Nam Sudan tuyên bố bùng phát dịch sởi
Ghi nhận số ca mắc sởi tăng đều đặn trong 38 tuần qua trên cả nước, Nam Sudan đã tuyên bố bùng phát dịch sởi.
Gần 2.500 ca mắc sởi ở Nam Sudan
Ngày 11/12, Bộ Y tế Nam Sudan đã tuyên bố bùng phát dịch sởi sau khi các thống kê dịch tễ học cho thấy số ca mắc bệnh được xác nhận ở nước này tăng đều đặn trong 38 tuần qua.
Tổng Giám đốc Cơ quan y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Nam Sudan John Rumunu cho biết: "Với số ca mắc bệnh sởi được xác nhận trên cả nước, Bộ Y tế chính thức tuyên bố bùng phát dịch sởi ở Nam Sudan".
Đến nay, đã có 31 trường hợp tử vong và 2.471 trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo tại 22 khu vực trên cả nước.
Từ việc tuyên bố bùng phát dịch sởi, một cuộc điều tra dịch tễ học sẽ được triển khai tức thời nhằm xác định mức độ lây truyền của virus.
Ngoài ra, Nam Sudan cũng sẽ củng cố hệ thống tiêm chủng định kỳ trên toàn quốc, triển khai các chiến dịch tiêm phòng sởi và quản lý các biến chứng do dịch bệnh gây ra.
Từ năm 2021 tới nay, Nam Sudan đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch sởi, chủ yếu do việc tiêm chủng vaccine phòng sởi định kỳ bị gián đoạn và việc triển khai các chiến dịch tiêm tăng cường không đầy đủ.
Chiến dịch tiêm vaccine sởi quốc gia của nước này được triển khai lần gần nhất vào năm 2020, với tỷ lệ tiêm chủng dưới 85% - thấp hơn mục tiêu khuyến nghị là 95%.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử được hơn 200 lượt cán bộ, nhân viên Quân đội đi làm nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) và các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Trong đó, bảy năm qua, Việt Nam đã cử 33 lượt nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến và bốn nữ sĩ quan theo hình thức cá nhân. Sự tham gia tích cực của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao.
(Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)
Hàng triệu trẻ em dễ bị mắc bệnh sởi
Trong báo cáo công bố ngày 23/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hàng triệu trẻ em hiện dễ bị mắc bệnh sởi, một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới.
Nguyên nhân là bởi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh sởi đã liên tục giảm - chỉ khoảng 81% trẻ em đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng sởi, trong khi 71% đã tiêm mũi thứ 2, đánh dấu độ bao phủ vaccine phòng bệnh sởi toàn cầu thấp nhất kể từ năm 2008.
Bên cạnh đó, công tác theo dõi căn bệnh này còn kém và các kế hoạch ứng phó bị trì hoãn do dịch COVID-19, cùng với các đợt bùng phát dịch đang diễn ra tại hơn 20 nước, đã khiến sởi trở thành "mối đe dọa cận kề" tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Năm 2019, số ca mắc sởi trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 23 năm, khiến 200.000 người tử vong, trong đó có cả ở những nước từng "xóa sổ" được căn bệnh này.
Sởi là bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.
Sởi cũng là một bệnh lưu hành địa phương trong cộng đồng dân cư đô thị và là một bệnh xảy ra dịch có tính chu kỳ khoảng từ 2 - 3 năm hoặc lâu hơn tùy theo từng nước.
Bệnh sởi xảy ra có tính theo mùa. Ở vùng khí hậu ôn đới, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Ở vùng nhiệt đới, bệnh xảy ra nhiều vào mùa khô.
Với việc thực hiện chương trình tiêm phòng sởi có hiệu quả, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 99% ở nhiều nước phát triển và chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc ở trẻ lớn tuổi hơn, người lớn mới chỉ được tiêm 1 liều vaccine.
Tình hình bệnh sởi ở Việt Nam thời kỳ trước khi tiêm 1 liều vaccine sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cũng tương tự như ở các nước trên Thế giới. Bệnh sởi lưu hành ở mọi nơi trong cả nước và phổ biến ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Việc gây miễn dịch phòng bệnh sởi bằng một liều vaccine sởi sống giảm độc lực được bắt đầu trong Chương trình TCMR ở Việt Nam từ năm 1985 và tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 91/100.000 dân năm 1986 xuống 2,35/100.000 năm 2006.
Tuy nhiên, bệnh vẫn còn tản phát ở nhiều nơi và vẫn xảy ra dịch sởi với quy mô co nhỏ hơn thời kỳ chưa tiêm vaccine sởi. Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương thực hiện các chiến lược loại trừ sởi vào năm 2010 với tỷ lệ mắc sởi không vượt quá 1/1.000.000 dân.
(Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google