Vua Trần chọn người tài từ... trẻ chăn trâu

GS.TS. Trịnh Sinh
07:03 - 19/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Triều đại nào cũng cần người tài giúp nước. Nhưng làm sao chọn được người tài?

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí". Câu nói nổi tiếng này của Tiến sĩ triều Lê Sơ là Thân Nhân Trung.

Quả là đúng như vậy, triều đại nào cũng cần người tài giúp nước. Nhưng làm sao chọn được người tài? Các triều đại hùng mạnh của nước Đại Việt đều chọn được người tài khá chuẩn xác, giúp cho cơ đồ xã tắc bền vững mà dân tình ấm no hạnh phúc. Vì thế, việc chọn được người tài được nhà vua trực tiếp tuyển qua thi cử. Vua có anh minh thì mới chọn được người giỏi giang giúp nước mà không câu nệ gia thế, tuổi tác.

Vị trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam

Vào thời Trần, có một người tài được lựa chọn như thế. Ông chính là Nguyễn Hiền (người ở làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, nay là Thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Gọi là ông thì cũng chưa chính xác, vì khi ông đỗ đầu trong khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) thì ông mới chỉ có…12 tuổi. Cái tuổi mà ngày nay học sinh thời công nghệ 4.0 thì mới chỉ vừa bước chân vào lớp 6 Trung học cơ sở.

Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên từ khi còn là trẻ chăn trâu. Ông là người tài thật, vì không tài thì làm sao lại đỗ Trạng Nguyên, vị Trạng Nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam?

Chọn được người tài như ông phụ thuộc ở cái thời ông sinh ra, "thời thế tạo anh hùng". Khi đó, Đại Việt sử ký toàn thư còn chép "Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức; người ở quán, các 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân; chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm". Những ghi chép đó vào năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 15, tức năm 1246 dương lịch. Vị vua trị vì hồi đó chính là vua đầu triều nhà Trần nổi tiếng, Trần Thái Tông.

Trần Thái Tông được các sử gia đời sau khen là vị vua "khoan nhân đại độ, sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy". Ông còn có công lớn là đoàn kết quân dân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông.

Một trong những cái giỏi của Trần Thái Tông là biết chọn người tài qua thi cử "định lệ thi tiến sĩ, cứ 7 năm 1 khoa". Cách chọn người tài của ông cũng chính xác, không lệ vào việc tuyển con cháu trong hàng tôn thất mà chọn lựa theo năng lực thật sự. Vì thế, một trẻ chăn trâu, con một bà nông dân nghèo rớt mùng tơi, mới đứng đầu kỳ thi, được phong là "Khai quốc Trạng Nguyên".

Cách thi cử khá công bằng, cơ hội cho mọi người từ già đến trẻ. Có thể, những người đỗ đạt là những người có trí nhớ tốt, "tầm chương trích cú", câu chữ thuộc lòng những Luận ngữ, Kinh thư. Nhưng như thế thì chưa đủ. Chỉ dừng ở mức học thuộc lòng. Cái cách học này thì ngày nay có thể dựa vào việc… tra mạng internet, nhanh đáo để mà cũng chính xác đáo để. Nhưng ngoài tri thức sách vở thì còn phải có cách ứng xử thông minh, lanh lợi, cái mà ngày nay được gọi là chỉ số IQ. Mà sự thông minh mới là quan trọng, giúp ích cho đời. Ở khoa thi đầu tiên của thời Trần, vua Trần Thái Tông ra đề và cũng là người chấm bài. Vì thế mà không thể lọt những người bất tài. Chính Nguyễn Hiền đã đỗ đầu khoa thi đấy, thì chắc chắn ông phải cực giỏi.

Một thời thịnh trị, vua sáng tôi hiền

Cái buổi đầu của triều Trần đã có một công cuộc khuyến học và tuyển chọn người tài trong thiên hạ cực kỳ đúng đắn: Bất kỳ già trẻ, lớn bé, miễn có năng lực là được đi thi theo ba cấp bậc (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa). Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên là thủ khoa. Cùng với ông còn có 48 người đỗ Thái học sinh nữa. Khoa thi này có những người về sau nổi tiếng giỏi giang như Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu (một trong những sử gia lớn nhất thời cổ)…

Trường thi đã nghiêm túc mà người chấm thi cuối cùng lại là vua thì lại càng nghiêm túc hơn. Trong một thời thịnh trị, vua sáng, tôi hiền, xã hội thanh bình vì thế mà toàn dân đoàn kết một lòng. Chính đó là nguyên nhân đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược nước ta 11 năm sau.  

Nguyễn Hiền vốn nổi tiếng là "thần đồng" từ hồi chưa đầy 10 tuổi. Ông không được học theo trường lớp chính thức, chỉ học một vị sư trong làng, tranh thủ học cả lúc chăn trâu, lấy que làm bút, lấy mặt đê làm giấy để viết. Nhưng ông học đến đâu nhớ đến đấy, xuất khẩu thành chương, chỉ xem qua 10 trang chữ mà đã thuộc lòng.

Sau khi thi đỗ Trạng Nguyên, Nguyễn Hiền chưa được bổ dụng làm quan vì còn… trẻ quá. Vua Trần Thái Tông cho ông về quê để học lễ, bồi bổ kiến thức thực tế. Thế là Trạng Nguyên lại tiếp tục… chăn trâu trên bờ đê làng mình.

Sau ba năm, Nguyễn Hiền được bổ làm quan Thượng Thư bộ Công (tương đương chức Bộ trưởng phụ trách công thương sau này). Ông từng được cử đi sứ nhà Nguyên vài lần. Ông cũng có công đánh Chiêm Thành khi xâm lược Đại Việt, mở mang võ đường rèn luyện quân đội. Ông sai người đắp đê quai vạc sông Hồng để ngăn lụt lội phục vụ nông nghiệp.

Truyền thuyết về ông rất nhiều quanh trí thông minh, hay chữ và giỏi đối đáp của ông. Chỉ tiếc rằng, tài hoa bạc mệnh. Ông bị bệnh năng và qua đời ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1256) khi mới 21 tuổi. Vua Trần Thái Tông vô cùng thương tiếc, truy phong ông làm Đại Vương Thành Hoàng và được tôn làm thần ở 32 nơi.

Vua Trần chọn người tài từ... trẻ chăn trâu - Ảnh 1.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền tọa lạc tại làng Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực,
cách thành phố Nam Định 14 km. Ảnh: Trần Việt Anh/ Bảo tàng Nam Định

Hậu duệ của Trạng Nguyên Nguyễn Hiền có nhiều nhà khoa bảng

Trong sách Đại Nam Nhất Thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn, đã có những dòng ca ngợi người con của tỉnh Nam Định như sau: 

"Nguyễn Hiền là người huyện Thượng Nguyên. Đời Thiên Ứng Chính Bình nhà Trần, thi đỗ Trạng Nguyên, mới 12 tuổi. Vì tuổi còn nhỏ, nên vua Trần cho vinh quy 3 năm rồi sẽ bổ dụng. Sau có sứ Bắc quốc sang nước ta làm 4 câu thơ để cho nước ta biện là chữ gì. Thơ rằng: Lưỡng nhật bình đầu nhật, Tứ sơn điên đảo sơn, Lưỡng Vương tranh nhất quốc, Tứ khẩu tại trung gian (Nghĩa là: hai chữ nhật bằng đầu, bốn chữ sơn điên đảo, hai chữ Vương tranh một nước, Bốn chữ khẩu ở trong). Cả triều không ai biện được là chữ gì. Nguyễn Hiền phân tích thành chữ Điền, sứ Bắc quốc sợ phục. Ông làm quan đến Thượng Thư Công bộ, dựng điền và cấp ruộng thờ".

Hiện nay, ở quê hương ông, dân làng đã lập đền thờ Nguyễn Hiền, đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử-văn hoá Quốc gia năm 1994. Hàng năm lễ hội rất to được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch.

Tài năng của Trạng Nguyên Nguyễn Hiền đã là tấm gương vượt khó học tập vươn lên cho vùng đất quê hương. Đặc biệt, nối dõi Trạng Nguyên, con cháu ông có bốn đời kế tiếp đều làm quan dưới triều Trần và giữ các chức vị như Đại Tư đồ, Thái bảo… Hậu duệ sau nữa của ông cũng là những nhà khoa bảng như Nguyễn Oanh (đời thứ 12) đỗ Tiến sĩ năm 1481, Nguyễn Thanh (đời thứ 13) đỗ Tiến sĩ năm 1496), Nguyễn Minh Dương (đời thứ 15) đỗ Tiến sĩ năm 1550….

Đến thăm đền thờ Nguyễn Hiền, tôi không khỏi xúc động nghĩ về một thời có những vị vua anh minh, những khoá thi công bằng chọn được những người tài năng thực sự như Trạng Nguyên Nguyễn Hiền. Nước Việt sở dĩ trường tồn có lẽ nhờ có những giai đoạn chú trọng đến chọn lựa nhân tài và khuyến học được như vậy. 

Thân Nhân Trung
Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí.