Xây dựng đội ngũ cán bộ công tâm vận hành chính quyền mới
Bước đi lịch sử về việc sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, thực hiện chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7 đã đi vào hoạt động thực tế. Không còn chính quyền cấp huyện, quận và hơn 2/3 chính quyền cấp tỉnh và hầu hết chính quyền cấp xã, phường đã được thành lập mới.

XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI TRONG CHÍNH QUYỀN MỚI
Cùng với việc sắp xếp lại các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đã hoàn thành tinh gọn bộ máy với sự chuyển dịch mang tính cơ học.
Tuy nhiên, mục đích của việc tổ chức lại bộ máy không chỉ là giảm số lượng tổ chức và biên chế. Mà mục đích chính là bảo đảm kiến tạo một bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Nếu cho rằng sau bước chuyển dịch cơ học, bộ máy mới hoạt động hiệu năng hiệu quả ngay là nhận thức siêu hình, thiếu tư duy biện chứng.
Muốn hoạt động của bộ máy có hiệu lực, hiệu năng hiệu quả, cần thiết và cấp thiết là phải xây dựng và thi hành pháp luật theo yêu cầu trong Nghị quyết 66/NQ-TW của Bộ Chính trị. Cần phải quan sát thực tiễn vận hành của bộ máy mới, thấy rõ những gì đang là rào cản, thậm chí có thể so sánh là việc sắp xếp như đang trải qua cơn "đau đẻ" mới có thể ra đời được sự hoàn thiện của thể chế pháp luật.
Thời gian xây dựng thể chế pháp luật, theo nghị quyết nói trên của Bộ Chính trị, năm 2025 tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Năm 2027 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Như vậy, thời gian từ nay đến hết 2028 vẫn là thời điểm "tranh tối, tranh sáng". Đặc điểm nổi bật trong thời điểm này, có hai vấn đề mà cấp uỷ và người đứng đầu phải thường xuyên quan tâm:
Một là, chính quyền mới hoạt động có nhiều lĩnh vực, ngành nghề… đã có luật và cũng có những lĩnh vực, ngành nghề chưa có luật. Đồng thời có nhiều quy phạm pháp luật không còn phù hợp, hoặc chỉ phù hợp một phần, có nhiều quy phạm pháp luật không còn tác dụng thực tiễn, thậm chí đang kìm hãm sự phát triển vẫn còn hiệu lực.
Hai là, về con người, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân… trong bộ máy mới, có thể chia ra 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất, phấn khởi, tin tưởng, tâm huyết nổ lực thực hiện chức trách nhiệm vụ mới, dần đoạn tuyệt hoàn toàn với tư duy và thói quen cũ.
Nhóm thứ hai, tuy có thức tỉnh, có chuyển mình theo yêu cầu mới, nhưng họ vẫn còn tư tưởng "bình mới, rượu cũ", tư duy và thói quen cũ của họ vẫn chưa được loại bỏ, căn bệnh quan liêu, bệnh giả dối, chủ nghĩa hình thức vẫn "đeo bám" họ.
Nhóm thứ ba, không ít người có vấn đề liên quan đến tham nhũng chưa bị phát hiện, hoặc thiếu tâm đức và tài năng, không đáp ứng được yêu cầu mới nhưng chưa thể thanh lọc ngay.
Khi trong bộ máy mới còn hiện hữu kiểu cán bộ hai và ba như nêu ở trên, thì nhiều câu chuyện về tư duy, thói quen trong quá khứ vẫn còn trong bộ máy mới.
Nhìn lại hoạt động của bộ máy công quyền cũ, chúng ta đã quen với nhiều bản "báo cáo láo", sai sự thật, cung cấp thông tin cho cấp trên, cho báo chí, cho người dân theo hướng có lợi cho lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, che dấu những sai lầm, hạn chế, thiếu sót…
Và chúng ta cũng đã quen với sự đánh giá, phân loại đảng viên, cán bộ, kể cả nhận xét tuyển dụng, để bạt, bổ nhiệm, nội dung thông tin đúng có bao nhiêu phần thì người trong cuộc đều rõ.
Đôi khi lại tùy thuộc vào thái độ yêu ghét để nhận xét. Tùy thuộc thái độ chủ quan của người có quyền làm sai lệch hiện thực khách quan. Căn bệnh quan liêu, hình thức, giả dối đã cùng với chúng ta trong một thời gian dài. Chính nó đã làm sai lệch mục đích phục vụ nhân dân của bộ máy.
Thậm chí có một bộ phận thường xuyên được hưởng lợi từ cơ chế xin cho, giờ họ vẫn tìm mọi cách để được bố trí vào những vị trí có nhiều bỗng lộc. Họ thờ ơ với chủ trương kiến tạo một bộ máy phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.
Họ đề cao đồng tiền và nghĩ rằng cũng như trước đây, khi có nhu cầu sẽ dùng tiền để hợp thức hóa những gì không hợp pháp thành hợp pháp, kể cả hợp thức hóa dân chủ và sử dụng quyền lực không chính danh. Đây là những tư tưởng cũ không phù hợp với giai đoạn hiện nay, nhưng nó vẫn tồn tại ở nhiều cấp nhiều ngành.
Tiếp tục thanh lọc con người trong bộ máy mới
Thực trạng trong bộ máy công quyền cũ, người "giỏi việc ở nơi nào cũng có, kẻ yếu non ở đâu cũng thấy thừa"[1]. Theo nhận định này thì tỉ lệ người đáp ứng được yêu cầu mới, bố trí được vào các chức danh trong bộ máy mới, có thể loại được hơn một nửa số cán bộ, công chức, viên chức non yếu.
Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan và chủ quan việc thanh lọc để có được đội ngũ cán bộ có đức và giỏi việc trên thực tế đang gặp nhiều rào cản và vướng mắc. Muốn thanh lọc được phải có thời gian thực tiễn và phương pháp khoa học.
Phải thiết kế được thể chế lựa chọn người tài phù hợp. Nhằm bố trí sử dụng lâu dài nhóm cán bộ thứ nhất như nói ở phần trên và tiếp tục bổ sung nhân tài vào bộ máy. Đồng thời thanh lọc nhóm thứ hai ra khỏi bộ máy, nếu nhóm này không chịu thay đổi theo yêu cầu mới. Trong thời điểm tập trung xử lý các điểm nghẽn cần kiên quyết loại bỏ nhóm thứ ba.
Tại Hội nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng lãng phí ngày 7/7/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ và quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong và sau sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Từ thực trạng con người trong bộ máy công quyền mới như nêu ở trên, nên nhiều câu chuyện cũ vẫn chưa được chấm dứt, nếu không có sự quan tâm sát sao của cấp ủy và người đứng đầu.
Trong quá khứ, hoạt động của bộ máy công quyền cũ, chúng ta đã quen với nhiều bản báo cáo láo, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cấp trên, cho báo chí, cho người dân theo hướng có lợi cho lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, che dấu những sai lầm, hạn chế, thiếu sót…
Và chúng ta cũng đã quen với sự đánh giá, phân loại đảng viên, cán bộ, kể cả nhận xét tuyển dụng, để bạt, bổ nhiệm, nội dung thông tin đúng có bao nhiêu phần thì người trong cuộc đều rõ. Đôi khi lại tùy thuộc vào thái độ yêu ghét để nhận xét. Căn bệnh quan liêu, hình thức, giả dối đã cùng với chúng ta trong một thời gian dài. Chính nó đã làm sai lệch mục đích phục vụ nhân dân của bộ máy.
Thậm chí có một bộ phận thường xuyên được hưởng lợi từ cơ chế xin cho, giờ họ vẫn tìm mọi cách để được bố trí vào những vị trí có nhiều bổng lộc. Họ thờ ơ với chủ trương kiến tạo một bộ máy phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.
Họ đề cao đồng tiền và nghĩ rằng cũng như trước đây, khi có nhu cầu sẽ dùng tiền để hợp thức hóa những gì không hợp pháp thành hợp pháp, kể cả hợp thức hóa dân chủ và sử dụng quyền lực không chính danh. Đây là những tư tưởng cũ, tiêu cực không phù hợp với giai đoạn hiện nay, nhưng nó vẫn tồn tại ở nhiều cấp nhiều ngành.
Theo quy luật mâu thuẫn, bộ máy mới phát sinh mâu thuẫn mới. Trong đó, việc đấu tranh giữa tư duy, thói quen cũ và mới là một vấn đề rất quan trọng để tạo động lực cho sự phát triển. Trong bước đi ban đầu thực hiện bộ tứ trụ nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, con người trong bộ máy mới cần phải kiên quyết đấu tranh, đoạn tuyệt với những gì đang ràng buộc, níu kéo, cản trở sự phát triển. Trước hết là thanh lọc, loại bỏ được con người không phù hợp với nhiệm vụ của bộ máy mới.
Bên cạnh sự thanh lọc nói trên theo yêu cầu mới, việc giải quyết thừa cán bộ lãnh đạo, thừa biên chế không nằm trong nhóm cán bộ thứ hai và ba nói trên cũng là một câu chuyện khó.
Tuy nhiên, nếu cấp uỷ và người đứng đầu thực sự dân chủ kết hợp công tác tư tưởng phù hợp thì câu chuyện khó sẽ thành dễ. Nếu việc này không biến khó thành dễ thì cần xem lại năng lực, bản lĩnh của cấp uỷ và người đứng đầu.
Giám sát và đánh giá cán bộ trong bộ máy mới bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp
Đây nên là hoạt động và biện pháp thường xuyên của cấp uỷ và người đứng đầu trong thời điểm "tranh tối tranh sáng". Biện pháp này vừa bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp vừa tạo điều kiện cho cán bộ, công chức rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực, từ bỏ tư duy, thói quen cũ, xây dựng đạo đức công vụ, văn hoá công sở… trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Có rất nhiều thí dụ thực tiễn để so sánh. Thí dụ trong bộ máy công quyền trước hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" nay thì không thể chấp nhận. Hoặc trước đây thói quen nhận phong bì, phí "bôi trơn" mới xem xét giải quyết việc cho người dân và doanh nghiệp, dùng thủ đoạn để trục lợi, nay vẫn còn như thế thì cần có cơ chế giám sát, kết luận và loại bỏ ngay cán bộ "điếc không sợ súng".
Con người trong bộ máy công quyền mới sống bằng lương chứ không phải bằng bổng lộc hoặc tham nhũng. Khi chưa có chế độ tiền lương phù hợp thì phải khắc phục khó khăn, không được phép lặp lại thói quen cũ.
Muốn giám sát tốt hiệu quả công việc trong bộ máy mới có nhiều cơ chế đã được thực hiện. Trong đó phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, báo chí, mạng xã hội và có giải pháp công nghệ thông minh là những công cụ hữu hiệu nhất.
XÂY DỰNG CƠ CẤU CON NGƯỜI ĐÁP ỨNG CẢI CÁCH THỂ CHẾ MỚI
Vừa qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đã thông qua việc sửa đổi bổ sung 1 số điều của Hiếp pháp, 34 luật và 13 Nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, có nhiều quy phạm pháp luật, nhiều nội dung trong các Nghị quyết, không chỉ giải quyết vấn để tháo gỡ các điểm nghẽn, mà còn cập nhật tư duy mới của Đảng, không chỉ có giá trị thực tiễn trước mắt mà có những sửa đổi, bổ sung hoặc làm mới có tầm nhìn xa.
Tuy nhiên, vẫn nhiều luật chưa được sửa đổi, ban hành theo tư duy mới của Đảng. Có những bộ luật, điều luật đã lạc hậu, có nhiều quy phạm pháp luật chồng chéo, trùng lắp chưa được sửa đổi. Có nhiều lĩnh vực mới chưa có luật… tất cả đang nằm trong tổng thể của cải cách thể chế pháp luật theo Nghị quyết 66/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Việc xây dựng pháp luật trong quá khứ chưa bảo đảm, có nhiều điểm nghẽn, thiếu sự đồng bộ, thiếu tính thực tiễn… có 4 nguyên nhân:
1. Do năng lực, trình độ các cơ quan tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật.
2. Do quy trình tham vấn trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, không thu hút, tranh thủ nguồn lực tri thức xã hội phục vụ xây dựng chính sách, pháp luật.
3. Do thiếu các cơ quan nghiên cứu độc lập think-tank với kết quả nghiên cứu chất lượng để làm căn cứ khoa học cho chính sách, pháp luật.
4. Do báo chí không tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, không làm diễn đàn chính sách để các chuyên gia và xã hội tham gia góp ý, giám sát, phản biện chính sách, pháp luật.
Hệ quả là chính sách, pháp luật có chất lượng thấp, bị lợi ích cục bộ chi phối, lợi ích nhóm thao túng để trục lợi. Muốn giải quyết điểm nghẽn thể chế thì phải đồng thời giải quyết đồng bộ cả 4 nguyên nhân nêu trên. Ngay trong thời điểm này, chúng ta hoàn toàn có khả năng giải quyết cả 4 nguyên nhân đó để tiến hành công tác lập pháp đáp ứng yêu cầu theo tư duy mới của Đảng.
Trong công tác lập pháp, qua nghiên cứu các nghị quyết Bộ chính trị và các chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần ưu tiên giải quyết các lĩnh vực, vấn đề sau đây:
⁃ Thu hút nhân tài.
⁃ Quản lý ngân sách và các nguồn lực xã hội.
⁃ Quản lý đất đai, tài nguyên, tài sản công theo yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân và nhiều lĩnh vực khác.
⁃ Chống lãng phí.
⁃ Xây dựng, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, công dân số, tài nguyên số, quản lý tài sản số, thị trường số.
⁃ Bảo đảm an sinh xã hội.
Trong các lĩnh vực, các vấn đề cần ưu tiên nêu ở trên, có những luật, nghị định hiện hành đang trở ngại hoặc tạo ra những bất cập mới nếu việc xây dựng các quy phạm pháp luật mới vẫn làm theo phương pháp cũ. Như lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng chục triệu người, nhiều quy phạm pháp luật còn bất cập, còn lộ hổng, có lợi cho nhóm lợi ích.
Thí dụ, khi nhà nước miễn viện phí, thì hầu bao người dân chi tiền ra để khám chữa bệnh có giảm không. Đây là câu hỏi yêu cầu các nhà lập pháp phải xem xét khảo sát. Trong khi bệnh viện đang là những đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ tài chính. Bệnh viện có quyền định ra những khoản thu hợp pháp từ việc khám chữa bệnh. Ngay cả việc thực hiện chế độ bảo hiểm hiện nay, nhiều loại thuốc, dịch vụ bảo hiểm không thể chi trả cho bệnh nhân. Bệnh càng hiểm nghèo thì bệnh nhân càng phải trả số tiền lớn. Vậy tính ưu việt của bảo hiểm ở đâu?
Có cần một hệ thống các đơn vị bảo hiểm, tốn nhiều tiền lương, tiền công, tiền thuê văn phòng, sử dụng điện, nước và nhiều chi phí khác để rồi người mua bảo hiểm chỉ được hưởng một phần, không nói lên được gì về mục đích của chính sách.
Vậy cải cách, đổi mới việc khám chữa bệnh cho nhân dân cần theo hướng nào? Nên chăng cần phát triển mạnh hơn nữa hệ thống bệnh viện tư nhân. Ai muốn đến bệnh viện nào thì đến, khám chữa bệnh không cần qua thủ tục bảo hiểm y tế, mà theo yêu cầu của người bệnh. Người bệnh trả tiền thông qua hợp đồng khám chữa bệnh với bệnh viện.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng xây dựng một hệ thống bệnh viện công có trang bị đủ máy móc phương tiện kỹ thuật hiện đại, theo đơn vị hành chính.
Hoặc vấn đề Nhà ở xã hội, cũng là câu chuyện đang làm biến dạng bản chất tốt đẹp của chính sách. Nhà ở xã hội được Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách. Nhưng người đi mua nhà đúng chính sách cũng phải chi một khoản tiền lớn ngoài tiền mua nhà mới mua được.
Nhà nước có rất nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án.
Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất:
- Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.
- Được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.
- Được dành tỉ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.
Thế mà, người đi mua nhà phải "chạy" để được duyệt mua. Cơ quan có quyền xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, phải chăng đã lợi dụng chính sách tốt đẹp để trục lợi, biến sự ưu đãi của nhà nước thành sở hữu riêng?
Vậy ở đây vẫn còn kẽ hở pháp luật để biến của công thành của tư. Các quy định pháp luật mới quản lý nhà ở xã hội thế nào để bảo đảm theo quan điểm của Đảng?
Cũng trong các lĩnh vực, vấn đề ưu tiên nói trên, vấn đề chống lãng phí trong lĩnh vực đất đai đang là vấn đề rất nóng và có nhiều vướng mắc. Cần có những quy định vừa cần tháo gỡ điểm nghẽn, vừa khắc phục triệt để những sai lầm trong quản lý đất đai trong quá khứ.
Một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam gần đây là con số 2.887 dự án đang vướng mắc, với tổng vốn đầu tư lên tới 235 tỉ USD và diện tích đất lên đến 347.000 ha trên toàn quốc.
Con số này nói lên sự trả giá rất lớn cho những sai lầm của công tác lập pháp về đất đai, về đầu tư và xây dựng. Nếu các điểm nghẽn về thể chế được hoá giải sớm, đồng thời có các quy phạm pháp luật đáp ứng được yêu cầu mới, thì sự lãng phí trong quá khứ sẽ được biến thành nguồn lực rất lớn cho phát triển.
[1] Trích thơ của tác giả trong tập thơ "Vì sao yêu" của nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google