Chuyên gia kinh tế “hiến kế” gỡ khó thị trường xăng dầu
Vì sao Việt Nam chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất nhưng tình trạng "khát" xăng dầu vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, đỉnh điểm là 2 tháng qua.
Cơ chế quản lý còn nhiều bất cập?
Lý giải về sự đứt gãy nguồn cung xăng dầu, Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường "khát" xăng dầu trong thời gian qua, nguyên nhân cơ bản nhất đó là do cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập.
Hiện nay, có khoảng 5 Bộ có trách nhiệm trong quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò quan trọng nhất, chịu trách nhiệm chính quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh, việc nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối đã được Bộ Công Thương phân giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.
Khi đã phân giao, Bộ Công Thương sẽ phải kiểm tra xem doanh nghiệp có nhập không, nhập thế nào, có đảm bảo hạn mức không? Thế nhưng, trong trường hợp này, Bộ Công Thương lại buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát không kỹ lưỡng.
"Trong quý III chỉ có 19/33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, còn lại 14 doanh nghiệp không nhập giọt xăng nào. Như vậy, thiếu nguồn cung xăng dầu là đương nhiên", Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra thực tế, từ trước đến nay, Bộ Công Thương chưa phạt đầu mối nào nhập khẩu xăng dầu không đúng kế hoạch bởi Bộ không giao thời gian nhập khẩu cụ thể theo tháng, quý mà giao theo năm.
Chính vì vậy, trong tháng 7, tháng 8, gần như các doanh nghiệp ngưng nhập khẩu. Trong tháng 9, tổng nhập khẩu sản lượng xăng, dầu tăng rất cao khoảng 34,8%, nhưng tổng thể trong cả quý III, sản lượng dầu nhập khẩu giảm tới 35% so với quý II và xăng nhập khẩu giảm tới 40% so với quý II. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có những địa phương có thời điểm xăng dầu không đủ để cung ứng ra thị trường.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, thuế, phí chậm rà soát, thay đổi, doanh nghiệp không được tính đúng tính đủ chi phí, kinh doanh không có lãi, càng bán càng lỗ và buộc phải đóng cửa.
"Doanh nghiệp đầu mối bị giảm lợi nhuận, thậm chí gánh lỗ nên buộc họ phải giảm chiết khấu cho các đại lý, tổng đại lý, hoặc bán nhỏ giọt cho các cây xăng bán lẻ. Đến lượt mình, đại lý, cửa hàng bán lẻ không có hàng để bán, hoặc cũng phải bán cầm chừng để giảm lỗ", chuyên gia này phân tích.
Từ 15 giờ ngày 11/11, giá xăng đã tăng từ 840 đến 1110 ngàn đồng/lít, dầu tăng lên 960 đồng/lít.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh, để tháo gỡ điểm nghẽn xăng dầu, trước tiên, Bộ Công Thương phải tiến hành rà soát sản lượng tiêu dùng xăng dầu của từng tỉnh, thành phố. Từ đó, điều chỉnh hoạt động kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu sao cho phù hợp với thực tế.
Thứ hai, việc phân giao nhập khẩu xăng dầu phải được phân đúng cho doanh nghiệp, đúng khu vực và đúng thời điểm. Ví dụ, thời điểm này ở các tỉnh thành miền Tây đang là mùa nước nổi, người dân kinh doanh buôn bán chạy ghe, thuyền là chủ yếu nên phải nhập nhiều dầu, còn ở các thành phố lớn như Hà Nội đang là cao điểm người dân đi lại làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí thì cần giao nhập nhiều xăng.
Thứ ba, cần xây dựng một thị trường xăng dầu cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tự do. Bộ Công thương phải có chiến lược để từ đó xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ. Khi đó, các doanh nghiệp làm ăn với nhau lời ăn lỗ chịu, đàm phán mua bán theo hợp đồng.
Thứ 4, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, xem xét có thể điều chỉnh các khoản chi phí liên quan đến chi phí vận chuyển xăng, dầu từ nước ngoài về hoặc chi phí trong nước cho phù hợp. Từ đó, tác động làm cho giá xăng, dầu đảm bảo ở mức bình thường trên thị trường, song vẫn đảm bảo chi phí kể cả cho doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng.
Thứ 5, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ. Về dài hạn, phải xây dựng và phát triển một thị trường xăng dầu thực thụ, theo đúng nền kinh tế thị trường.
Từ 15 giờ ngày 11/11, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Giá xăng E5 RON 92 lên mức 22.710 đồng (tăng 840 đồng), xăng RON 95-III là 23.860 đồng (tăng 1.110 đồng) một lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng, trừ dầu diesel giảm 90 đồng về còn 24.980 đồng một lít. Dầu hoả có mức giá mới là 24.740 đồng một lít; dầu mazut là 14.760 đồng một kg.
Tính đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 30 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 22.500-24.000 đồng/lít, tương đương thời điểm cuối tháng 12/2021.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 1/11, Petrolimex dương 1.265 tỷ đồng, PVOil âm 736 tỷ đồng, Saigon Petro 264 tỷ đồng, Petimex là 323 tỷ đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google