2 đối tượng lĩnh án gần 20 năm tù vì vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã ngoại lai
Mới đây, 2 đối tượng tại Cao Bằng và Hưng Yên đã lĩnh án gần 20 năm tù vì vận chuyển, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã ngoại lai.
Theo đó, ngày 29/11/2024 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Vinh (Nghệ An) đã tuyên phạt đối tượng Chảo A Lai (sinh năm 1992, trú tại xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) 10 năm 9 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" theo quy định tại Khoản 1 Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Bộ luật hình sự) và tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật hình sự.
Trước đó, ngày 15/4/2024, đối tượng Chảo A Lai bị lực lượng chức năng phát hiện có hành vi vận chuyển trái phép 416 cá thể động vật hoang dã chủ yếu là các loài rùa, kỳ đà, rắn ngoại lai (không có phân bố tự nhiên ở Việt Nam). Chảo A Lai khai nhận được thuê 15 triệu đồng để chở "hàng" từ Hà Tĩnh về Hà Nam.
Tại Cao Bằng, trung tuần tháng 11/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng đã xử phạt đối tượng Nguyễn Hữu Hạ (sinh năm 1987, trú tại xã Minh hoàng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo quy định tại Khoản 1 Điều 234 BLHS và tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật hình sự.
Đối tượng Nguyễn Hữu Hạ đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Cao Bằng phát hiện và bắt giữ vào giữa tháng 3/2024 khi đang vận chuyển 392 cá thể động vật hoang dã ngoại lai, chủ yếu là các loài rùa, rắn.
Hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù
Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), việc phát hiện, bắt giữ và xử phạt nghiêm minh các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép loài ngoại lai như Chảo A Lai và Nguyễn Hữu Hạ có ý nghĩa răn đe lớn, cho thấy pháp luật sẽ không khoan nhượng với các vi phạm về động vật hoang dã nói chung và vi phạm liên quan đến loài ngoại lai nói riêng.
Cũng theo ENV, thời gian vừa qua, hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã ngoại lai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nước ta, chủ yếu để phục vụ mục đích nuôi làm cảnh của một bộ phận người dân.
Chỉ riêng năm 2023, ENV đã ghi nhận hơn 316 vụ vi phạm với khoảng 19.320 cá thể động vật hoang dã ngoại lai bị buôn bán hoặc nuôi nhốt. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đa dạng sinh học của Việt Nam, công tác bảo tồn, bảo vệ loài nguy cấp trên toàn cầu cũng như rủi ro lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép loài ngoại lai tại Việt Nam, theo ENV, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại khu vực biên giới cũng như kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ngoại lai. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có các giải pháp về chính sách để quản lý hiệu quả hoạt động buôn bán, nuôi nhốt loài ngoại lai nhằm kiểm soát và giảm thiểu mối nguy hại từ sự xâm nhập, phát tán của các loài ngoại lai vào Việt Nam.
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017) và/hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức hình phạt tối đa lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 21, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google