Toàn cảnh cuộc đột kích của FBI vào dinh thự cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hồng Ngọc
13:11 - 11/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc FBI đột kích nhà ông Trump làm chấn động dư luận và gây sóng gió trên chính trường Mỹ, liệu có phải là sự khởi đầu của một cơn bão chính trị tại nước này?

Cuộc khám xét chưa từng có tiền lệ

Ngày 8/8/2022 (theo giờ Mỹ), các phương tiện truyền thông đưa tin các nhân viên mật vụ thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bất ngờ đột kích tư dinh Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở bang Florida. Theo ông Trump, cuộc khám xét này không được thông báo trước.

"Ngôi nhà xinh đẹp của tôi, Mar-A-Lago ở Palm Beach, Florida đang bị một lượng lớn đặc vụ FBI bao vây, đột kích và chiếm đóng", ông Trump viết trên mạng xã hội tối 8/8.

Toàn cảnh cuộc đột kích của FBI vào dinh thự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 1.

Dinh thự Mar-A-Lago của ông Trump ở Palm Beach, Florida. Ảnh: Reuters

Trong thông cáo mới nhất, cựu Tổng thống Mỹ chỉ trích: "Đây là hành vi sai trái của cơ quan tố tụng, sự vũ khí hóa Hệ thống Tư pháp và là một cuộc tấn công của Dân chủ Cánh tả Cực đoan, những người không muốn tôi tranh cử tổng thống năm 2024".

Ông Trump không có mặt tại tư dinh mà ở New York vào thời điểm đó. Con trai - Eric Trump đã thông báo cho ông biết về vụ đột kích, đồng thời chia sẻ với hãng tin Fox rằng FBI có lệnh khám xét đối với các hồ sơ tổng thống.

Khám xét nhà ông Trump, FBI thu được gì?

Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Christina Bobb - luật sư riêng của ông Trump cho biết, trước khi khám xét dinh thự, các đặc vụ FBI đã xuất trình lệnh khám xét, họ nghi ngờ ông Trump vi phạm quy định bảo mật thông tin và Luật Hồ sơ Tổng thống.

Theo bà Christina Bobb, FBI đã mang đi khoảng 10 thùng tài liệu từ dinh thự Mar-a-Lago.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp Mỹ đã xúc tiến một cuộc điều tra nhằm vào cựu Tổng thống Trump liên quan tới cáo buộc rút một số hồ sơ tổng thống khỏi Nhà Trắng và lưu giữ tại khu nghỉ dưỡng gia đình Mar-a-Lago trong nhiều tháng qua.

Toàn cảnh cuộc đột kích của FBI vào dinh thự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 2.

Các thành viên mật vụ đứng gác bên ngoài khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump sau khi FBI khám xét dinh thự này ngày 8/8/2022. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 2, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ (NARA) cho biết cựu Tổng thống Trump đã mang 15 thùng đồ, trong đó chứa nhiều tài liệu mật, khỏi Nhà Trắng và cất giữ sai quy định tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ông Trump bác bỏ cáo buộc này.

Theo Fox News, nếu thông tin trên chính xác, thì hành động đó vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống Mỹ năm 1978, trong đó yêu cầu chính quyền phải giữ tài liệu và lưu hồ sơ về quá trình thực hiện công vụ tại Nhà Trắng. Các rủi ro pháp lý đối với việc đưa các tài liệu mật ra khỏi Nhà Trắng rất cao.

Đạo luật Hồ sơ tổng thống từ năm 1978 yêu cầu các lãnh đạo Nhà Trắng phải chuyển giao tất cả các ghi chú, bản ghi nhớ, thư điện tử và các giấy tờ liên quan cho NARA khi mãn nhiệm. Theo đó, các luật hình sự liên quan nghiêm cấm việc cắt xén, cất giấu hoặc tiêu hủy tài sản của chính phủ, đồng thời quy định các hành vi vi phạm sẽ phải chịu những hình phạt gồm cả phạt tiền và đi tù.

Nếu ông Trump bị phát hiện giữ lại các tài liệu mật sau khi hứa sẽ gửi trả tất cả chúng về Washington, ông có thể bị buộc tội đánh cắp tài sản của chính phủ và khai man.

Toàn cảnh cuộc đột kích của FBI vào dinh thự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 3.

Các hộp đựng đồ được đưa khỏi Nhà Trắng khi ông Trump sắp hết nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 1/2021. Ảnh: Reuters

Sự hỗn loạn chính trị

Cuộc đột kích chưa từng có tiền lệ của FBI vào dinh thự riêng của một cựu Tổng thống, người đang cân nhắc chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ 3, đã khiến ông Trump, đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ông phẫn nộ.

Giới quan sát đánh giá, vụ việc đang châm ngòi tranh cãi và tăng thêm chia rẽ đảng phái ở Mỹ. Nhà Trắng quả quyết, bản thân Tổng thống Joe Biden và các quan chức trong chính quyền đều không được FBI thông báo trước về cuộc đột kích.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa của ông Trump phản ứng đầy giận dữ, với nhiều chính khách và quan chức cấp cao trong đảng lặp lại phát biểu của cựu tổng thống, gay gắt lên án động thái là "không cần thiết và không phù hợp". Mitch McConnell, lãnh đạo đảng tại Thượng viện đã yêu cầu DOJ phải giải thích ngay lập tức, trong khi Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng tại Hạ viện đe dọa điều tra vì âm mưu "chính trị hóa cơ quan hành pháp".

Chỉ vài giờ sau khi vụ việc xảy ra, Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa đã gửi các tin nhắn có gắn đường link kết nối tới WinRed, một mạng lưới gây quỹ của đảng nhằm quyên góp tiền để "ngăn chặn Joe Biden". Trên các diễn đàn ủng hộ ông Trump xuất hiện những thành viên ẩn danh kêu gọi mọi người tham gia "nội chiến". Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại trừ vài chục người không vũ trang tụ tập bên ngoài Mar-a-Lago, có rất ít dấu hiệu về việc những người ủng hộ cựu Tổng thống sẽ đáp ứng lời kêu gọi trên.

Toàn cảnh cuộc đột kích của FBI vào dinh thự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 4.

Những người ủng hộ ông Trump biểu tình bên ngoài tư dinh của ông ở Florida vào ngày 8/8/2022. Ảnh: AFP

Trong khi đó, phe Dân chủ cho rằng ông Trump cần chịu trách nhiệm cho "sai phạm" của mình và FBI sẽ không hành động trừ khi có lệnh khám xét và căn cứ xác đáng. "Đó là điều xảy ra khi bạn phạm luật, cố đánh cắp một cuộc bầu cử và kích động bạo loạn chết người. Ông Donald Trump nên ngồi tù. Tôi tự hào khi thấy FBI có hành động truy cứu trách nhiệm", Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal đến từ bang Washington bày tỏ.

Sự hỗn loạn chính trị này là điều DOJ từng cố gắng tránh. Hồi tháng 5, chính Bộ trưởng Garland đã nhắc nhở các cộng sự của mình hãy giữ "trung lập và công bằng" khi thực hiện các cuộc điều tra nhạy cảm, có liên quan đến các đảng phái chính trị. Song, đảng Cộng hòa có thể cáo buộc sự kiện ngày 8/8 là một dấu hiệu cho thấy DOJ đã đi ngược lại quyết định này.

Ông Donald Trump có thể lật ngược tình thế?

Cây bút bình luận Jacob Heilbrunn của tạp chí The National Interest tin, trong mọi trường hợp, lợi thế ngắn hạn rõ ràng đang thuộc về ông Trump. Giờ đây, ông một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trên chính trường, vào thời điểm Tổng thống Biden vừa giành thắng lợi quan trọng trước bầu cử giữa kỳ trong tuần qua. Ông Trump, đảng Cộng hòa và những người ủng hộ chắc chắn sẽ khai thác vụ đột kích của FBI theo hướng có lợi cho họ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tận dụng phản ứng giận dữ của người ủng hộ trước việc FBI khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để tiếp sức cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Niềm tin của những người này - rằng ông Trump bị đối xử bất công - cũng có thể trở thành nhiên liệu cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 mà ông đang để mắt tới.

Rất nhanh, ông Trump cũng phủ màu sắc chính trị lên vụ khám xét của FBI. Ông tự nhận là nạn nhân trước hành vi "vũ khí hóa hệ thống tư pháp" của các đảng viên Dân chủ - những người muốn ngăn ông trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử năm 2024.

"Một cuộc tấn công như thế chỉ có thể xảy ra ở các nước thứ ba đổ vỡ. Đáng buồn là nước Mỹ đã trở thành một nước như vậy, đồi bại ở mức chưa từng thấy. Họ thậm chí phá két sắt của tôi", ông Trump nói, không hề đề cập tới việc vụ khám xét được thực hiện dựa trên trát tòa hợp pháp.

Ông cũng đưa ra tuyên bố nghi ngờ khả năng các đặc vụ FBI gài bằng chứng vào dinh thự Mar-a-Lago trong quá trình khám xét diễn ra vào ngày 8/8: "Họ yêu cầu tất cả mọi người phải rời khỏi khu vực để họ khám xét. Không có ai chứng kiến họ làm gì, lấy thứ gì và hi vọng họ không gài bằng chứng."

Khi chưa biết liệu ông Trump có phạm luật thực sự hay không, nhiều đảng viên Cộng hòa đã có phản ứng gay gắt. Họ đòi Bộ Tư pháp Mỹ phải giải thích, đồng thời khẳng định ông Trump là nạn nhân bị trả thù chính trị.

Ông Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, tuyên bố sẽ điều tra Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.

Trên Twitter, Thượng nghị sĩ bang Florida Rick Scott đòi hỏi "FBI phải giải trình những hành động của họ lý do là gì".

Tuy nhiên, theo CNN, Bộ Tư pháp và FBI hiểu rõ quyết định khám xét khu nghỉ dưỡng của ông Trump sẽ tạo ra dư chấn chính trị lớn tới mức nào.

"Đây là động thái mà toàn bộ giới lãnh đạo của cả hai cơ quan này sẽ phải lên kế hoạch, đánh giá và xem xét pháp lý từ mọi góc độ có thể", cựu Phó giám đốc FBI Andrew McCabe nói với CNN.

Cuộc điều tra này không có chỗ cho Bộ Tư pháp Mỹ hay FBI phạm sai lầm, theo CNN, nhất là khi các cáo buộc sai sự thật của ông Trump về gian lận bầu cử năm 2020 đã góp phần tạo nên cuộc bạo loạn tại điện Kapitol ngày 6/1/2021.

Dư luận vẫn đang nín thở chờ xem đây có phải là sự khởi đầu của một cơn bão chính trị càn quét Mỹ hay không và Tổng thống Biden cùng phe Dân chủ sẽ có ứng phó khủng hoảng ra sao.

Cuộc bạo loạn tại điện Kapitol, Mỹ: Ngày 6/1/2021 một nhóm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử tổng thống 2020 đã xâm chiếm Điện Capitol, Mỹ sau khi ông Trump phàn nàn về gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống từ tháng 11/2020. Sau khi vượt qua lực lượng an ninh, họ phá hoại và chiếm giữ một số phần tòa nhà kéo dài trong vài tiếng đồng hồ. Ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ của mình tuần hành đến Điện Capitol của Mỹ để gây áp lực nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử. Việc kiểm phiếu đại cử tri tiếp tục vào đêm đó và hoàn thành vào sáng sớm ngày hôm sau, ông Joe Biden được tuyên bố là người chiến thắng và sẽ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2021.

Các sự kiện xảy ra bị các nhà lãnh đạo và các tổ chức chính trị ở Mỹ và quốc tế lên án. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell gọi cuộc tấn công vào Điện Capitol là một "cuộc nổi dậy thất bại".

Ông Donald Trump bị triệu tập điều tra

Khi vụ việc khám xét "tốn giấy mực" này còn chưa lắng xuống, ngày 10/8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị triệu tập đến Văn phòng Tổng chưởng lý thành phố New York để phục vụ công tác điều tra liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty gia đình Trump Organization.

Đối với các cáo buộc của công tố viên Toà án New York, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không trực tiếp trả lời các câu hỏi và duy trì thái độ phủ nhận các chứng cứ, đồng thời ông cho rằng ông và gia đình đang bị đối xử bất công.

Cụ thể, ông Trump bị truy cứu tội cố tình lừa đảo các nhà đầu tư khi thổi phồng giá trị tài sản, đồng thời có hành vi khai khống và gian lận thuế.

Toàn cảnh cuộc đột kích của FBI vào dinh thự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 7.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Văn phòng Tổng chưởng lý thành phố New York để phục vụ công tác điều tra ngày 10/8/2022. Ảnh: AP

Bắt đầu từ năm 2019, ông Trump đã phải đối mặt với các cuộc điều tra cả hình sự và dân sự liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty gia đình.

Hồi tháng Tư, hai người con của ông Trump là Donald Junior và Ivanka cũng đã bị tòa triệu tập để phục vụ công tác điều tra.

Nhiều nhà phân tích chính trị nội bộ Mỹ cho rằng ông Trump đang được truyền thông quan tâm và việc ông bị khám xét dinh tự và phải ra hầu tòa đã chiếm phần lớn lượng tin tức tại Mỹ trong những ngày qua, tạo lợi thế cho Tổng thống Joe Biden khi báo chí không xoáy vào những vấn đề gai góc và bất lợi hiện nay.

Ở khía cạnh khác, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng các hành động triệu tập ông Trump và con cái để phục vụ điều tra các vụ án trước đây là hình thức đáp trả của chính giới Mỹ khi mà tập đoàn Trump đang nỗ lực tấn công vào các dự án có liên quan đến Hunter Biden, con trai đương kim Tổng thống Joe Biden.


Nguồn: tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận