WHO: Xung đột ở Sudan làm trầm trọng thêm sự thiếu thốn của trẻ em suy dinh dưỡng
Liên hợp quốc nhấn mạnh cuộc sống của trẻ em suy dinh dưỡng đang gặp nguy hiểm khi xung đột làm gián đoạn hoạt động chăm sóc cứu sống trẻ em suy dinh dưỡng tại địa phương.
Tổ chức Y tế Thế giới, hôm thứ Sáu ngày 21/4, cho biết 413 người đã thiệt mạng và 3.551 người bị thương kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra ở Sudan vào ngày 15/4.
50.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính không được chăm sóc
Reuters đưa tin, quan chức WHO, Margaret Harris cho biết, cho đến nay, WHO đã ghi nhận 11 vụ tấn công nhằm vào cơ sở y tế ở Sudan và kêu gọi chấm dứt các vụ tấn công tương tự.
Cuộc xung đột đảo chính ở Sudan làm trầm trọng thêm hoàn cảnh sống còn của trẻ em địa phương. Người phát ngôn của UNICEF, James Elder cho biết, ít nhất 9 trẻ em đã thiệt mạng và hơn 50 em khác bị thương trong các cuộc đụng độ; giao tranh đã khiến tính mạng của trẻ em Sudan đang bị nạn suy dinh dưỡng đe dọa, tiếp tục đối mặt với nguy hiểm.
Elder nhấn mạnh Sudan là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất trên thế giới. "Hiện nay, ước tính có khoảng 50.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng đã không được chăm sóc. Điều này khiến tính mạng của các em gặp nguy hiểm."
Sau khi cuộc xung đột đảo chính nổ ra ở Sudan, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, đã kêu gọi ngừng bắn và đối thoại giữa tất cả các bên, đồng thời thúc giục khu vực địa phương thiết lập kênh nhân đạo.
Lực lượng hỗ trợ nhanh, bán quân sự (RSF) của Sudan hôm thứ Sáu đã đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ vì lý do nhân đạo.
Lực lượng vũ trang của Sudan cho biết họ bắt đầu "dọn sạch điểm nóng của các nhóm nổi dậy" xung quanh thủ đô Khartoum.
Giao tranh tạm lắng tại thủ đô của Sudan
Quân đội Sudan thông báo đã nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4, để tạo điều kiện cho người dân Sudan tổ chức lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kết thúc tháng ăn chay Ramadan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh thông báo của quân đội Sudan và thông báo trước đó của RSF về việc ngừng bắn, song lưu ý giao tranh vẫn tiếp diễn và "có sự ngờ vực nghiêm trọng giữa hai lực lượng". Ngoại trưởng Blinken hối thúc cả hai bên "tạm dừng giao tranh" và "tạo điều kiện cho việc đảm bảo tiếp cận nhân đạo đầy đủ và không bị cản trở".
Các kế hoạch đang được gấp rút thực hiện để sơ tán công dân nước ngoài, với việc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản triển khai lực lượng tới các quốc gia lân cận và Liên minh Châu Âu cũng cân nhắc có động thái tương tự. Lầu Năm Góc đã huy động lực lượng ở khu vực phía Đông châu Phi để đưa nhân viên Mỹ ra khỏi thủ đô của Sudan.
Tuy nhiên, trong thông báo đưa ra ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định giao tranh tại Sudan khiến nỗ lực sơ tán nhân viên đại sứ quán tại Khartoum trở nên quá nguy hiểm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thừa nhận: "Do tình hình an ninh bất ổn tại Khartoum và sân bay bị đóng cửa, tình hình hiện tại không an toàn để chính phủ Mỹ triển khai cuộc sơ tán phối hợp". Quan chức này cũng nêu rõ: "Chúng tôi đã thông báo với cả hai bên rằng bất cứ cuộc tấn công, đe dọa hay nguy hiểm nào đối với nhân viên ngoại giao Mỹ là hoàn toàn không thể chấp nhận".
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó thông báo đã tìm cách tập trung nhân viên đại sứ quán tại một địa điểm ở thủ đô Khartoum để bảo vệ họ tốt hơn trước giao tranh bên ngoài, đồng thời chuẩn bị cho hoạt động sơ tán.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google