Anh linh liệt sĩ

Nguyễn Năng Lực
07:06 - 26/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, anh linh các liệt sĩ đã hóa thần trong tâm thức dân gian, phù trợ cho dân, cho nước mỗi khi sơn hà nguy biến.

Bức thư tiên tri của người liệt sĩ trẻ

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) hy sinh ngày ngày 2/1/1973. Trước khi nhập ngũ, anh là sinh viên năm thứ tư Khoa Hầm cầu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị khi vừa làm đám cưới với chị Đặng Thị Xơ chỉ 6 ngày.

Tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị còn lưu trữ bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại 50 năm trước. Anh viết bức thư này vào ngày 11/9/1972, trước ngày anh hi sinh đúng 3 tháng 20 ngày. Ngày anh hi sinh cũng là ngày kỉ niệm tròn một năm anh cưới vợ. 

Trong thư, anh đã dự cảm ngày mình hi sinh cũng như nơi anh sẽ ngã xuống, địa điểm đồng đội chôn cất mình. Mọi dự cảm đều được anh viết rất chi tiết trong bức di thư. Nhờ vậy mà gia đình đã tìm được hài cốt của anh sau 30 năm lưu lạc (1972 - 2002).

Và chị Đặng Thị Xơ, vợ anh, cũng đã chờ chồng tròn 30 năm đằng đẵng.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và bức thư tiên tri. Ảnh: Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Trong thư, anh viết: "Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này... 

Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam, lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn...".

Bức thư liệt sĩ gửi từ đại ngàn Tây Nguyên về Thủ đô

Chiều 23/7, tình cờ đọc được trên trang cá nhân của một người đồng nghiệp cũ về mẩu tin: Lá thư trong lọ penicicline thả xuống dòng suối giữa đại ngàn Tây Nguyên đã đến tay người mẹ ở Hà Nội, tôi gọi điện cho bạn và được xác nhận đó là sự thật.

Người gửi lá thư trong lọ thủy tinh thả xuống dòng suối giữa núi rừng Tây Nguyên ấy chính là cậu ruột của đồng nghiệp tôi, liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng.

Anh linh liệt sĩ - Ảnh 2.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. Ảnh: TL

Câu chuyện về liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng đã được báo chí, đài truyền hình nhắc đến nhiều. 

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng năm 1951, ở số nhà 11B Trần Quốc Toản. Vừa học xong cấp 3 phổ thông vào năm 1969, anh lên đường ra trận. Anh đã hi sinh vào năm 1971 tại chiến trường Kon tum khi vừa bước qua tuổi 20.

Trong hai năm 1969, 1971, anh đã gửi về gia đình 60 lá thư. Những lá thư chất chứa nỗi nhớ mẹ, nhớ người thân và trên hết là quyết tâm đánh giặc cho đất nước thống nhất, bình yên.

Ra trận với tình yêu trong trẻo và lòng căm thù giặc xâm lược, tình cảm trong những bức thư của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng là tiếng nói của một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, tận hiến tuổi xuân cho Tổ quốc.

Điều kì diệu là bằng một cách nào đó những thông điệp trên mảnh giấy bỏ trong lọ thủy tinh, thả xuống suối giữa đại ngàn Tây Nguyên đạn bom ác liệt, lại vượt qua hàng nghìn cây số để về ngôi nhà thân yêu của người lính trẻ ở Thủ đô.

Quà của Liệt sĩ

Liệt sĩ Doãn Văn Cố sinh năm 1945. Anh nhập ngũ năm 1965, hi sinh năm 1968 tại chiến trường Lào.

Tháng 12/2012, tôi có dịp cùng anh em cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ, vào Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) đưa hài cốt liệt sĩ Doãn Văn Cố về quê tại xã Liên Minh, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Anh linh liệt sĩ - Ảnh 3.

Thành kính tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Độc lập - Tự do của Tổ quốc. Ảnh: N.L

Trước khi tôi đi, vợ tôi ra chợ Nghĩa Tân mua một bộ mã quân phục có đủ mũ, sao, quân hàm quân hiệu, dặn: "Vào trong ấy, anh hóa biếu bác Cố bộ quần áo đi đường".

Trên đường thiên lý vào Quảng Trị, bà Ngọt, em gái liệt sĩ Doãn Văn Cố nói chuyện như khoe: "Đêm qua, bác Cố về bảo em: "Tao chẳng còn gì đâu, còn mỗi đốt xương bằng ngón tay thôi".

Nửa đêm, nghĩa trang tối đen như mực, tưởng như có thể xắn ra từng mảng bóng đêm. Lạ một điều, không ai có cảm giác lạnh lẽo thường thấy ở những nghĩa trang. Người nhân viên ban quản lý nghĩa trang nâng cái tiểu sành đựng hài cốt liệt sĩ lên, đưa tay vào kiểm tra rồi thốt lên: "Bác ấy chỉ còn mỗi mẩu xương bằng đốt ngón tay".

Tất cả lạnh người, còn bà Ngọt òa lên khóc nức nở. 

Giáp Tết năm ấy, tôi được anh bạn mang đến mấy quả bưởi, bảo: "Bác Cố gửi để cảm ơn anh". Thì ra, sau khi đưa bác Cố về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, gia đình làm lễ cúng. Bác Cố "về", nhập vào một cháu gái trẻ người làng bên tình cờ đi qua ghé vào xem. Bác dặn: "Các em, các cháu nhớ phải cảm ơn bác cựu chiến binh. Bác ấy lặn lội vào tận nơi đưa anh về. Bác gái lại còn gửi quần áo cho anh đấy".

"Thằng Ưng nó về đấy"

Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Ưng (quê xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương, Thái Bình) là sinh viên Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh nhập ngũ vào đơn vị c75, d127, e282, f375 Quân chủng Phòng không. Anh hi sinh tháng 12/1972.

Trong trận chiến đấu ác liệt đánh trả máy bay B-52 Mỹ tại "cảng nổi miền Bắc" Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn, tháng 12/1972, B-52 ném bom hủy diệt trận địa đơn vị tôi bốn đêm liền. 

Tại đây, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Ưng và tám  đồng đội của chúng tôi đã hi sinh, được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. 

Sau này, gia đình đã đưa Ưng về Nghĩa trang Liệt sĩ cụm Vũ Quý, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Từ đó, mỗi lần có việc về Thái Bình, tôi đều đến thắp hương cho bạn.

Anh linh liệt sĩ - Ảnh 4.

Mộ Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Ưng. Ảnh tư liệu của Năng Lực

Năm 2016, chúng tôi về Kiến Xương thay lại tấm bia mộ Ưng bị mờ. 

Khi công việc xong xuôi, chúng tôi về nhà, thăm bà mẹ Ưng và gia đình. Đang ngồi nói chuyện, bỗng cánh cửa sổ tường phía sau rơi xuống đất. Anh bạn đồng môn, đồng ngũ Phạm Việt Long chợt bảo: "Thằng Ưng nó về đấy. Có phải trước đây ở đó có ngõ vào nhà không?". Cả nhà công nhận chỗ cửa sổ nhìn ra, trước đây là con ngõ mà anh Ưng hay đi về.

Lại chợt nhớ có lần về Thái Bình, vào thắp hương cho bạn, khi một que hương bị tắt, tôi lấy bật lửa châm lại, chợt thấy que hương rung tít. Có người bảo: "Ông bạn hài lòng đấy".

Cô y tá Đường 20 Quyết Thắng

Một lần vào thăm Hang Tám Cô trên Đường 20 Quyết Thắng tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trời hôm đó mưa phùn khiến con đường trở nên lầy lội. 

Thắp hương nơi Đền thờ liệt sĩ xong, khi chúng tôi chuẩn bị ra về, chợt anh bạn Ngô Long, đồng nghiệp báo Quảng Bình đưa chúng tôi đi. Anh bảo: "Anh ơi còn Hang Cô y tá bên trong, cách đây hơn 2 cây số. Ta vào thắp hương đi anh. Cô y tá thiêng lắm".

Anh em thấy trời đã muộn, lại mưa phùn, đường lầy khó đi nên có ý bàn lùi. Anh Ngô Long lại bảo tôi: "Nếu vậy thì mình anh là trưởng đoàn, thay mặt anh em vào, em sẽ mượn xe máy của bảo vệ đưa anh đi". 

Đang còn ngần ngại thì một thành viên trong đoàn bảo: "Ông to con quá, thằng Long khó đèo, để tôi đi thay cho".

Thế rồi trên đường về, lẽ ra phải rẽ vào đường 15 về Đồng Lộc thì xe cứ chạy thẳng, quá 30 cây số mới biết lạc đường, phải quay lại.

Anh em bảo: "Cô y tá giận đấy".

Năm sau, tôi cùng các bạn vào Quảng Bình, đến Hang Cô y tá, thành tâm xin chị xá lỗi cho.

Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, anh linh các liệt sĩ đã hóa thần trong tâm thức dân gian, phù trợ cho dân, cho nước mỗi khi có biến.

Anh linh các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc vẫn sống mãi với quê hương, đất nước, với đồng bào, người thân. Các anh, các chị sống mãi trong tình cảm, tâm tưởng của những người hôm nay và các thế hệ mai sau.

Người còn sống hôm nay tự hứa với lòng mình: Phải sống, làm việc sao cho khỏi phụ công lao anh linh các liệt sĩ!

Nguồn: Tổng hợp