Chuyển đổi số trong nông nghiệp, xu thế tất yếu

Trương Thuý Hằng
15:54 - 11/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tháng 6, nhiều nông sản nhiệt đới vốn là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam đã vào vụ nhộn nhịp đưa lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là vải. Qua 2 mùa đình trệ vì COVID-19, có vẻ các thương nhân đều chung nhận định, chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp không thể đi chệch xu hướng chuyển đổi số.

 - Ảnh 1.

Mùa thu hoạch mận chín ở Pù Nhi, Thanh Hoá. Ảnh TTH

Xu thế tất yếu phải chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội ngày 9/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đều khẳng định làm nông nghiệp công nghệ cao cần áp dụng kinh tế chia sẻ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và không còn phụ thuộc nhiều vào quỹ đất lớn và tập trung như trước đây. 

COVID-19 đã làm thay đổi thói quen giao thương thương mại trong chuỗi sản xuất nông sản, tạo ra một xu hướng tìm đầu ra là đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mua sắm trực tuyến. Nông dân không còn chỉ là những "nông dân tri điền" nữa mà đã biết tận dụng các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội để bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Mô hình "từ hạt giống đến bàn ăn" đã thành công ở các nền kinh tế nông nghiệp tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh nông nghiệp thân thiện với môi trường sinh thái và hỗ trợ phát triển cộng đồng bỗng nhiên không còn xa lạ với nông dân Việt Nam. 

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm 2022, các ban ngành liên quan tại các tỉnh thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Cần Thơ… là các địa phương có vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp đủ lớn đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản bằng thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các địa phương này hiện thực hóa xu hướng chuyển đổi số toàn diện. Ngoài vai trò kết nối của chính quyền địa phương, các nông dân cũng tự vận động, tự hoàn thiện hạ tầng, học thêm kiến thức về chuyển đổi số. Họ chào hàng và tiếp thị trực tuyến một cách thành thạo và chủ động. Ngoài ra, họ còn chủ động sản xuất nông sản hữu cơ, tự hào bán đi các giá trị vượt trội trên cả một sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, họ còn trao giá trị, trao cảm xúc từ người trồng tới người thưởng thức…

Hàng hóa nông sản được chăm chút, chỉn chu, tựa như một món quà của thiên nhiên tới người tiêu dùng theo kênh truyền dẫn internet và hệ thống vận chuyển đa phương tiện, chuỗi logistics hậu cần cung ứng đến tận nơi, tận tay người tiêu dùng. 

 - Ảnh 3.

Nông dân Lý Sơn, Quảng Ngãi thu hoạch hành tím. Ảnh TTH

Cũng trong phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội 9/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định ngoài việc tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có thể tích tụ một loại tài nguyên quý giá và hiện hữu: đó là tài nguyên số hóa.

Vai trò kiến tạo xu thế chuyển đổi số của ban ngành chức năng

Số hoá không cần cánh đồng lớn, không nhọc nhằn với "dồn điền đổi thửa" đất, mà sử dụng kỹ năng mềm số hóa để làm chủ cuộc chơi nông nghiệp công nghệ cao. Bởi lẽ hiện nay, sự phát triển công nghệ đã khiến các mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trở thành dễ dàng, khép kín với vòng quay công nghệ giống, phân bón và thị trường, tiêu thụ đều ở trên sàn thương mại điện tử. 

Hiên thực này dấy lên niềm hy vọng nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Và lúc đó, Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo điều kiện, tạo thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao phát triển. 

Cần hoàn thiện các phương pháp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm. Tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản. 

Muốn thế cần đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính thống, tạo nên sự tin cậy và bảo trợ thông tin từ phía chính quyền địa phương. Có thể giới thiệu các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm, các thông tin về bán hàng và đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho sản xuất nông nghiệp.  

Có thể nói, tương lai của nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chuyển đổi số. Người nông dân sẽ được hưởng lợi từ mỗi xu hướng chuyển đổi số khi họ không còn phải lo ngại về môi trường, từ đó tạo ra giống cây trồng năng suất tốt hơn và khả năng quản lý cây trồng sẽ hiệu quả hơn. 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp, xu thế tất yếu - Ảnh 4.