Xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển ô tô quá hạn sử dụng hoặc quá hạn đăng kiểm
Người điều khiển xe ô tô quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện. Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Trả lời câu hỏi của người dân về việc xử lý các trường hợp điều khiển ô tô quá niên hạn sử dụng hoặc quá hạn đăng kiểm, Bộ Công an cho biết:
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông; có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ), cụ thể:
Đối với hành vi điều khiển xe ô tô quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông
Xử phạt đối với người điều khiển phương tiện
Tại điểm b khoản 7 Điều 16 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng).
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu phương tiện (trừ trường hợp xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách có niên hạn sử dụng vượt quá quy định về điều kiện kinh doanh của hình thức kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa quá 20 năm tính từ năm sản xuất, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách) và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Xử phạt đối với chủ phương tiện
Tại điểm đ khoản 8 Điều 30 quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 6 Điều 28 Nghị định này.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu phương tiện; trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Đối với hành vi điều khiển xe ô tô có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng
Xử phạt đối với người điều khiển phương tiện
Tại điểm a khoản 5 Điều 16 quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Tại điểm c khoản 6 Điều 16 quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Xử phạt đối với chủ phương tiện
Tại điểm b khoản 8 Điều 30 quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm đưa xe cơ giới có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.
Ngoài ra, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Tại điểm c khoản 9 Điều 30 quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm đưa xe cơ giới có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.
Ngoài ra, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tổng số xe hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2023 trên cả nước là 21.040 ô tô. Trong đó, có 6.143 xe chở người và 14.897 xe chở hàng. Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng phương tiện hết niên hạn sử dụng nhiều nhất với 4.898 xe; Hà Nội có 2.687 xe, Đồng Nai có 1.387 xe và Hải Phòng có 839 xe.
Năm 2021, cả nước có 20.680 xe ô tô chở người, xe chở hàng (4.772 xe chở người, 15.908 xe tải) hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2022.
Theo quy định tại Thông tư số 58/2020/TT- BCA của Bộ Công an (quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), cơ quan quản lý đăng ký xe có trách nhiệm thông báo cho chủ xe đã hết niên hạn về việc thu hồi đăng ký, biển số xe. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu chủ xe không tự giác nộp lại, cơ quan đăng ký thu hồi trên hệ thống đăng ký xe và thông báo cho công an các đơn vị, địa phương.
Căn cứ danh sách xe ô tô hết niên hạn sử dụng do cơ quan đăng ký xe cung cấp, công an cấp xã nơi chủ xe cư trú thông báo, tiến hành thu hồi đăng ký, biển số xe và gửi cho cơ quan quản lý đăng ký xe.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google