15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng năm 2022, cần mọi nỗ lực để tránh thảm họa khí hậu

Lan Dương
17:33 - 08/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dự kiến, con số này sẽ tăng lên khi có nhiều quốc gia báo cáo về số ca tử vong do nắng nóng vượt mức lịch sử. Đã đến lúc các quốc gia cần thực hiện mọi nỗ lực để tránh thảm họa khí hậu.

15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng năm 2022, cần mọi nỗ lực để tránh thảm họa khí hậu - Ảnh 1.

Người dân che nắng bằng ô trong ngày hè nắng nóng ở Cologne, Đức. Ảnh: Reuters

Sóng nhiệt giết chết con người

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở châu Âu, sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người do nguyên nhân thời tiết. Nhiệt độ quá cao cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, hô hấp, mạch máu não, tiểu đường.

Dựa trên dữ liệu quốc gia được gửi cho đến nay, ước tính có ít nhất 15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng vào năm 2022. Trong số đó, gần 4.000 người tử vong ở Tây Ban Nha, hơn 1.000 người ở Bồ Đào Nha, hơn 3.200 người ở Vương quốc Anh và khoảng 4.500 trường hợp tử vong ở Đức đã được báo cáo bởi các cơ quan y tế trong 3 tháng mùa hè 2022.

Dự kiến, con số này sẽ tăng lên khi có nhiều quốc gia báo cáo về số ca tử vong do nắng nóng vượt mức lịch sử.

Hơn 11.000 người đã chết trong khoảng thời gian từ ngày 1/6-22/8/2022 so với cùng kỳ năm 2019 - năm cuối cùng trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Những con số này "có thể được giải thích bởi đợt nắng nóng xảy ra vào giữa tháng 7, sau đợt nắng nóng ban đầu vào đầu tháng 6/2022".
Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE)

15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng năm 2022, cần mọi nỗ lực để tránh thảm họa khí hậu - Ảnh 3.

Nắng nóng và biến đổi khí hậu đang đe dọa sự sống của con người. Ảnh: Time.news

Châu Âu - khu vực ấm lên nhanh nhất trên Trái Đất

Nhiệt độ ở châu Âu đã ấm lên đáng kể trong giai đoạn từ 1961–2021, với tốc độ trung bình khoảng 0,5°C mỗi thập kỷ.

Theo một báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đưa ra trong tuần này, đây là khu vực ấm lên nhanh nhất trên Trái Đất.

Nhiệt độ khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng của hơn 148.000 người ở khu vực Châu Âu trong 50 năm trước. Vậy mà chỉ riêng trong năm nay, nắng nóng cực đoan đã cướp đi tính mạng của ít nhất 15.000 người khác.

Năm 2021, các hiện tượng thời tiết và khí hậu có tác động lớn dẫn đến hàng trăm người thiệt mạng và ảnh hưởng trực tiếp đến hơn nửa triệu người trên khắp thế giới. Khoảng 84% các hiện tượng thiên tai này là lũ lụt, bão.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Trong những thập kỷ tiếp theo, mức độ phơi nhiễm ngày càng tăng và tính dễ bị tổn thương đối với sóng nhiệt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác sẽ dẫn đến nhiều bệnh tật và số ca tử vong hơn trừ khi các quốc gia thực hiện các biện pháp thực sự quyết liệt để thích ứng và giảm thiểu để đối phó với biến đổi khí hậu.

Điều đó có nghĩa là làm cho hệ thống y tế và xã hội phù hợp để đối mặt với tương lai phía trước. Các kế hoạch hành động bảo vệ sức khỏe con người trước sóng nhiệt là rất quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ cộng đồng khỏi tử vong và bệnh tật liên quan đến nhiệt…

15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng năm 2022, cần mọi nỗ lực để tránh thảm họa khí hậu - Ảnh 4.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres phát biểu tại Hội nghị COP27. Ảnh: UN

Cần mọi nỗ lực để tránh thảm họa khí hậu

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập ngày 7/11, trước hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới trong phiên họp toàn thể đầu tiên của COP27, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh trái đất đang tiến nhanh đến các điểm tới hạn có thể khiến tình trạng "hỗn loạn khí hậu" không thể đảo ngược.

Theo ông António Guterres, hoạt động của con người là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề khí hậu. Vì vậy, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi cần có một hiệp ước giữa các nước phát triển và đang phát triển về giảm lượng khí thải carbon, chuyển đổi hệ thống năng lượng nhằm tránh một thảm họa khí hậu.

Hiệp ước này yêu cầu tất cả các quốc gia phải nỗ lực hơn nữa để giảm lượng khí thải trong thập kỷ này phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C. Các quốc gia giàu có hơn và các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của riêng họ. Đồng thời, chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ dần sử dụng than ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2030 và các nước khác vào năm 2040.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc có vai trò đặc biệt quan trọng để biến hiệp ước này thành hiện thực. Đây là hy vọng duy nhất để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh "cuộc chiến khí hậu toàn cầu" sẽ thắng hay thua trong thập kỷ quan trọng này.

Ngày 7/11, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), các nhà lãnh đạo từ gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ra mắt Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán.

Liên minh được thành lập theo đề xuất của Senegal và Tây Ban Nha. Đây được xem là một trong những giải pháp cụ thể của Liên hợp quốc nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo tuyên bố, một trong số những mục tiêu chính của liên minh là thúc đẩy hợp nhất các sáng kiến khu vực, nhằm chia sẻ nhanh chóng việc đổi mới, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực.

Liên minh cũng sẽ hợp tác với các nền tảng khác, bao gồm sáng kiến do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổ chức Khí tượng Thế giới đưa ra, nhằm đạt được mức độ bao phủ toàn diện của các hệ thống cảnh báo sớm và các sáng kiến khu vực, nhằm đạt được những lợi ích tối đa khi cùng hợp tác về khả năng chống chịu hạn hán.

Nguồn: WHO, UN, COP27
Bình luận của bạn

Bình luận