Xây dựng website thực tế ảo cho Thánh địa Mỹ Sơn

PV
15:39 - 20/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) là đơn vị thành viên của Bizverse đã phối hợp xây dựng website thực tế ảo VR360 chi tiết cho Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Tăng trải nghiệm cho khách tham quan

Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết, Bizverse là một thế giới Metaverse (thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số) và Digital Twin (bản sao kỹ thuật số của tất cả mô hình).

Website thực tế ảo VR360 chi tiết nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, giúp Ban Quản lý ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

Xây dựng website thực tế ảo chi tiết cho Thánh địa Mỹ Sơn - Ảnh 1.

Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: redsvn.net

Theo đó, trong giai đoạn 1, từ đầu năm 2022 đến nay, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được xây dựng website thực tế ảo VR360 chi tiết cho toàn bộ di sản, tích hợp tính năng thuyết minh ảo, thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World.

Giai đoạn 2, triển khai vào cuối năm 2022 và 2023, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được nâng cấp giao diện, cập nhật tính năng mới, tạo không gian triển lãm cho bảo tàng trên Metaverse để người xem có thể tham quan từ xa, nâng cao khả năng tương tác và xoay 360 độ.

Qua lăng kính thực tế ảo, di tích Thánh địa Mỹ Sơn được mô phỏng lại chính xác kích thước bằng công nghệ 3D Scanning. Khu thánh địa Mỹ Sơn được thể hiện dưới dạng không gian 3 chiều trực quan, lưu giữ dễ dàng trên Internet, có thể sử dụng các thiết bị điện tử thông dụng để quan sát như điện thoại, máy tính, ipad, kính thực tế ảo.

Thời gian qua, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã triển khai nhiều dự án đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Điển hình như số hóa hiện vật được bảo quản tại di tích và bảo tàng, đề án thuyết minh đa ngôn ngữ, dịch vụ Internet banking, quét mã QR...

"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã thay đổi quá trình quản lý, giá trị di sản được phát huy tích cực, góp phần đáng kể thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế", Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết thêm.

Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn nằm tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Trà Kiệu 20km, Phố cổ Hội An 45km và thành phố Đà Nẵng khoảng 68km.

Đây là một trong những địa điểm có giá trị văn hóa, lịch sử bậc nhất tại khu vực miền Trung. Kiến trúc khu thánh địa Mỹ Sơn bao gồm hơn 70 đền tháp của nền văn minh Chăm Pa xưa, được coi là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng dưới vương triều Bhadravaman (Thế ký thứ IV).

Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới vào ngày 1/12/1999.

Công nghệ thực tế ảo góp phần bảo tồn, quảng bá 

Với những di tích lịch sử như Thánh địa Mỹ Sơn, sự bào mòn của thời gian là điều không thể tránh khỏi. Mọi tác động đến vật thể, di tích đều sẽ dẫn đến sự thay đổi, vì vậy công tác bảo tồn di sản luôn được chú trọng. 

Điều cần thiết là làm thế nào giữ được các dữ liệu chính xác để phục vụ công việc phục dựng trong tương lai, đồng thời bảo tồn dữ liệu cấu trúc nguyên bản nhất có thể của khu di tích trước tác động của thời gian.

Công nghệ thực tế ảo là công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho công tác bảo tồn và phục dựng các di tích lịch sử như khu di tích Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, công nghệ 3D vật thể còn giúp mô phỏng các bức tượng, vật thể dưới dạng 3 chiều, thể hiện chi tiết và chính xác đối với từng hiện vật. 

Ngoài ra, đối với giáo dục, việc đưa không gian 3D của các di tích lịch sử, văn hóa vào giảng dạy sẽ là công cụ hỗ trợ và mang lại hiệu quả cao hơn so với sách vở cùng hình ảnh thiếu trực quan.

Công nghệ thực tế ảo còn góp phần quảng bá văn hóa, du lịch khi trở thành nền tảng đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến du khách từ khắp nơi trên thế giới. 

Thay vì sử dụng hình ảnh hay video để truyển tải thông điệp, tham quan di sản văn hóa bằng công nghệ không gian 3D cho phép du khách di chuyển đến các vị trí và tương tác với các vật thể, mang lại cảm giác chân thực và sống động.