Phá bỏ rào cản trong xây dựng pháp luật cần đột phá từ điểm nghẽn
Để tồn tại quá lâu một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều tác động tiêu cực tạo ra nhiều điểm nghẽn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tuy nhiên, với thực trạng bất cập và rào cản trong xây dựng pháp luật hiện nay, làm thế nào để thực hiện thành công Nghị quyết 66/NQ-TW là chuyện đang rất khó khăn.

Vừa mới nhận trọng trách người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Thể chế mà Tổng Bí thư Tô Lâm nói ở đây là thể chế xây dựng pháp luật, là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang còn hiệu lực.
Có nghĩa là hệ thống pháp luật Việt Nam hiện thời, bên cạnh những tác động tích cực trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, còn có rất nhiều những tác động tiêu cực đã và đang kìm hãm, níu kéo, làm tắc nghẽn sự phát triển và có khi còn làm sai lệch quan điểm đường lối của Đảng.
Ngày 30/04/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng với nhiều quyết sách chiến lược.
Theo Nghị quyết nói trên, đánh giá về thực trạng xây dựng pháp luật ở nước ta trong nhiều thập kỷ qua, về mặt yếu kém, Trung ương Đảng đã chỉ rõ: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về phía quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư.
Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Nguyên nhân để tồn tại quá lâu một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều tác động tiêu cực tạo ra nhiều điểm nghẽn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội như nói ở trên. Ngoài việc chưa dám tạo ra được sự đột phá trong tư duy cải cách thể chế pháp luật phù hợp với xu thế phát triển, gốc rễ vẫn là câu chuyện "chạy" mà ra. Chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách đã tác động làm giảm chất lượng công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Một thực tế không thể không nhắc lại ở đây là, lâu nay việc xây dựng pháp luật ở Việt Nam ta có những bất cập, là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hạn chế yếu kém trong xây dựng pháp luật:
Những nguyên nhân yếu kém trong xây dựng pháp luật có thể nhìn thấy ngay là:
- Dự án luật liên quan chính đến ngành nào thì giao cho ngành đó soạn thảo. Có khi ban soạn thảo của ngành còn chạy để được thông qua những nội dung có lợi cho ngành mình.
- Tính minh bạch còn rất hạn chế: Quá trình xây dựng pháp luật đôi khi thiếu sự tham gia đầy đủ của người dân, chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, dẫn đến thiếu phản biện và không phản ánh đầy đủ thực tiễn. Nhiều bộ luật công khai xin ý kiến nhân dân chỉ là hình thức, không thực chất.
- Cơ chế giám sát và phản biện trong xây dựng luật chưa hiệu quả. Vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng pháp luật còn hạn chế, dẫn đến thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực trong lập pháp.
- Do tác động từ chuyện chạy chức, nên việc xây dựng luật chưa hội tụ được nhiều chuyên gia giỏi. Chất lượng đội ngũ soạn thảo và trình dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều cán bộ, công chức tham gia soạn thảo luật còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng lập pháp và hiểu biết thực tế.
- Trong một số trường hợp, việc xây dựng pháp luật bị chi phối bởi lợi ích của một số cơ quan, ngành, địa phương hoặc nhóm lợi ích nhất định, làm giảm tính khách quan và công bằng của pháp luật.
- Nhiều luật còn chạy theo tình thế, xử lý vấn đề trước mắt mà chưa chú trọng đến tính ổn định, dự báo và thích ứng với sự phát triển lâu dài của đất nước.
Từ sự yếu kém, bất cập nói trên, làm cho hệ thống pháp luật thiếu ổn định. Nhiều bộ luật và văn bản dưới luật thường xuyên phải sửa đổi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc nắm bắt cập nhật những quy phạm pháp luật mới để tuân thủ.
Mặt khác trong môi trường pháp lý chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, tính dự báo của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí, tiêu hao nguồn lực để vượt qua các rào cản từ nội dung các quy phạm pháp luật.
Cũng từ những bất cập hạn chế nói trên mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích với pháp luật quốc tế. Sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế vẫn còn hiện hữu. Pháp luật Việt Nam chủ yếu dựa trên mô hình luật dân sự, trong khi nhiều cam kết quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, lại được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của hệ thống thông luật. Điều này đòi hỏi quá trình hài hòa hóa pháp luật để đảm bảo sự tương thích và thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế.
Đến đây, có thể đặt ra câu hỏi, liệu quá trình thực hiện Nghị quyết 66/NQ-TW có khắc phục được những hạn chế, yếu kém như đã nêu ở trên?
Mục tiêu chính của Nghị quyết là tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; quản lý, quản trị xã hội hiện đại, kiến tạo sự phát triển; nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Thời gian để đạt được mục tiêu: Nghị quyết xác định đến năm 2030 Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội, quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Như vậy, trong hoạt động lập pháp, với một núi công việc phải tiến hành trong một thời gian không dài, có những bộ luật không thể sửa đổi theo nội dung cũ mà phải tiến hành xây dựng mới, với thực trạng về những bất cập và rào cản trong xây dựng pháp luật hiện nay, làm thế nào để thực hiện thành công Nghị quyết 66/NQ-TW là chuyện đang rất khó khăn.
Vậy giải pháp nào để phá bỏ được các rào cản và những bất cập trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay?
Một là, Khẩn trương sửa đổi luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới căn bản cách thức tiến hành các dự án luật. Triệt để ngăn chặn “tham nhũng chính sách “ trong xây dựng pháp luật và những nguyên nhân dẫn đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Hai là, kiện toàn tổ chức, thu hút các chuyên gia giỏi nhằm thực hiện tốt nhất, có hiệu quả cao nhất việc soạn thảo, phản biện, thẩm định và trình các dự án luật.
Ba là, tổ chức nhiều diễn đàn, tăng cường truyền thông những góc nhìn đa chiều về những quy phạm pháp luật đang có nhiều tranh cãi.
Bốn là, Những vấn đề mới, chưa có luật hoặc luật chưa sửa đổi để theo kịp thưc tiễn, nhất là các luật liên quan đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nên cho phép thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp. Những gì pháp luật không cấm thì công dân được phép làm và có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
Độc giả có thể xem toàn văn Nghị quyết 66/NQ-TW tại ĐÂY
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google