10 giờ sáng Chủ nhật (kỳ 1)
"10 giờ sáng Chủ nhật" là seri tản văn mà tác giả - nhà báo Tô Phán- chia sẻ tới bạn đọc Công dân & Khuyến học. Qua đó, ta biết thêm những câu chuyện có nhiều góc khuất về con người, về nghề, về mưu sinh ...cứ đan xen khiến cho ta phải suy tư...
10 giờ sáng Chủ nhật
Hiện nay, một đứa trẻ nếu có trong tay cái điện thoại thông minh (chỉ cần loại tầm tầm) và nếu không bị cha mẹ kiểm soát, nó có thể đi lạc vào thế giới mênh mông những lựa chọn giải trí đầy hấp dẫn nhưng ma mị, lôi cuốn nhưng đầy cạm bẫy. Một khi đi lạc, đứa bé rất dễ bị "bốc hơi" tâm tưởng khỏi thực tại. Đó là chưa nói đến cả trăm kênh tivi, trăm ngàn lễ hội, trăm ngàn trò chơi lôi cuốn khác...
Còn thời thanh niên của lứa chúng tôi sinh ra trong những năm "Chào 61 đỉnh cao muôn trượng" thì lấy đâu ra "vài thứ" (chưa nói đến "nhiều thứ") để lựa chọn giải trí. Thời ấy, phát thanh (mà người ta quen gọi là "Đài") là số 1, nhất là ở vùng quê. Ngày cuối tuần không chỉ vùng nông thôn, hay xứ đô thị tỉnh lẻ mà cả các thành phố lớn, đài phát thanh trở thành kênh tin tức, giải trí chủ lực và hoàn toàn không có đối thủ.
Vào một buổi sáng ở Ga Hàng Cỏ, tôi đang chờ tàu về quê đón Tết với cha mẹ và các em. Âm thanh từ những chiếc loa phóng thanh chĩa ra các hướng như cố lấn át thứ âm thanh hỗn độn của người đi tàu chợ có vé hoặc không, đang chen lấn, xô đẩy để lao vào ga.
Ai đã chứng kiến thứ âm thanh của đám đông khi tranh giành một thứ gì đó đều thấy nó đáng sợ thế nào. Một thứ âm thanh vô hướng, vô chính phủ đầu độc thần kinh và đe dọa bất cứ ai yếu sức khỏe thể chất, yếu sức khỏe tâm thần. Trong khi đó những chiếc loa phóng thanh công suất lớn vẫn nhẫn nại phát đi thông báo của nhà ga về lộ trình những chuyến tàu; tiếp sau đó là tin tức, giải trí của đài phát thanh quốc gia.
Ước mơ về chương trình "10 giờ sáng Chủ Nhật"
Chuyến tàu chợ lăn bánh, ai không kịp lên phải ngồi lại chờ chuyến sau. Lúc ấy là 10 giờ sáng Chủ Nhật, chương trình Câu chuyện truyền thanh từ những chiếc loa phóng thanh bắt đầu. Âm thanh từ những chiếc loa to như bông hoa loa kèn khổng lồ thực sự là thứ âm thanh uy lực. Bài hát, câu thoại trong hoạt cảnh kịch truyền thanh không biết sẽ lọt vào tai mọi người bao nhiêu phần trăm, nhưng sự nhẫn nại của những chiếc loa phóng thanh thì thật là vô đối. Nó bất chấp nắng mưa, bất chấp tiếng la ó khi đám đông chen lấn...
Tôi trở nên bé nhỏ, mỏng manh giữa đám đông ở sân ga. Hôm qua là ngày làm thợ mộc cuối cùng sau một năm kiếm cơm hàng ngày ở xưởng sản xuất tư nhân của ông nhà báo kiêm nhà thầu đồ gỗ. Tôi không cần cố gạt những âm thanh hỗn độn của đám đông. Bởi vì, từ những chiếc loa phóng thanh, âm thanh của nhạc, của những đoạn đối thoại lúc thì mạnh mẽ, sang sảng, lúc lại thầm thì sâu lắng, lúc thổn thức, lúc dồn dập, lúc xa vắng..., cứ tự nhiên lọt hết vào tai như bị thôi miên.
Kỳ lạ thay, trước mắt tôi đám đông như biến mất, tiếng la ó chìm vào thinh không. Chỉ còn tôi và câu chuyện truyền thanh nức nở về mối tình oan trái của một chàng trai, rồi chàng trai ấy vượt lên số phận lang thang cơ nhỡ để tìm được việc làm, sống có ích cho gia đình, cho xã hội. Tôi mụ người đi. Nước mắt tuôn trên khuôn mặt chàng trai 24 tuổi tốt nghiệp đại học danh giá đã hai năm rồi nhưng chỉ hàng ngày cắm mặt vào cưa đục để kiếm cơm qua ngày.
Mơ ước mình sẽ là tác giả kịch bản những câu chuyện truyền thanh trong chương trình Câu chuyện truyền thanh phát sóng lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật vụt đến. Nó như luồng ánh sáng rực rỡ bùng lên trước mắt. Sau đó một thứ âm thanh reo vang có tiết tấu như bản hùng ca, nhảy múa trong đầu. Sao có thể có một thứ quyền lực như vậy? Thứ quyền lực của âm thanh làm cho tôi quên đi thực tại hèn mọn của mình. Mơ ước của con người bắt nguồn từ những khao khát trong nhiều tháng nhiều ngày, nhưng có khi nó chỉ vụt đến trong tích tắc, rồi neo đậu, bám riết.
Mơ ước trở thành người làm ra những câu chuyện cảm động trên làn sóng đài phát thanh quốc gia vào 10 giờ sáng Chủ Nhật đến với tôi trong khoảnh khắc hi hữu như vậy đấy.
Vật vã mưu sinh...
Làm thợ mộc ở xưởng của ông nhà báo kiêm chủ thầu đồ gỗ được gần 2 năm để chờ xin việc làm, tôi đã sắm cho mình một bộ đồ nghề không thiếu thứ gì mà thợ mộc chuyên nghiệp cần có.
Khách hàng của ông chủ xưởng hầu hết là nhà báo, là công chức. Họ thấy tôi chăm chỉ, hiền lành, chỉ cặm cụi tỉ mẩn chế tác các bộ bàn ghế, tủ gường nên muốn tôi ra nhà họ đóng gường, tủ, chạn bát, bàn học cho con, cao hơn là đóng tủ gỗ lát cánh cong 3 buồng hoặc bộ salon nan kéo ra thành giường ngủ. Họ hứa, khi làm xong sẽ giới thiệu cho tôi người có quan hệ để xin việc làm. Họ được biếu gỗ, hoặc mua gỗ từ nhiều năm gác trên trần nhà đến khô kiệt mà không dám đưa ra xưởng mộc thuê đóng đồ. Lý do rất đơn giản: sợ người khác biết nhà mình có nhiều gỗ, sợ bị các xưởng lừa đổi gỗ tốt thành gỗ kém chất lượng.
Tôi phát hiện ra khe hẹp của nghề mộc, dù không có tiền công nhưng bù lại là có chỗ ăn, chỗ ngủ, tắm giặt; và quan trọng hơn là sau đó sẽ được giới thiệu tới người có thể giúp mình có việc làm.
Thế là có đợt nửa tháng, có đợt một tháng, tôi ở trong nhà những ông anh, bà chị mới quen, miệt mài cưa đục. Cả tháng không ra khỏi nhà chỉ vì cả ngày làm việc cật lực, tối đến mệt quá nằm vật xuống chiếc giường đơn hoặc cái đệm trải ngay bên đống gỗ là thiếp đi đến sáng. Thế giới của tôi chỉ là căn nhà của người chủ, là đống gỗ sần sùi, là phoi bào, mùn cưa, không điện thoại, không thư từ. Giao tiếp với tôi chỉ là chủ nhà, vài người hàng xóm và một hai người thợ mộc gần đó đến làm quen nhưng thực ra là dò xét và không giấu nổi ánh mắt bực tức vì bị cạnh tranh. Có ông thợ mộc nói như đe dọa: "đúng ra tôi phải là người đóng đồ cho nhà này đấy".
Xong một đợt nhốt mình trong thế giới hẹp nhiều khi rất đơn điệu và nhàm chán, tôi xách túi đồ nghề ra khỏi nhà chủ. Đường phố Hà Nội bỗng khác lạ. Khi bị tách biệt dài ngày khỏi thế giới quen thuộc của mình, con người ta sẽ dễ mất đi ý niệm về thời gian, nguồn gốc, thậm chí bi kịch hơn là không còn nhớ mình là ai.
Có những thời điểm khi xung quanh chỉ là gỗ, tủ gường, bàn ghế mà mình làm ra, tôi đã không có ý niệm rằng mình là ai, không nhớ mình là cử nhân văn chương của một trường đại học danh giá nhất nước thời đó. Tôi có biến mất cũng không ai biết, như một hòn sỏi cô đơn bị ném xuống mặt hồ mênh mông, chỉ bắn lên chút nước nhỏ nhoi rồi biến mất tăm dưới đáy hồ. Tôi ra phố sau một tháng như vậy, nhìn những dòng người đạp xe mải miết kiếm sống trên đường, niềm khát khao vốn đã chết lâm sàng bỗng trỗi dậy. Phải xin được việc làm, không thể quay về quê trong vô vọng!
Anh A/chị B hài lòng với sản phẩm đồ gỗ do tôi đóng. Từ đống gỗ khô kiệt gác mái nhiều năm nay trở thành những chiếc tủ bóng lộn, hàng xóm sang chơi uống nước chè và hút thuốc lào vặt, khen nức nở nhưng không giấu được ganh tị đã làm cho chủ nhà sướng âm ỉ. Thế là chủ nhà giới thiệu tôi với một người bạn nào đó. Và hành trình nhốt mình trong căn nhà lạ với đống gỗ cả tháng trời lại bắt đầu. Cứ thế, tôi đã làm cho cả chục căn nhà sáng bừng lên bởi màu cánh gián của những bộ bàn ghế, tủ gường.
Hai bàn tay tôi sần sùi vì sẹo, những cục chai cứng như sỏi, thâm đỏ như màu bã trầu do dính véc ni. Nhưng cuộc sống dù bi kịch thế nào cũng có những giá trị của nó. Những đợt cách ly khỏi thế giới ngoài kia, tôi đã chứng kiến không ít chuyện vui buồn của chủ nhà, để tự mình thấy được giá trị sống.
Đại đa số vợ chồng chủ nhà, bố mẹ, con cái và cả họ hàng của họ thấy một cậu thanh niên gầy gò miệt mài làm thợ, không tham gia chuyện gia đình họ, duy chỉ đôi mắt không hề nhụt chí, nên có vẻ yêu quý. Có chủ nhà là nhà báo cho tôi đi ké vào ngày chủ nhật về quê như một món kèm trong bữa bia vỉa hè. Lần đầu tiên được một nhà báo cho ngồi trên chiếc Lada cũ nát của một cơ quan báo chí mà tiếng kêu của nó lấn át tiếng động của đám đông trên đường, tôi thấy mình thật vinh hạnh. Anh chủ nhà chém gió phần phật trên bàn ăn mà món sang nhất là chân giò lợn luộc và cá rô đồng rán nửa mềm nửa giòn. Những món này với ông ấy là quá bình thường, nhưng với cậu thợ mộc như tôi thì đó là sơn hào hải vị. Ăn những món ngon nhưng tôi không quên căng mắt nhìn, căng tai nghe. Anh ấy phỏng vấn quan chức địa phương ngay trên bàn ăn với giọng đầy quyền lực, bày mưu tính kế đánh người này, nện người kia, chiếm đoạt tài liệu này, hủy tài liệu kia... Lúc về, trên xe Lada cũ nát rộn ràng những chiếu cói, lạc nhân, gạo nếp, cá chép, vài cân thịt vai...
Có vợ chồng anh chủ nhà nhờ tôi đón con đi học về rồi cho bé ăn, vì chồng thì "bận họp", vợ thì "bận tăng ca". Tôi đạp chiếc xe đạp cà mèng đi đón cô bé con của chủ nhà. Trên đường về, con bé học lớp 3 đòi tôi chở đi chơi công viên. Đi trên đường tôi nhìn thấy trong quán phở gà anh chủ nhà ngồi ăn với một người phụ nữ tóc "phi dê". Vừa ăn, anh ấy vừa đưa tay vuốt lọn tóc xoăn điệu đà, vuốt má người phụ nữ một cách si mê. Tôi phải đạp xe qua nhanh để con bé ngồi sau không thấy bố nó.
Hôm khác, chị chủ nhà nói hôm nay nhiều việc phải ở lại cơ quan muộn, nhờ tôi đi đón con. Con bé lại đòi tôi chở đi công viên chơi. Trên đường về tôi vô tình nhìn thấy chị chủ nhà đi chiếc xe "đi a măng" dóng xuôi song song với một người đàn ông đẹp trai. Họ nhìn nhau đắm đuối, thi thoảng người đàn ông buông một tay khỏi ghi đông xe đưa sang vuốt má âu yếm chị chủ nhà. Họ nhìn ngó trước sau rồi rẽ vào một ngõ sâu. Con bé ngồi sau xe cứ bi bô kể chuyện bạn bè ở lớp lấy mất thước kẻ mới mua mà không biết mẹ đang phản bội bố. Tối ấy chị chủ nhà về rất muộn. Lúc đó tôi mới hiểu rõ câu "ông ăn chả, bà ăn nem" là thế nào. Suốt một tháng làm thợ ở nhà anh chị ấy, tôi không hề hé răng về những gì nhìn thấy. Cả đến tận bây giờ - hơn 40 năm đã qua - cũng vậy.
Một gia đình khác mà tôi đến ăn ngủ ở đó cả tháng để đóng giúp tủ gường. Ông chủ nhà là một quan chức cấp phó ở một viện nghiên cứu, mà theo tôi có cái viện ấy hay không cũng không sao. Ông ấy hói đầu, già nua như chính cơ quan nhợt nhạt của ông ấy. Người vợ là một người phụ nữ trẻ hơn chồng khoảng mười mấy tuổi. Chị ấy nhỏ nhắn, trắng trẻo, đôi mắt thì đượm buồn. Chị vốn là cô gái ở quê học hết cấp 3 lên Hà Nội lấy chồng già người cùng làng. Chị làm việc nhà nhanh nhẹn, chính xác và dứt khoát như một chiến binh. Nhà ở gác 3 của một căn biệt thự cổ mà chị ấy hai tay hai xô nước hứng từ vòi tầng một thoăn thoắt leo qua 3 tầng cầu thang vừa dốc, vừa hẹp mà cứ như không. Chị ấy tận tụy chăm con nhỏ, chăm ông chồng già cũng dứt khoát như xách nước vậy.
Có những khác biệt giữa các gia đình mà nhiều người không hình dung được. Một tuần có ba tối chị chủ nhà đi nhảy đầm, cứ đều như vắt tranh. Ba tối, trong đó có một tối hai vợ chồng chị cùng đi. Hai đứa trẻ ở nhà không yên tâm, nên anh thợ mộc là tôi được nhờ chở chúng bằng xe đạp cùng vợ chồng chủ nhà đến sàn nhảy, kiêm luôn người trông trẻ. Chị chủ nhà đi những bước nhảy phải nói là rất phiêu, phiêu đến mức tôi không nghĩ trước đây không lâu chị là cô thôn nữ vừa học hết cấp 3. Ông chồng mới tập nhảy nên lúng túng và tỏ vẻ khó chịu, nhiều khi dẫm vào chân vợ. Tối lần sau, ông chủ không đi nhưng nhờ tôi chở 2 đứa con nhỏ cùng chị chủ nhà đi nhảy. Có vẻ như ông chủ nhà muốn sự có mặt của tôi ở đó. Một người đàn ông trung niên, từ bộ quần áo đến phong thái đều tỏ ra lịch thiệp nhảy với chị chủ nhà suốt cả buổi tối. Họ quấn lấy nhau nhảy hết điệu này sang điệu khác. Nhìn họ nhảy, ôm eo, tay cầm tay, tựa vào nhau, mắt nhìn nhau đắm đuối, tôi tin chắc rằng đó là đôi tình nhân. Chắc rằng ông chủ già biết chuyện vợ có tình nhân nhưng không làm ầm lên. Họ vẫn đối đãi với nhau như khách. Người ngoài nhìn vào vẫn nghĩ rằng họ rất hạnh phúc. Sau này tôi mới biết, ông chồng không có khả năng sinh con, và đương nhiên 2 đứa bé không phải là con ruột của ông ấy...
Tôi làm thợ ở nhà một người anh vừa được giới thiệu, vợ chồng chủ nhà tốt tính, nhưng mẹ anh ấy là vợ của một quan chức, lại rất khó tính. Bà mẹ khoảng trên 60 tuổi, ăn vận sang trọng, cầu kỳ, gương mặt đẹp nhưng ánh mắt lại lạnh lẽo, cô độc. Hàng ngày cưa đục nhưng tôi luôn cảm giác có ánh mắt ai đó cứ theo dõi mình. Một lần tôi giật mình quay đầu nhìn lại bắt gặp ánh mắt của bà lạnh tanh, chứa đựng một tinh thần cảnh giác cao độ. Tôi hiểu rằng bà ấy đang canh chừng một cậu trai nhà quê sẵn sàng thó cái gì đó. Từ gian bếp nơi đang đánh vật với khúc gỗ to và dày, tôi đi lên phòng khách tìm nước uống. Bà lặng lẽ đi theo với ánh mắt vừa kênh kiệu vừa khinh khi và cảnh giác. Lúc đó tôi muốn ngay lập tức rời khỏi ngôi nhà này.
Anh chủ nhà năn nỉ tôi cố đóng xong cái tủ gỗ lát cánh cong rồi sẽ giới thiệu chỗ xin việc làm. Tôi đành nhẫn nhục hơn một tuần nữa mới rời đi. Cảm giác tủi nhục đó cho đến cả vài chục năm sau tôi vẫn còn bị ám ảnh…
(xem tiếp kỳ sau)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google