Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao

Minh Châu
08:46 - 21/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao là lời tri ân, tôn vinh những cống hiến lớn lao của nhạc sĩ đối với nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và nền văn hóa nghệ thuật đất nước nói chung.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh 1.

Chương trình tái hiện không khí Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, biển người cùng tập trung trước Nhà hát Lớn Hà Nội nghe "Tiến quân ca". Ảnh: TTXVN

Chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao

Tối 20/8, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật mang tên "Đàn chim Việt" nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023) - tác giả của Quốc ca Việt Nam cùng hàng trăm tác phẩm giá trị khác đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đến dự chương trình có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; cùng gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao và đông đảo công chúng yêu nhạc Văn Cao.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đông đảo các văn nghệ sĩ, người yêu nhạc tham dự chương trình. Ảnh: VOV

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm hỏi bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của nhạc sỹ Văn Cao. Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" tôn vinh những giá trị to lớn và những sáng tạo, cống hiến xuất sắc của nhạc sĩ Văn Cao đối với nền âm nhạc và văn hóa nghệ thuật của đất nước. Đây cũng là chương trình có ý nghĩa kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023).

Chương trình mở đầu với đoạn phim ngắn khắc họa chân dung Văn Cao - người nghệ sỹ ở 3 lĩnh vực: âm nhạc, hội họa và thơ ca. Riêng về âm nhạc, nhạc sĩ Văn Cao thành công ở cả ba thể loại âm nhạc trữ tình, trường ca và âm nhạc cách mạng. Tài năng sáng tác của Văn Cao, cũng như thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt trong đó là bài hát "Tiến quân ca" - Quốc ca của Việt Nam đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc.

Ngày 17/8/1945, lần đầu tiên, ca khúc "Tiến quân ca" đã vang lên đầy tự hào trước biển người rộng lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Suốt 78 năm qua, "Tiến quân ca" - Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử, trở thành một phần thiêng liêng không thể thay thế trong tâm hồn, máu thịt mỗi người con đất Việt.

Cùng với "Tiến quân ca", nhạc sĩ Văn Cao còn góp vào dòng chảy âm nhạc Việt Nam cả gia tài nghệ thuật với nhiều tác phẩm đặc sắc, giá trị ở nhiều thể loại: Tình ca, hành khúc, trường ca. Nhạc sĩ Văn Cao đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996).

Trong Chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt", khán giả đã được thưởng thức âm nhạc Văn Cao ở cả ba thể loại với nhiều tác phẩm bất hủ của ông như: "Thiên thai", "Buồn tàn thu", "Trương Chi", "Làng tôi", "Mùa xuân đầu tiên", "Trường ca sông Lô", "Tiến quân ca", "Tiến về Hà nội", "Chiến sĩ Việt Nam"…

Đặc biệt, chương trình có sự kết hợp công phu ở cả sân khấu ngoài trời và bên trong Nhà hát Lớn, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên. Đặc biệt, ca khúc "Tiến về Hà Nội" cùng màn tái hiện sân khấu hóa với bài hát "Tiến quân ca" tại Quảng trường 19/8, đưa người xem trở về không khí hào hùng, xúc động của những ngày Tháng Tám lịch sử cách đây 78 năm.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh 4.

Ca khúc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" với sự thể hiện của Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ và Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng. Ảnh: TTXVN

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh 5.

Phần biểu diễn của các ca sỹ Tùng Dương, Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Trang Bùi và Sèn Hoàng Mỹ Lam. Ảnh: TTXVN

Chương trình hội tụ những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại như: Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng, Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương, Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Lam, ca sĩ Ánh Tuyết, nghệ sĩ Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thăng Long, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa,Thu Hằng, Bùi Trang, Tạ Quang Thắng...

Tham gia Chương trình còn có dàn nhạc Sun Symphony Orchestra, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện m nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn Quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội, Dàn nhạc MUCA Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội cùng hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và đặc biệt là sự tham gia của sinh viên học, học sinh các trường trong thành phố Hà Nội.

Trong khuôn khổ Chương trình, tại sảnh Nhà hát Lớn còn có không gian trưng bày các tác phẩm ảnh chân dung nhạc sĩ Văn Cao của nhiếp ảnh gia Bùi Đình Toán, cùng hình ảnh một số di cảo của nhạc sĩ.

Đôi nét về nhạc sĩ Văn Cao

Theo Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Lạch Tray, Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc.

Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.

Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là "Buồn tàn thu" vào năm 16 tuổi.

Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như "Gió núi", "Gò Đống Đa", "Anh em khá cầm tay". Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy chính là người đã hát "Buồn tàn thu", giúp ca khúc trở nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", được coi là bài thơ đầu tay.

Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên "Tiểu thuyết Thứ Bảy" năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: "Cô gái dạy thì", "Sám hối", "Nửa đêm". Đặc biệt tác phẩm "Cuộc khiêu vũ những người tự tử" (Le Bal aux suicidés) được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là "Tiến quân ca". Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944. Ngày 13/8/1945, Hồ Chủ Tịch đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Văn Cao tiếp tục tham gia hoạt động cùng Việt Minh. Ông viết và phụ trách ấn loát cơ quan Phan Chu Trinh, in sách báo, truyền đơn. Vào cuối mùa xuân năm 1945, Văn Cao đã có mặt trực tiếp tham dự vụ ám sát nổi tiếng, đó là vụ giết ông Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng, bị Việt Minh kết án là Việt gian thân Nhật. Sau vụ ám sát, Văn Cao tạm lánh một thời gian để tránh mật thám Pháp và Nhật theo dõi. Trở về Hà Nội, Văn Cao còn tiếp tục tham gia vụ ám sát Cung Đình Vận ở gần rạp hát cuối phố Huế nhưng không thành công do ông bắn trượt.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Lao Động. Năm 1946, Văn Cao được cử cùng Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ. Sau đó chính thức được mời tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu là Uỷ viên Chấp hành, Văn Cao hoạt động ở liên khu III, phụ trách tổ điều tra của công an Liên khu và viết báo Độc Lập.

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh 6.

Nhạc sĩ Văn Cao trong một đêm nhạc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán/TTXVN

Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tại đây ông được giao nhiệm vụ kết nghĩa với vua Mèo để lập ra một phòng tuyến bảo mật chống sự tràn sang của quân Tưởng khi thua trận. Ở Lào Cai, Văn Cao còn mở một quán bar để làm địa điểm theo dõi. Tháng 3/1948, Văn Cao được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như "Làng tôi" (1947), "Ngày mùa" (1948), "Tiến về Hà Nội" (1949)... và đặc biệt là "Trường ca Sông Lô" năm 1947.

Năm 1952, Văn Cao sang Liên Xô nghiên cứu về âm nhạc. Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san "Giai Phẩm".

Như những nghệ sĩ khác của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, tuy có muộn hơn, đến tháng 7/1958, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Tên tuổi của Văn Cao hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội.

Những năm sau đó, nhạc sĩ Văn Cao tiếp tục bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ quảng cáo các báo, vẽ nhãn diêm... Các tác phẩm của ông, cũng như các ca khúc lãng mạn tiền chiến khác, không được trình diễn ở miền Bắc, trừ bài Quốc ca. Giai đoạn này, nhạc sĩ Văn Cao hầu như không còn sáng tác.

Đến cuối năm 1975, ông viết "Mùa xuân đầu tiên", nhưng ca khúc bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho Cách Mạng, vì thế bản nhạc mới phát hành đã bị tịch thu. Nhưng các chương trình Việt Ngữ tại Moskva vẫn cho trình bày bài hát, và nhờ vậy "Mùa xuân đầu tiên" đã không bị lãng quên.

Năm 1981, Việt Nam phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca nhưng sau đó không công bố kết quả, cuộc thi cũng không được nhắc lại. Bài "Tiến quân ca" vẫn là quốc ca của Việt Nam. Cho đến cuối thập niên 1980, nhờ chính sách Đổi mới của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến khác được biểu diễn trở lại.

Ngày 10/7/1995, sau một thời gian mắc bệnh ung thư phổi, nhạc sĩ Văn Cao mất tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.


Nguồn: TTXVN, ĐCS, VOV, Cổng TTĐT thành phố Hải Phòng
Bình luận của bạn

Bình luận