Nhà đất cuối năm 2022: Khó khởi sắc!

Quang Minh
06:00 - 18/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Vào thời điểm cuối năm, thường là "vụ mùa" của bất động sản, bởi nhu cầu ổn định nhà cửa tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nguồn cung đã có dấu hiệu chững lại. Việc huy động vốn trở nên khó khăn khiến nhu cầu nhà ở thực tế cũng đang rất cầm chừng.

Mặc dù các chỉ số phục hồi của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 hầu hết đều tích cực ở các ngành, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% đã ở mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn sẽ tiếp tục khó khăn, nên thị trường nhà đất sẽ khó có nhiều cơ hội phát triển như những năm trước.

Nhà đất cuối năm 2022: Chưa thể khởi sắc! - Ảnh 1.

Nguồn cung nhà đất nửa sau năm 2022 đang có dấu hiệu chững lại, giao dịch cầm chừng. Ảnh: IT

Trong bối cảnh tình hình thế giới cũng chịu sức ép suy thoái nặng nề, tốc độ phục hồi tương đối chậm, chưa kể tới báo cáo mất việc làm tăng cao, sự mất giá của các đồng bạc chủ chốt, chỉ số lạm phát ở mức báo động, xu hướng tăng lãi suất... tất cả đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Giao dịch trầm lắng

Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây cho thấy nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Thực tế nguồn cung đang tập trung ở chuỗi các căn hộ cao cấp, nhà liền kề, biệt thự chứ không dành cho người dân ở mức trung bình và có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ giao dịch trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với trước; 

Chị Phạm Minh Tâm (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi đến các phòng công chứng ở Hà Nội đều thấy vắng tanh. Chẳng ai đến giao dịch nhà đất, có chăng chỉ vài trường hợp ít ỏi đến công chứng giấy tờ, hoặc 1,2 trường hợp trao tặng, thừa kế... Nên, bản thân tôi cũng không dám giao dịch ở thời điểm này. Có 500m2 đất ở Hòa Lạc, tôi đành đầu tư thêm để xây nhà cho Sinh viên thuê chứ không để giao dịch nữa". 

Thực tế, lượng giao dịch nhà đất gần đây đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021. Với quyết định tăng lãi suất điều hành của nhà nước, dòng vốn nói chung đều vào một con đường khó. Giá cả nhà đất cũng có dấu hiệu chững lại, ở Hà Nội, giá nhà chung cư đã giảm, nhiều dự án buộc phải giảm tới 30 - 40% giá bán so với thời gian trước. 

Chị Bùi Thái Hà (một nhà đầu tư bất động sản ở quận Long Biên) chia sẻ: "Mình đang tham khảo giá nhà đất 10/2022 tại khu vực cận Hà Nội, thực tế mức chiết khấu ở các sàn khá cao. Căn mình đang xem được anh em chào giá giảm cả tỷ đồng so với giá mở bán trước đó! Đây là điều mà mình chưa bao giờ trải qua trong quá trình đầu tư từ trước tới giờ". 

Nhà đất cuối năm 2022: Chưa thể khởi sắc! - Ảnh 2.

Báo giá một căn hộ 184,2 m2 đã được chiết khấu "khủng" từ hơn 6 tỷ, giờ chỉ còn khoảng hơn 5 tỷ

Tuy nhiên, kể cả giảm giá, bà con giao dịch vẫn trầm lắng, bởi tình hình khó khăn chung. Tại TP. HCM - nơi được coi là trung tâm phát triển của bất động sản nhà ở cao cấp, trong quý 3/2022 nguồn cung đất nền giảm 65,6% so với quý 2, lượng tiêu thụ giảm 77,8% so với quý trước.

Không chỉ có TP. HCM, các tỉnh lân cận tại đầu cầu phía Nam cũng chung tình trạng lực cầu yếu hẳn, đồng thời việc giao dịch nhỏ giọt và chưa thể phục hồi trở lại như thời điểm trước dịch. 

Cần thêm thời gian để phục hồi 

Mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm, nhưng nhu cầu nhà đất của người dân chưa bao giờ vơi cạn. Thực tế, trong những năm "sốt nhà, sốt đất", biết là giá cao nhưng người dân vẫn đổ xô nhau đi mua, vì đối với người Việt Nam, việc tích sản an toàn và hiệu quả nhất vẫn đang là nhà đất và bất động sản nói chung.

Chị Hà cho biết thêm: "Nếu so với các thị trường khác, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tích sản an toàn, khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian cho nó, đặc biệt ở thời điểm hiện tại, kinh tế đang khó khăn, mọi người đều lo nhu cầu ăn uống trước mắt. Nhưng lâu dài, chúng ta đều phải sở hữu ít nhất 1 căn nhà thì mới có thể yên tâm được".

Từ nhu cầu thực tế đó, các chủ đầu tư cứ tùy theo thời điểm để mở bán những sản phẩm nhà ở phù hợp với tình hình tài chính của người dân từng thời kỳ. Khi đó, bất động sản sẽ có cơ hội hồi sức trở lại. Đối với những nhà đầu tư như chị Hà, chị Tâm, thời điểm này có lẽ là cơ hội giữ đất. Khi khó khăn đi qua, tất cả sẽ có lãi". 

Điều đáng vui mừng hiện nay, khi thị trường giảm nhiệt, cũng là lúc chúng ta thấy không còn các hiện tượng cò kéo, thổi giá, tạo cơn sốt giả... Tất cả các hoạt động đầu cơ không còn đất diễn. Với sự thắt chặt của tín dụng, việc đầu tư bất động sản hàng loạt của một số "đại gia", chủ đất, cò mồi sẽ không còn tồn tại. Đây cũng là cơ hội dành cho những người dân có nhu cầu thực sự, có đủ tiền với nhiều sự lựa chọn tốt. 

Nhìn chung, ở góc độ đầu tư, chúng ta cần thận trọng và tính toán một cách chi tiết, nhưng ở góc độ giải quyết nhu cầu nhà ở thực thụ, đây là thời điểm người dân sẽ được hưởng lợi nhiều từ các chính sách điều hành, trợ giá, các quyết sách nhằm phục hồi nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. 

Hy vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ, những thay đổi về chính sách thuế, tín dụng, sở hữu, đất đai... Tất cả sẽ mang lại những biến chuyển tích cực và những tín hiệu tốt để bất động sản phục hồi.