Vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực vịnh Bắc Bộ
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, trên vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7, ảnh hưởng tới tàu thuyền hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ.
Vùng áp thấp gây mưa dông, gió giật mạnh trên biển
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 13 giờ ngày 8/6, vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ có vị trí ở vào khoảng 21,5-22,5 độ Vĩ Bắc; 108,5-109,5 độ Kinh Đông.
Trung tâm này dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục ít di chuyển, có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, trên vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7, ảnh hưởng tới tàu thuyền hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ.
Đồng thời, mưa vừa, mưa to và dông mạnh, gió giật mạnh có khả năng xảy ra ở khu vực các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới với gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong đêm 8/6 và ngày 9/6, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh.Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Trong đêm 8/6 và ngày 9/6, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2-3m; biển động.
Chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người trên biển như áp thấp nhiệt đới năm 1996 trên vịnh Bắc Bộ gây ra; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 204/VPTT ngày 8/6/2023 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.
Văn phòng thường trực đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan:
Theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin về diễn biến của vùng áp thấp đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Xu thế thời tiết các khu vực trên cả nước từ đêm 10-18/6
Bắc Bộ và Thanh Hóa: Từ đêm 10-13/6, có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có mưa rất to. Từ ngày 14-18/6, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trung Bộ: Từ đêm 10-11/6 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to (mưa tập trung vào chiều tối và tối).
Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ đêm 10-12/6, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (mưa tập trung vào chiều và tối). Từ ngày 13-18/6, có mưa rào và dông rải rác.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật.
Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy (đường kính có thể tới hàng trăm km) hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.
Khi áp thấp nhiệt đới đủ mạnh vì liên tục phát triển đủ năng lượng để thu hút gió và hơi nước mạnh lên sẽ hình thành bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là danh từ được dịch từ tiếng Anh "tropical storm".
Sự khác biệt giữa áp thấp nhiệt đới và bão nhiệt đới được phân biệt theo cấp gió. Theo sự phân chia cấp gió của đô đốc hải quân người Ireland là Francis Beautfort, thì gió được chia thành 13 cấp từ 0 tới 12. Khi gió xoáy mạnh từ cấp 6-7 được gọi là áp thấp nhiệt đới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google