Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel

Thanh Nguyễn
16:53 - 15/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Xung đột Israel-Hamas bùng phát từ ngày 7/10, khiến hàng nghìn người nước ngoài bao gồm cả du khách bị mắc kẹt. Một trong những nỗ lực phản ứng nhanh được chính phủ và các hãng hàng không trên thế giới sử dụng là thiết lập cầu không vận (airlift), nhằm gấp rúp sơ tán công dân và du khách khỏi "vùng đỏ".

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 1.

Cuộc xung đột mới Israel-Hamas bùng phát từ ngày 7/10, khiến hàng nghìn người nước ngoài bao gồm cả du khách bị mắc kẹt. Ảnh: AP

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 2.

Xung đột Israel-Hamas khiến nhiều công dân và du khách quốc tế đang ở Dải Gaza và Israel phải trở về nước, làm gián đoạn hoạt động du lịch Israel. Ảnh: AFP

Câu hỏi còn bỏ ngỏ với ngành du lịch Israel

NPR (dịch vụ phát sóng công cộng ở Mỹ) ngày 13/10 dẫn nguồn tin từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết: Du lịch là một phần ổn định trong nền kinh tế Israel. Năm 2019 du lịch đóng góp 2,6% GDP cả nước và đem lại 3,8% tổng số việc làm. Dịch COVID-19 đã khiến du lịch Israel suy giảm đáng kể, tới năm 2023 đất nước này vẫn đang cố gắng phục hồi hoàn toàn lĩnh vực này trở lại mức thời trước COVID-19. 

Nhưng cuộc xung đột Israel-Hamas mới nhất bùng phát từ ngày 7/10 đã buộc nhiều hãng hàng không nước ngoài phải hủy chuyến bay đến Tel Aviv, khiến nhiều du khách quốc tế đang ở Dải Gaza và Israel phải trở về nước, làm gián đoạn hoạt động du lịch Israel.

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 4.

Nhiều du khách tập trung tại sân bay Tel Aviv chiều 14/10, chờ đợi chuyến bay sơ tán đến từ Vương quốc Anh. Ảnh: Tim Clarke

Trước nguy cơ xung đột kéo dài, báo Washington Post của Mỹ ngày 12/10 cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel khi "các chuyến bay bị hủy, các địa điểm du lịch đóng cửa và các khách sạn tập trung nỗ lực cứu trợ". Đồng thời những lời kêu gọi cân nhắc lại kế hoạch, thậm chí tạm thời không đi du lịch tới Israel và khu Bờ Tây, đã được nhà chức trách một số nước đưa ra với du khách.

Tuy nhiên trước câu hỏi được cho là còn bỏ ngỏ về tương lai của ngành du lịch Israel, bà Noa Bauer - Giám đốc điều hành tổ chức du lịch giáo dục Taglit-Birthright Israel vẫn phân tích rằng: Còn quá sớm để xác định tác động đối với ngành du lịch, bởi Israel đã trải qua tình cảnh chiến sự và các cuộc xung đột ngắn khác. Xung đột mới này chưa rõ sẽ kéo dài bao lâu, nhưng bà có niềm tin du khách sẽ quay trở lại.

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 5.

Hành khách và du khách quốc tế tại sân bay ở Tel Aviv ngày 13/10, chờ chuyến bay sơ tán khỏi Israel. Ảnh: Tim Clarke

Hiện tại sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv - sân bay lớn nhất và nhộn nhịp nhất của Israel vẫn hoạt động theo kế hoạch. Đồng thời các chuyến bay đến Israel vẫn được phép đưa người Israel, bao gồm cả nhiều du khách trở về nước.

Tuy nhiên theo ứng dụng theo dõi chuyến bay Flightradar24, việc bay ra khỏi Israel khó khăn hơn khi nhiều chuyến bay đến và đi khỏi Tel Aviv bị hủy. Ví dụ như hãng Delta Airlines của Mỹ cho biết sẽ hủy chuyến bay cho đến ngày 31/10. American Airlines đình chỉ hoạt động đến và đi từ Tel Aviv cho đến ngày 4/12. United Airlines cũng đã hủy các chuyến bay thẳng tới Tel Aviv…

Cầu không vận được thiết lập khẩn cấp, sơ tán công dân và du khách sau khi xung đột Israel-Hamas nổ ra

Để hỗ trợ nỗ lực sơ tán công dân và du khách khỏi tình trạng bị mắc kẹt trong cuộc xung đột Israel-Hamas, chính phủ nhiều quốc gia đã nhanh chóng vào cuộc với một trong những biện pháp ứng phó khẩn cấp là lập cầu không vận (airlift).

Đặc biệt gây chú ý là cầu không vận (airlift) của Argentina - đất nước ở khu vực Nam Mỹ, có cộng đồng người Israel lớn thứ 6 trên thế giới sinh sống với khoảng 180.000 cư dân.

Theo chương trình "Safe Return" (Trở về an toàn), một máy bay quân sự Hercules và một máy bay Boeing được Chính phủ Argentina triển khai trước hết tới Cyprus (đảo Síp), sau đó tới Tel Aviv. Trong ngày 12/10 có 3 chuyến bay cất cánh từ Tel Aviv, mỗi chuyến chở khoảng 200 công dân và du khách Argentina đến Rome (Italy) trong chặng đầu tiên sơ tán họ về nước.

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 6.

Cầu không vận (airlift) đưa máy bay C-130 Hercules của Không quân Argentina tới sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv hôm 12/10, sơ tán công dân Argentina khỏi Israel. Ảnh: AFP

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 7.

Các công dân và du khách Canada tại sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv ngày 12/10, chờ được sơ tán theo cầu không vận (airlift) trên chuyến bay của quân đội Canada. Ảnh: CTV News

Canada thực hiện cầu không vận (airlift) qua 2 chuyến bay đầu tiên của quân đội nước này. Một chuyến chở 128 hành khách rời Tel Aviv chiều 12/10 và đã hạ cánh tại Athens (Hy Lạp). Chuyến thứ 2 chở 153 hành khách, theo kế hoạch hạ cánh tối 14/10.

Hàn Quốc hôm 14/10 cho biết đã sơ tán 163 công dân và du khách Hàn Quốc, cùng 51 người Nhật Bản và 6 người Singapore, rời Israel bằng máy bay vận tải quân sự.

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 8.

Công dân Hàn Quốc lên chiếc máy bay KC-330 của Không quân Hàn Quốc tại sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv, rời Israel tối 13/10. Ảnh: Ministry of Defense

Vương quốc Anh thực hiện cầu không vận (airlift) với chuyến bay đầu tiên của RAF (Không lực Hoàng gia Anh), sơ tán công dân và du khách Anh từ Israel đã tới Cyprus (đảo Síp) đêm 13/10.

Cầu không vận (airlift) của Mexico được quân đội thực hiện qua các chuyến bay nhân đạo sơ tán công dân và du khách Mexico từ Israel về nước. Một chuyến đã hạ cánh hôm 12/10.

Xung đột Israel-Hamas cảnh báo "tương lai u ám" với ngành du lịch Israel - Ảnh 9.

Sau khi sơ tán 3 nhóm đầu tiên, Thái Lan tiếp tục đàm phán với hãng hàng không Israel Airline để thực hiện chuyến bay đặc biệt, sơ tán khoảng 250 người Thái Lan dự kiến trở về nước ngày thứ Hai 16/10. Ảnh: Thai PBS

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Hàn Quốc hôm 14/10 cho biết đã sơ tán 163 công dân và du khách Hàn Quốc, cùng 51 người Nhật Bản và 6 người Singapore rời Israel bằng máy bay vận tải quân sự. Máy bay đã hạ cánh xuống một căn cứ không quân ở ngoại ô Thủ đô Seoul tối 14/10.

Thái Lan - quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với cảnh báo "bất ổn" du lịch do các vụ việc gây sốc (bao gồm vụ nổ súng tại Siam Paragon, Bangkok chiều 3/10 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột Israel-Hamas từ 7/10), đã đặt mục tiêu sơ tán ít nhất 400 công dân nước này khỏi Israel mỗi ngày qua tất cả các kênh có thể.

Nguồn: NPR, Washington Post, Thai PBS