Yếu tố con người có vai trò quyết định cho thành công trong chuyển đổi số
Những năm gần đây, thuật ngữ chuyển đổi số đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Chuyển đổi số khác gì với các khái niệm tin học hóa và ứng dụng công nghệ thông tin? Cùng với việc đó, cũng cần phải đề cập đến một yếu tố hết sức quan trọng là con người trong tiến trình chuyển đổi số.
Bàn về những khái niệm cũ và mới trong chuyển đổi số
Với việc tác động khá toàn diện vào đời sống hiện nay, khái niệm chuyển đổi số được sử dụng khá bừa bãi, điều này khiến khái niệm chuyển đổi số bị nhầm lẫn với những khái niệm khác như số hóa và ứng dụng số hóa (digitalization).
Ở những năm đầu của thập niên 1990 và những năm sau đó, khi mà máy vi tính mới xuất hiện thì việc đầu tiên là phải phát triển cộng đồng người sử dụng. Vì thế, các trung tâm tin học thời đó đã mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu này.
Còn với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công việc của họ không chỉ là cung cấp phần cứng, phần mềm và giải pháp mà một việc không kém phần quan trọng là phải đào tạo người sử dụng cho các đối tác, khách hàng của họ. Nói một cách hình tượng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A - nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam thì đào tạo người sử dụng là hết sức quan trọng vì nếu không có người sử dụng thì phần mềm làm ra có tốt đến đâu cũng không bán được cho ai.
Đương nhiên, tất yếu sẽ có người đặt câu hỏi xem tin học và công nghệ thông tin khác nhau như thế nào?
Rất tiếc, vào thời điểm đó không một lãnh đạo nào của Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về công nghệ thông tin chính thức lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Công - nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Tin học Việt Nam, đây là vấn đề mà chính các nước phát triển muốn nâng tầm cho khái niệm tin học (Informatics) nên đã sáng tác ra thuật ngữ công nghệ thông tin (Information Technology). Theo ông, thực tế này chẳng khác gì một vật dụng quen thuộc ngày nay là bút bi khi mới xuất hiện còn được gọi là bút nguyên tử!
Qua thực tế đó, có thể nói tin học hoá hay ứng dụng công nghệ thông tin là thay vì các quá trình lưu trữ, xử lý dữ liệu thủ công thì được chuyển sang hình thức mới do máy tính hỗ trợ. Chính nhờ có quá trình này, có thể lấy ví dụ với việc sản xuất phim hoạt hình dù là vẽ bằng tay nhưng đã giải tán luôn 2 công đoạn thủ công là đi nét, tô màu và quay phim vì các hình ảnh hoạt hình sau khi được quét vào máy tính sẽ được thực hiện một cách nhanh hơn.
Đến nay, lịch sử của công nghệ thông tin Việt Nam đã bước sang một chương mới với các khái niệm số hoá và chuyển đổi số. Và đương nhiên, nếu tìm hiểu trên mạng Internet thì cũng không mất nhiều thời gian để có được định nghĩa chính thức cho các khái niệm này.
Số hóa (Digitization) là quá trình chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số trong đó thông tin được tổ chức thành các bit và byte. Giống như quét một bức ảnh hoặc chuyển đổi một báo cáo giấy thành PDF. Dữ liệu không bị thay đổi - nó chỉ đơn giản được mã hóa theo định dạng kỹ thuật số.
Số hóa có tầm quan trọng rất lớn đối với việc xử lý, lưu trữ và truyền dữ liệu, bởi vì nó "cho phép thông tin của tất cả các loại ở mọi định dạng được thực hiện với cùng hiệu quả và cũng được xen kẽ". Mặc dù dữ liệu được lưu trữ ở dạng vật lý (analog data) thường ổn định hơn, nhưng dữ liệu số có thể dễ dàng được chia sẻ và truy cập hơn và theo lý thuyết, có thể được truyền đi vô thời hạn, không bị mất mát qua thời gian và qua các lần sao chép dữ liệu, miễn là nó được chuyển sang các định dạng mới, ổn định.
Số hóa trong một tổ chức cung cấp một lợi thế để thực hiện mọi thứ nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn. Số hóa có thể gặt hái lợi ích hiệu quả khi dữ liệu số hóa được sử dụng để tự động hóa các quy trình và cho phép khả năng truy cập tốt hơn - nhưng số hóa không tìm cách tối ưu hóa các quy trình hoặc dữ liệu. Từ đó, nó có thể cung cấp lợi nhuận tốt hơn và có nhiều cơ hội sản xuất giá trị.
Còn chuyển đổi số (Digital transformation) là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Khái niệm này được ra đời trong thời đại bùng nổ Internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của toàn doanh nghiệp, ở tất cả những khía cạnh như cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng hoặc thậm chí là tạo ra những doanh nghiệp mới với cách thức hoạt động mới mẻ hoàn toàn.
Chuyển đổi số không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối...
Chuyển đổi số không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu ứng dụng công nghệ thông tin là công việc chủ yếu của giám đốc công nghệ thông tin thì chuyển đổi số lại là công việc chủ yếu của người đứng đầu. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin là số hoá các chức năng cũ của tổ chức, tức là số hoá theo chiều dọc, nó không đòi hỏi phải thay đổi nhiều về các qui trình hoặc vận hành của tổ chức, thì chuyển đổi số là số hoá theo chiều ngang, là số hoá toàn bộ tổ chức, và tiếp theo là thay đổi qui trình, cách vận hành của tổ chức. Do vậy, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra các thể chế số.
Ở góc độ xã hội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam cho biết, chuyển đổi số dựa trên công nghệ số nhưng công nghệ số chỉ là công cụ, không phải là cái quyết định chuyển đổi số thành công hay không.
Một quốc gia hay doanh nghiệp, tổ chức có chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào 3 điều theo thứ tự ưu tiên:
(1) Thể chế, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu - chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế.
(2) Nguồn nhân lực bao gồm cả chuyên gia về công nghệ thông tin lẫn con người phải có kỹ năng số, cả người dân sử dụng dịch vụ lẫn doanh nghiệp, sản xuất.
(3) Hạ tầng số mà trong đó dữ liệu và kết nối là hai điểm then chốt của hạ tầng số, là "hạ tầng của hạ tầng". Dữ liệu là cực kỳ quan trọng nhưng nếu không có sự kết nối dữ liệu thì chuyển đổi số rất khó thành công.
Như vậy, trong cả 3 điều kiện nói trên đều hàm ý con người là quyết định mọi chuyện. Con người mà quan trọng là người lãnh đạo sẽ quyết định thể chế, đảm bảo thực thi kinh tế số và xã hội số. Chính con người cũng tạo ra và sử dụng dữ liệu, quyết định dữ liệu được kết nối như thế nào… Nghĩa là trong cả 3 điều kiện nêu trên đều có vấn đề xã hội học.
Yếu tố con người quyết định cho sự thành công
Vào những năm 2000, theo những điều tra không chính thức thì cõ lẽ không dưới 50% giảng viên đại học và chuyên gia ở các viện nghiên cứu (tức là tâm điểm của nền kinh tế tri thức) không có thói quen sử dụng máy tính trong công việc của họ. Hoàn toàn không thể biện bạch là các bậc thầy không có tiền để đầu tư máy tính cho mình được.
Và thậm chí còn có một sự thật là ngay lúc đó, trong nội bộ làng tin học cũng có những con người hoàn toàn "mù vi tính".
Hơn 20 năm đã trôi qua, những con người như vậy đã lần lượt hết vai trò, đã nghỉ hưu chính thức và thế hệ kế cận của họ thì hoàn toàn khác hẳn là không thể thiếu công nghệ thông tin và Internet trong mọi công việc và giao tiếp của mình.
Trao đổi về thực tế này với Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, ông cho biết đây là vấn đề tồn tại thậm chí với ngay cả các nước phát triển. Tuy nhiên, họ có cách làm rất kiên quyết mà điển hình là ở nước Đức thì Thủ tướng Gerdhard Schroeder khi đó đã có một quyết định là buộc các giáo sư phải học sử dụng máy tính với những người dạy là chính các học trò của họ. Chính nhờ mô hình "lớp học xoay vòng" từng là hình thành tự phát mà vấn nạn "mù vi tính" với các giáo sư đã được khắc phục rất nhanh.
Trở lại với thực tế Việt Nam, chuyển đổi số tuy đang diễn ra mạnh mẽ nhưng dù sao cũng đã chậm hơn so với mong muốn chính bởi yếu tố con người. Nói như Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bản thân những người làm công nghệ thông tin cũng chỉ có thể cung cấp và chuyển giao công nghệ, còn có làm chủ được công nghệ hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của các đối tác khách hàng.
Chính vì thế, đã đến lúc không thể chậm trễ hơn là phải có những chương trình hành động về xã hội học cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google