Vụ FBI khám xét dinh thự của ông Trump: Tổng thống Joe Biden - "Tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó"
Về kế hoạch của FBI tiến hành khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: "Tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó. Không, không một chút nào cả".
Tổng thống Joe Biden lên tiếng về vụ khám xét dinh thự của cựu Tổng thống Donald Trump
Theo trang USA Today: Trong lễ công bố kế hoạch xóa nợ các khoản vay dành cho sinh viên được tổ chức hôm 24/8 ở Nhà Trắng, khi nhắc về việc bản thân không nhận được báo cáo về kế hoạch của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiến hành khám xét dinh thự Mar-a-Lago của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Joe Biden khẳng định: "Tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó. Không, không một chút nào cả".
Theo đó, đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức bình luận về vụ việc. Trước đó, giới chức Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Mỹ không biết về cuộc khám xét trên và chỉ biết được thông tin này qua truyền thông.
Theo tờ New York Post, một ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng, bức thư mới được tiết lộ cho thấy văn phòng cố vấn Nhà Trắng đã yêu cầu Cơ quan Lưu trữ và hồ sơ quốc gia Mỹ (NARA) vào ngày 11/4 "cung cấp cho FBI quyền truy cập" vào 15 hộp tài liệu ban đầu được thu giữ từ Mar-a-Lago. và không rõ liệu Tổng thống Joe Biden có biết hay chấp thuận yêu cầu đó hay không.
Hơn 100 tài liệu mật được thu hồi từ nhà cựu Tổng thống Donald Trump
Khoảng 100 tài liệu có đánh dấu mật với tổng cộng hơn 700 trang đã được thu hồi từ dinh thự của cựu Tổng thống Donald Trump. Đây là kết quả các cuộc khám xét trong năm nay.
Cơ quan Lưu trữ và hồ sơ quốc gia Mỹ cho biết đã tìm thấy các tài liệu mật trong số 15 thùng hồ sơ mà cơ quan này thu hồi từ nhiều tháng trước từ dinh thự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong những hộp tài liệu được thu giữ, cơ quan này đã xác định một số tài liệu được đánh dấu tuyệt mật, bao gồm thông tin về các chương trình truy cập đặc biệt.
Bộ Tư pháp vẫn nghi ngờ cựu Tổng thống còn lưu trữ nhiều tài liệu mật khác tại dinh thự ở Mar-a-Lago. Đây là lí do dẫn đến cuộc khám xét ngày 8/8 vừa qua tại dinh thự này.
Có động cơ chính trị sau vụ khám xét dinh thự của cựu Tổng thống Donald Trump?
Trong thư gửi đến nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5/2022, chuyên viên lưu trữ Debra Steidel Wall nói với Evan Corcoran, luật sư của cựu Tổng thống Trump, rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden không đồng ý với quan điểm của ông Trump về đặc quyền hành pháp đối với các tài liệu.
Chuyên viên Debra Steidel Wall đã nói với luật sư Evan Corcoran rằng bà sẽ chuyển hồ sơ cho các nhà điều tra liên bang và phớt lờ những tuyên bố của cựu tổng thống về đặc quyền hành pháp.
Đồng minh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm tới một đoạn trong bức thư mà họ cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã được báo cáo trước nhiều tháng về vụ khám xét tại Mar-a-Lago. Trong đó, Chuyên viên Debra Steidel Wall viết đã có lúc bà tìm kiếm sự hướng dẫn từ văn phòng cố vấn Nhà Trắng.
Trước đó, ngày 23/8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội: "Nhà Trắng tuyên bố mạnh mẽ rằng, họ không liên quan và hoàn toàn không biết gì về 'cuộc săn phù thủy chính trị' nhằm vào tôi hay vụ đột nhập vào dinh thự Mar-a-Lago. Điều này được nhắc đi nhắc lại một cách mạnh mẽ. Không hề đúng".
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã phản ứng trước thông tin về vụ đột kích của Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump, cáo buộc các đặc vụ liên bang nhắm mục tiêu không công bằng vào cựu tổng thống vì các mục đích chính trị.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel đã gọi cuộc đột kích là một "sự lạm dụng quyền lực", đồng thời chỉ trích đảng Dân chủ coi thường luật pháp.
Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cam kết đảng Cộng hòa sẽ điều tra Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nếu giành lại quyền kiểm soát Quốc hội sau kỳ bầu cử vào tháng 11 tới.
Theo trang tin Bloomberg, đã có một số thành viên đảng Cộng hòa cáo buộc vụ khám xét dinh thự được Tổng thống Joe Biden thúc đẩy với động cơ chính trị, khi họ nhận định chính quyền Tổng thống Joe Biden đã "vũ khí hóa" Bộ Tư pháp Mỹ để tạo ra những tác động chính trị tiêu cực nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump.
Các nhà lập pháp tại Florida cũng đưa ra các phản ứng tương tự, trong đó Thống đốc Ron DeSantis, một ứng cử viên tiềm năng tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, người có thể thách thức cựu Tổng thống Trump vào năm 2024 cho rằng: "Cuộc đột kích trên là một bước leo thang khác trong quá trình vũ khí hóa các cơ quan liên bang chống lại các đối thủ chính trị".
Một số đảng viên Cộng hòa như Marco Rubio lặp lại tuyên bố của Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng "một cuộc đột kích như vậy chỉ có thể xảy ra ở các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba".
Còn cựu Hạ nghị sỹ bang Utah Jason Chaffetz, người từng đứng đầu Ủy ban Giám sát và cải cách Hạ viện trong cuộc điều tra của FBI về máy chủ email riêng của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, lưu ý rằng văn phòng chưa bao giờ đột kích vào nhà của bà Clinton trong cuộc điều tra đó.
Ông Chaffetz cũng kêu gọi sa thải Giám đốc FBI Christopher Wray, người được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào năm 2017.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Sáu
Các nhà phân tích chính trị nội bộ Mỹ cho rằng ông Donald Trump đang được truyền thông quan tâm và việc ông và thành viên gia đình phải ra hầu tòa đã chiếm phần lớn lượng tin tức tại Mỹ trong những ngày qua, tạo lợi thế cho Tổng thống Joe Biden khi báo chí không xoáy vào những vấn đề gai góc và bất lợi hiện nay.
Đồng thời, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng các hành động triệu tập cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và con cái của ông để phục vụ điều tra các vụ án trước đây là hình thức trả đũa của chính giới Mỹ khi mà tập đoàn Trump đang nỗ lực tấn công vào các dự án có liên quan đến Hunter Biden, con trai đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến do hãng Reuters/Ipsos thực hiện trong các ngày 22-23/8 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ đã tăng trong tuần qua, đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng Sáu đến nay.
Với kết quả 41% người tham gia cuộc thăm dò bày tỏ ủng hộ Tổng thống Joe Biden, đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng Sáu tỷ lệ này ở trên mức 40%.
Khảo sát cũng cho thấy trong số các thành viên đảng Dân chủ, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden là 78%, tăng so với mức 69% hồi đầu tháng Bảy. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các thành viên đảng Cộng hòa vẫn ổn định ở mức 12%.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden có xu hướng tăng trong các tuần vừa qua, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua các đạo luật về chống biến đổi khí hậu, giảm giá thuốc và thúc đẩy khả năng cạnh tranh khoa học công nghệ của Mỹ.
Cuộc thăm dò của Reuter/Ipsos được thực hiện trên toàn quốc với 1.005 người trưởng thành, trong đó có 458 thành viên đảng Dân chủ và 379 thành viên đảng Cộng hòa.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đã giảm xuống dưới 50% kể từ tháng 8/2021, trong bối cảnh lạm phát leo thang và nền kinh tế chịu ảnh hưởng của khủng hoảng dịch COVID-19.
Tòa án New York, Mỹ triệu tập cựu Tổng thống Donald Trump
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Văn phòng Tổng chưởng lý thành phố New York để phục vụ công tác điều tra liên quan đến các giao dịch của cá nhân ông và công ty Trump (Trump Organization).
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không trực tiếp trả lời các câu hỏi và duy trì thái độ phủ nhận các chứng cứ tòa đưa ra, đồng thời ông cũng tố cáo Chính phủ Mỹ đang đối xử bất công với cá nhân và gia đình ông.
Các công tố viên tòa New York đã truy cứu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tội cố tình lừa đảo các nhà đầu tư khi thổi phồng giá trị tài sản, đồng thời có hành vi khai khống và gian lận thuế.
Hồi tháng 4/2022, hai người con của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là Donald Junior và Ivanka đã bị tòa triệu tập để phục vụ công tác điều tra.
Công bố về việc cản trở cuộc điều tra can thiệp bầu cử Mỹ 2016
Trong một diễn biến khác, ngày 24/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố toàn bộ một bản ghi nhớ năm 2019, có nội dung khuyên bộ trưởng tư pháp khi đó không buộc tội cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, về việc cản trở cuộc điều tra can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Trong bản ghi nhớ, hai quan chức hàng đầu đã khuyên bộ trưởng tư pháp khi đó là William Barr không buộc tội tổng thống đương thời Donald Trump cản trở cuộc điều tra của cố vấn đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Quyết định của ông Barr về việc xóa tên cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khỏi cuộc điều tra sau đó đã khiến nhiều đảng viên Dân chủ và một số cựu luật sư Bộ Tư pháp chỉ trích. Họ cáo buộc vị quan chức tư pháp hàng đầu của Mỹ bảo vệ "ông chủ" của mình.
Vụ đột kích có "một không hai"
Trước đó, vào ngày 8/8/2022, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đột kích vào khu dinh thự Mar-a-Lago của gia đình cựu Tổng thống Donald Trump tại Florida, với nhiệm vụ khám xét các tài liệu đã được đăng ký vào danh mục lưu trữ quốc gia nhưng bị mất trong thời kỳ ông Donald Trump làm tổng thống.
Đầu năm 2022, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giao nộp 15 hộp tài liệu vào kho lưu trữ quốc gia, và lần này sau khi khám xét, FBI tiếp tục thu giữ nhiều hộp tài liệu khác được cho là có thể phục vụ cho công tác điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ.
Các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng cựu tổng thống và phụ tá của ông đã không trung thực khi khai báo về số lượng các tài liệu mật trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng vào (tháng 1/2021).
Phản đối hành động của Bộ Tư pháp và FBI, cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng ông đã hợp tác với chính quyền, như vậy Bộ Tư pháp không cần phải thực thi các hành động đột nhập vào nhà riêng của ông.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google