Xăng dầu tại Hà Nội đã “giảm nhiệt”

11:20 - 14/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong hai ngày 12 và 13/11, tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu đang dần trở lại nhịp độ bình thường.

Xăng dầu tại Hà Nội đã “giảm nhiệt” - Ảnh 1.

Tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu đang dần trở lại nhịp độ bình thường. Ảnh: Thành Đạt

Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 1 (đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm) Chử Văn Minh cho biết, lượng người dân đổ về cửa hàng mua hàng đang giảm dần, không còn tình trạng xếp hàng kéo dài như thời điểm trước khi tăng giá xăng dầu ngày 11/11.

Cụ thể, ngày 12/11, sản lượng xăng dầu bán ra của cửa hàng ở mức 93m3, giảm khoảng 10% so những ngày trước, trong khi ngày cao điểm tăng lên tới 120-125m3/ngày.

Tương tự, Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 73 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) Nguyễn Trung Đắc nhận định, sau khoảng thời gian tăng đột biến, nhất là những ngày đầu tháng 11, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng tới 150%, lên 30 m3/ngày thì nay bắt đầu giảm dần. Tính đến cuối giờ chiều ngày 13/11, sản lượng bán ra của cửa hàng đạt khoảng 7-8 m3/ngày.

Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Hà Nội (đơn vị trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 1-Petrolimex 1) Đỗ Hoàng Hà khẳng định, từ chiều ngày 12/11, lượng khách hàng đến mua xăng dầu tại các cửa hàng trực thuộc đơn vị đã giảm, hy vọng tình trạng này sớm chấm dứt và trở lại bình thường.

Ông Hà cũng cho biết thêm, ngày 11/11 vừa qua là ngày đạt đỉnh cao nhất, với sản lượng bán ra đạt gần 2.400m 3 (trung bình chín tháng năm nay, sản lượng 1.240m 3 /ngày) do một số cửa hàng xăng dầu ngoài hệ thống của Petrolimex đóng cửa, dừng kinh doanh, khiến người tiêu dùng đổ dồn về các cửa hàng trực thuộc Petrolimex mua hàng.

Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào chiều ngày 11/11, tuy người dân xếp hàng dài đợi đến lượt mua tại các cửa hàng xăng dầu vẫn đông, nhưng lượng bán ra đã giảm xuống còn gần 2.000 m3 trong ngày 12/11 và tiếp tục giảm mạnh vào ngày 13/11.

“Với xu thế các cửa hàng xăng dầu ngoài hệ thống Petrolimex bắt đầu mở cửa bán hàng trở lại, chắc chắn lượng bán ra tăng lên, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, lúc đó cảnh người dân chen chúc xếp hàng, mất khoảng từ 15-20 phút mới mua được xăng dầu sẽ không còn tồn tại nữa” - ông Hà nhấn mạnh.

Mặc dù các khoản chi phí liên quan xăng dầu đã được điều chỉnh, bổ sung trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/11, nhưng mức chiết khấu cho 1 lít xăng dầu tại khu vực I vẫn rất thấp, vào khoảng 190 đồng, không đủ bù đắp cho chi phí vận chuyển xăng dầu về đến cửa hàng.

Trong khi đó, chi phí kinh doanh xăng dầu gồm nhiều khoản như tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt của xăng dầu... Để bảo đảm hoạt động đối với một cửa hàng bán lẻ, mức chiết khấu tối thiểu phải là khoảng 500 đồng/lít. Vì vậy, Nhà nước cần phải tính đúng, tính đủ để điều chỉnh các chi phí phát sinh trong xây dựng mức giá cơ sở.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện yêu cầu tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối ký biên bản cam kết bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, hoàn thành trước ngày 16/11...

Liên quan nội dung này, một lãnh đạo công ty kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết, mỗi đơn vị, doanh nghiệp đều có hệ thống cửa hàng xăng dầu và bên nhượng quyền thương mại riêng. Bản thân doanh nghiệp phải bảo đảm, tôn trọng hợp đồng kinh tế đã ký trong việc cấp đơn hàng đúng tiến độ, còn cấp vượt sản lượng thì khó bảo đảm do bối cảnh tăng đột biến hiện nay, rất khó giải quyết “một sớm, một chiều” mà cần thời gian đăng ký, đàm phán, nhập hàng về.

Hiện, Việt Nam đang có 33 đầu mối nhập hàng và hàng loạt thương nhân phân phối, đại lý bán hàng... Do đó, cần quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối trong việc nhập đủ và cung cấp nguồn hàng đúng cam kết; tránh trường hợp được giao hạn mức nhưng không nhập, gây đứt gãy nguồn cung, xáo trộn thị trường.

Nguồn: Báo Nhân Dân