WHO: Cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao

H.Ngọc
13:44 - 24/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày Thế giới Phòng chống Lao (24/3) năm nay có chủ đề "Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!" với mục tiêu thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Vào ngày 24/3/1882, bác sĩ, nhà sinh vật học người Đức Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này. Ngày Thế giới Phòng chống Lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. 

"Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao" 

Lao (TB) là bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao thứ hai sau COVID-19, trên cả bệnh HIV/AIDS. Mỗi ngày có gần 4.400 người tử vong vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh.

Khoảng 25% dân số thế giới mắc lao tiềm ẩn. Những người khỏe mạnh nhiễm vi khuẩn lao có khoảng 5-10% nguy cơ chuyển thành thể hoạt động. Bên cạnh đó, những người mắc lao thể hoạt động có thể lây truyền cho 10-15 người khác thông qua tiếp xúc gần.

Đại dịch COVID-19 cùng với các cuộc khủng hoảng đang diễn ra như xung đột vũ trang, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị và kinh tế, đã đảo ngược tiến bộ đạt được trong nhiều năm trong cuộc chiến chống bệnh lao. Năm 2022, lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, WHO báo cáo sự gia tăng số người mắc bệnh lao và lao kháng thuốc, cùng với sự gia tăng số ca tử vong.

WHO: Cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao - Ảnh 1.

Chiến dịch kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng chống Lao (24/3) năm 2023 của WHO có chủ đề "Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!". Ảnh: WHO

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO cho biết: "Bệnh lao có thể phòng ngừa, điều trị và chữa khỏi, nhưng căn bệnh cổ xưa này đã hành hạ nhân loại hàng thiên niên kỷ vẫn tiếp tục gây ra đau khổ và tử vong cho hàng triệu người mỗi năm. WHO cam kết hỗ trợ các quốc gia đẩy mạnh hành động, bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao như một phần trong hành trình hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân và tăng cường khả năng phòng thủ của họ trước dịch bệnh và đại dịch."

Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay được kỷ niệm với chủ đề "Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!" với mục tiêu thúc đẩy các quốc gia tăng cường đầu tư, nhanh chóng áp dụng các khuyến nghị mới của WHO và tăng cường quan hệ đối tác đa ngành để chống lại dịch bệnh lao.

WHO kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc triển khai các phác đồ điều trị hoàn toàn bằng đường uống do WHO khuyến nghị đối với bệnh lao kháng thuốc.

Lao kháng thuốc đang là mối quan tâm cấp bách của sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại đáng kể cho các cá nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, cộng đồng và hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Vào năm 2021, gần 500.000 người mắc bệnh lao đa kháng thuốc hoặc lao kháng rifampicin (MDR/RR-TB), nhưng chỉ 1/3 số người được điều trị.

Các hướng dẫn mới của WHO về điều trị lao kháng thuốc khuyến nghị triển khai phác đồ BPaLM/BPaL mới có khả năng tăng đáng kể tỷ lệ chữa khỏi do hiệu quả cao, cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi hơn nhờ chi phí thấp, thời gian điều trị ngắn hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

WHO: Cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao - Ảnh 2.

Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Ảnh: Rockefeller

Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO cho biết: "Năm 2023 là cơ hội để chúng ta thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới chấm dứt bệnh lao. WHO đang thúc đẩy cam kết chính trị vững chắc ở cấp cao nhất, sự hợp tác đa ngành mạnh mẽ, chung tay cùng lĩnh vực y tế. Chúng tôi cần tất cả mọi người - các cá nhân, cộng đồng, xã hội, nhà tài trợ và chính phủ - làm phần việc của mình để ngăn chặn bệnh lao. Cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao."

Vào tháng 9/2023 tới đây, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập 3 cuộc họp cấp cao tập trung vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), ứng phó và chấm dứt bệnh lao.

"Việt Nam chiến thắng bệnh lao"

Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam là "Việt Nam chiến thắng bệnh lao". Đây là lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.

Dịch tễ lao ở Việt nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. 

Theo Báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 - WHO, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. 

Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường gây bệnh ở phổi. Bệnh lan truyền từ người sang người thông qua các giọt bắn ra từ cổ họng và phổi của người bệnh đang bị bệnh lao phổi giai đoạn tiến triển. Chỉ khoảng 5-10% những người bị nhiễm Lao sẽ phát triển bệnh lao trong đời. Triệu chứng của bệnh lao phổi bao gồm ho, đôi khi có đờm, hoặc ho ra máu, đau ngực, suy nhược, gầy sút, sốt và ra mồ hôi về đêm.

Bệnh lao có thể điều trị với kết hợp 6 loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân trong số các bệnh nhân lao có đề kháng với các loại kháng sinh này, do đó đòi hỏi thời gian điều trị lâu hơn từ 9-24 tháng. Hầu hết bệnh lao có thể được điều trị khỏi miễn là bệnh nhân tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị.

Để dự phòng bệnh lao cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao và giảm nguy cơ từ nhiễm lao sang bệnh lao. Trong đó việc phát hiện sớm và điều trị khỏi cho người bệnh lao là biện pháp tốt nhất nhằm cắt giảm nguồn lây lao trong cộng đồng.

Bình luận của bạn

Bình luận