phẩm tại huyện Thạch Thất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Hưng làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất cọc bê tông (xã Tiến Xuân), Công ty Cổ phần Licogi 13 - nền móng xây dựng làm chủ đầu tư; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny light (xã Yên Bình), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Ánh Dương; Dự án Khu nhà ở cho cán bộ giáo viên, do trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ (xã Tiến Xuân), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tuổi trẻ làm chủ đầu tư.
Tiếp đó là huyện Mê Linh, gồm: Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Khu đô thị mới Prime Group - Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Prime Group; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh - Thanh Lâm - Tráng Việt), Công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai bị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất.
Cụ thể: Dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án bãi đỗ xe tĩnh, khu đất bãi sông Hồng, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công ty Cổ phần Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An làm chủ đầu tư.
Dự án khu dịch vụ và đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và đầu tư Phú Hòa làm chủ đầu tư; Dự án trụ sở làm việc, Số 150, ngõ 72 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Công ty Cổ phần xây lắp và sản xuất công nghiệp làm chủ đầu tư; Dự án Mở rộng, nâng cấp Viện di truyền nông nghiệp, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), Viện Di truyền nông nghiệp làm chủ đầu tư.
Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chủ đầu tư là Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long; Trụ sở giao dịch và khách sạn, số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Anh; Dự án Nam Đoàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí Viễn thông làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trụ sở Đại sứ quán (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Vương quốc Ả rập Xê út làm chủ đầu tư.
Tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức công khai, minh bạch thông tin xử lý trên phương tiện truyền thông địa phương như: loa, đài phát thanh và tại địa điểm đất... đối với 23 dự án mà Ủy ban nhân dân Thành phố đã có quyết định thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và chấm dứt hoạt động dự án.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các sở, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố về công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, giám sát của Nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện. Đồng thời tổng hợp, báo cáo rõ kết quả thực hiện các nội dung đã được giao cụ thể cho từng đơn vị theo các văn bản chỉ đạo nêu trên.
Trước đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện, thị xã; cơ quan báo, đài Thủ đô thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với những dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự đồng thuận, giám sát của Nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google