Xuất khẩu ngành công nghệ số đạt 136 tỷ USD, động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo

N.Cường (TH)
17:37 - 08/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2022, xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan, hiệp hội, các doanh nghiệp cùng nhau tổ chức diễn đàn rất thiết thực với chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Xuất khẩu ngành công nghệ số đạt 136 tỷ USD, động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV năm 2022. Ảnh: VGP

Công nghệ số tiên phong đột phá

Theo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp, quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua: Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, người dân có cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại. Cụ thể, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 7%/năm, từ năm 2031 trở đi phải tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước hết, những vướng mắc từ thể chế (thông tư, nghị định, luật pháp) phải được tháo gỡ. Đơn cử, các quy định, thủ tục về dự án đầu tư công nghệ thông tin, dù đã tháo gỡ phần nào qua chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng vẫn còn rất phức tạp. "Nếu không làm mới, không tháo gỡ, không đầu tư thì không thể phát triển được", Phó Thủ tướng nói và cho rằng "cần tiếp tục thay đổi, bằng khát vọng để tìm ra những điểm đột phá".

Vấn đề thứ hai là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Ngay trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mục tiêu có 1 triệu kỹ sư công nghệ cũng cần có những giải pháp đặc biệt, đột phá mới trong đào tạo, "không thể duy trì những quy định như trước đây", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Thứ ba là phải tìm ra những mũi nhọn mới, lĩnh vực còn dư địa. Lĩnh vực chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ thông tin đang rất được kỳ vọng, được coi là "một trong vài lực lượng quyết định", để đạt mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra.

Một số lĩnh vực ở Việt Nam có dư địa phát triển, có thể và cần phải làm tốt hơn nữa như giáo dục đại học, đào tạo nghề, du lịch, công nghệ thông tin…

Riêng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu trong năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD, xuất khẩu 130 tỷ USD, nhưng chủ yếu là phần cứng do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất, còn phần mềm, dịch vụ, nội dung số chỉ chiếm 5%.

"Chúng ta chỉ có thể biến những dư địa phát triển đó thành hiện thực bằng những hành động thật", Phó Thủ tướng nói và mong muốn: "Ngoài những doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt ban đầu thì cần phải tạo được 'sân chơi' kết nối, hình thành đội ngũ doanh nghiệp công nghệ thông tin đông đảo, mạnh dạn bước ra thị trường nước ngoài với tinh thần rất tự tin".

Không chỉ hướng ra thị trường nước ngoài, ngay ở trong nước, còn rất nhiều "bài toán" đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin như chi trả lương hưu, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội… trên cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", kết nối với tài khoản ngân hàng của mỗi người, thanh toán điện tử…; hay "bài toán" về ùn tắc giao thông đô thị trên cơ sở tính toán lưu lượng phương tiện, điều chỉnh linh hoạt đèn giao thông tại các thời điểm khác nhau…; "bài toán" về du lịch thông minh cho phép du khách chỉ qua điện thoại di động có thể xem trước điểm đến đã được số hoá, đặt vé đi lại, khách sạn, được thuyết minh bằng chính thứ tiếng của họ tại điểm du lịch…

"Thị trường trong nước còn mênh mông. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần giải các bài toán cụ thể, làm đến cùng thay vì giải pháp trung gian. Các sản phẩm làm ra không chỉ cần nhanh mà phải được 'chau chuốt', hoàn thiện để người sử dụng tuyệt đối yên tâm", Phó Thủ tướng nói và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin đi cùng nhau, làm cùng nhau, gắn kết thành một đội ngũ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ tin tưởng: "Ngành công nghệ thông tin có vinh dự mở đường, đi đầu trong đổi mới. Đất nước bước sang giải đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, công nghệ thông tin được giao sứ mệnh là một trong vài mũi mở đường. Cộng đồng công nghệ thông tin phải hoàn thành sứ mệnh này, đóng góp thật thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh với mong muốn đất nước độc lập, giữ được chủ quyền, không còn nghèo, người dân được sống trong hoà bình, hạnh phúc hơn".

Sau 3 lần tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đến nay đã có khoảng 1.400 doanh nghiệp có sản phẩm vươn ra toàn cầu.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa

Xuất khẩu công nghệ số đạt 136 tỷ USD, động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo

Tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV năm 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết: Ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021; số lượng doanh nghiệp hơn 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Xuất khẩu ngành công nghệ số đạt 136 tỷ USD, động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai. Đó là tận dụng công nghệ số, cuộc cách mạng số để góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia và đi ra toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh: Chắc chắn công nghệ số sẽ là động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải có nội dung mới, cách làm mới, xung lực mới. Muốn như vậy, thể chế phải thay để bảo đảm những đổi mới đó đúng quy định của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp thu, rà soát, hoàn thiện thể chế của ngành theo chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số với việc áp dụng công nghệ số trong công tác đào tạo.

Đồng thời, các doanh nghiệp, thị trường trong nước cần tiếp tục đổi mới bằng cách làm chuyên nghiệp và chất lượng.

Bình luận của bạn

Bình luận