Xử phạt người tung tin sai sự thật về việc Bệnh viện 105 xét nghiệm kẹo dương tính với ma túy

Hồng Ngọc
09:22 - 06/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Gần đây, thông tin "Bệnh viện 105 xét nghiệm kẹo dương tính với ma tuý tổng hợp" lan truyền trên mạng. Đây là thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận. Công an thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt đối với N.T.H về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.

Xử phạt người tung tin sai sự thật về việc Bệnh viện 105 xét nghiệm kẹo dương tính với ma túy- Ảnh 1.

Công an thị xã Sơn Tây đã làm việc với người đăng tải thông tin sai sự thật. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được xác thực gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự   

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tin nhắn nhóm Zalo có tên gọi "Khoa B8 BV105" với nội dung: "Nhà mình nhắc bọn trẻ không được ăn và mua kẹo này nhé. Viện 105 xét nghiệm có dương tính với ma túy tổng hợp. Trên Sơn Tây đã xuất hiện người lạ đến cổng trường chia kẹo cho học sinh tan học". Đây là thông tin sai sự thật.

Theo Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội, sau khi xuất hiện thông tin nói trên, Công an thị xã Sơn Tây khẩn trương xác minh thông tin, rà soát địa bàn và làm việc với Bệnh viện quân y 105 để làm rõ sự việc.

Theo đó, Bệnh viện 105 chỉ tiến hành xét nghiệm ma túy qua nước tiểu và máu, không tiến hành xét nghiệm ma túy qua mẫu thử khác và không xét nghiệm ma túy đối với loại kẹo nào cho kết quả dương tính với ma túy tổng hợp như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội. 

Tại một trường học trên thị xã Sơn Tây, có ghi nhận một số học sinh bị đau bụng sau khi cùng sử dụng một loại kẹo có vị hoa quả mua online trên mạng xã hội; chưa phát hiện việc phát kẹo cho học sinh tại cổng trường. Qua giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội, cũng không tìm thấy ma túy trong các mẫu kẹo nghi vấn liên quan đến vụ việc trên.

Xử phạt người tung tin sai sự thật về việc Bệnh viện 105 xét nghiệm kẹo dương tính với ma túy- Ảnh 2.

Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Ngày 4/12/2023, Công an thị xã Sơn Tây đã làm việc với người đăng tải thông tin trên là N.T.H (trú tại Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội). Tại cơ quan Công an, chị H thừa nhận thông tin trên do bản thân bịa đặt, không đúng sự thật và đăng tải trên một nhóm Zalo. Sau đó, thông tin này được chia sẻ, lan truyền rộng rãi trên mạng, gây hoang mang trong dư luận. 

Công an thị xã Sơn Tây đã ra Quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với chị H về hành vi: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước đó, tại Lạng Sơn cũng có thông tin lan truyền về kẹo có chứa chất ma túy khiến một số học sinh bị ngộ độc. Ngày 30/11, Công an thành phố Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh bán hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố, phát hiện, thu giữ một số loại kẹo không có chữ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và phối hợp với Viện khoa học hình sự - Bộ Công an lấy các mẫu kẹo trên để giám định. 

Khi tiếp nhận thông tin do quá lo lắng, nhận thức chưa đầy đủ nên một số phụ huynh đã tự ý chia sẻ cho nhau thông tin đây là các sản phẩm nghi chứa ma tuý, gây hoang mang lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy các mẫu trên không chứa chất ma túy.

Qua đây, Bộ Công an đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, clip chưa được xác thực, giả mạo để tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Các trường hợp chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Cảnh giác với đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc ở gần trường học

Thời gian vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố đã xảy ra những vụ học sinh ngộ độc do ăn kẹo lạ ngoài cổng trường. Mặc dù một số mẫu kẹo được xác định không chứa chất ma túy, tuy nhiên, cơ quan Công an khuyến cáo, đây vẫn là các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, không kiểm soát được các hóa chất, chất phụ gia độc hại.

Xử phạt người tung tin sai sự thật về việc Bệnh viện 105 xét nghiệm kẹo dương tính với ma túy- Ảnh 4.

Nhiều loại đồ ăn vặt, nước ngọt không kiểm soát được các hóa chất, chất phụ gia độc hại đang được bán tràn lan ở nhiều cổng trường học. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc cho học sinh. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội.

Các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở cổng trường học rất phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ, như: Nem tôm thịt hổ, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga… Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất “vừa túi tiền” với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại.

Theo các chuyên gia y tế, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột...

Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở…, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như: béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.

Do vậy, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.

Bộ Công an khuyến cáo các nhà trường và phụ huynh quản lý, tuyên tuyền, phổ biến cho con em không mua bán, sử dụng các loại kẹo, đồ ăn uống không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân khi sử dụng.

Khi phát hiện các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc nghi có chứa chất ma túy cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.