WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu từ siro ho pha trộn hóa chất độc hại

Hồng Ngọc
15:42 - 17/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về một mối đe dọa toàn cầu do siro ho nhiễm độc gây ra. WHO hiện đang hợp tác với 6 quốc gia để theo dõi các loại thuốc ho trẻ em chứa hóa chất nguy hiểm có khả năng gây chết người.

Theo Reuters, ông Rutendo Kuwana - trưởng nhóm các sự cố thuốc giả và kém chất lượng của WHO đã từ chối nêu tên 6 quốc gia mà tổ chức này đang hợp tác để tiến hành điều tra các loại siro ho độc hại có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nhỏ.

Theo ông Kuwana, từ khoảng năm 2021, giá propylene glycol (một thành phần thường sử dụng trong các loại dược phẩm) tăng vọt. Một số nhà sản xuất siro ho vô đạo đức đã trộn những hóa chất độc hại như ethylene glycol và diethylene glycol để thay thế vì chúng rẻ hơn các loại hóa chất hợp pháp. Những hóa chất này được sử dụng làm dung môi công nghiệp và các chất chống đông. Chúng có thể gây tử vong dù chỉ nuốt phải một lượng rất nhỏ và không được xuất hiện trong các loại dược phẩm dành cho con người.

Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 300 trẻ em ở nhiều nước trong năm 2022, theo thống kê của WHO.

WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu từ siro ho pha trộn hóa chất độc hại - Ảnh 1.

WHO kêu gọi các quốc gia phối hợp hành động để ngăn chặn ngộ độc và tử vong do siro ho, bởi đây không phải sự cố riêng lẻ của vài nước. Ảnh: Economic Times

Ông Kuwana cho biết, các nhà sản xuất dược phẩm, bao gồm cả những nhà sản xuất bị cáo buộc đã sản xuất siro nhiễm độc, thường lấy nguyên liệu từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ bên ngoài, ít người biết đến. Vì vậy, việc điều tra và thu hồi các sản phẩm siro ho chứa thành phần độc hại vì thế cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Quá trình này dự kiến sẽ mất một vài năm.

Siro ho không được khuyến khích sử dụng

Mới đây, nhà chức trách Ấn Độ đã mở cuộc điều tra cáo buộc hối lộ liên quan đến loại siro ho nhiễm độc được cho là nguyên nhân khiến hàng chục trẻ em tử vong ở Gambia, Uzbekistan. Sản phẩm siro ho sản xuất tại Ấn Độ liên quan đến 70 trường hợp trẻ em tử vong ở Gambia và 18 trẻ em tử vong ở Uzbekistan do tổn thương thận cấp tính.

Tháng 4/2023, Cơ quan quản lý y tế của Cameroon cũng mở cuộc điều tra cái chết của 6 trẻ em liên quan đến một loại siro ho có nhãn hiệu Naturcold. Nhà sản xuất có tên trên nhãn hiệu là Tập đoàn Fraken của Trung Quốc. Chính quyền Cameroon cho biết loại thuốc này có thể đã được nhập lậu và buôn bán trái phép ở nước này.

Từ năm 2001, WHO đã khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 5 tuổi uống siro ho vì chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của chúng cũng như bằng chứng rõ ràng về những tác dụng phụ mà chúng có thể gây ra.

Ngày 23/1/2023, WHO đã đưa ra thông báo, năm 2022 có hơn 300 trẻ em, chủ yếu dưới 5 tuổi, ở Gambia, Indonesia và Uzbekistan chết vì tổn thương thận cấp tính. Các ca tử vong có liên quan đến loại siro ho nhiễm độc. Tổ chức này kêu gọi các quốc gia trên thế giới ngay lập tức phối hợp hành động để ngăn chặn ngộ độc và tử vong do siro ho, bởi đây không phải sự cố riêng lẻ của vài nước.

WHO cũng khuyến nghị các quốc gia cần kịp thời kiểm tra, phát hiện và loại bỏ khỏi thị trường các loại thuốc nhiễm độc, cũng như tăng cường khâu giám sát chặt chẽ đối với các chuỗi cung ứng. Các bên liên quan cũng cần báo cáo cho WHO ngay khi phát hiện các sản phẩm không đạt chuẩn, đồng thời khuyến cáo để người dân nhận thức rõ về mối nguy hiểm và các tác dụng phụ của những loại thuốc như vậy.

Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nhà cung cấp và phân phối dược phẩm cần thường xuyên kiểm tra nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu làm giả, cũng như xác định chất lượng thuốc và các sản phẩm y tế khác.

WHO một lần nữa nhấn mạnh rằng chỉ những loại thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được phân phối hoặc lưu hành trên thị trường.


Nguồn: Reuters, WHO